Bạn đọc viết:
Giáo viên bị bóp cổ, quỳ gối, đuổi việc… và giấc mơ học sinh giỏi vào Sư phạm
(Dân trí) - “Có hay không chuyện sinh viên sư phạm xấu hổ, hoang mang về nghề giáo?” - bài viết trên báo Dân trí đặt ra câu hỏi về vị thế của “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Theo tôi, cần thẳng thắn nhìn vào thực trạng để tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề.
Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng nữa đang về. Sức nóng chọn trường lại được khơi lên trong cuộc chạy đua khốc liệt giữa các ngành nghề. Sư phạm và cơn khát học sinh giỏi liệu có chuyển biến tích cực không khi mà người thầy đang bị “vây” giữa muôn vàn áp lực “bị bóp cổ”, “quỳ gối”, “bỗng dưng mất việc”…?
Không phải bây giờ người ta mới đề cập đến chế độ lương thưởng và đãi ngộ nhà giáo còn hạn chế cũng như những áp lực khủng khiếp của nghề “gõ đầu trẻ”. Từ lâu, sức hấp dẫn của nghề giáo giảm sút trầm trọng đối với thí sinh trước ngưỡng của chọn trường đã được nói khá nhiều. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình cảnh này chính là bài toán thất nghiệp của cử nhân sư phạm. Đó là rào cản lớn nhất cản bước chân học sinh giỏi, người tài về với giấc mơ “phấn trắng, bục giảng”.
Một thống kê của Bộ Giáo dục gần đây cho biết cả nước có khoảng 26.000 giáo viên THCS và THPT dư thừa. Một thống kê khác dự báo đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 70.000 cử nhân Sư phạm thất nghiệp. Số lượng giáo viên dôi dư cùng tình trạng thất nghiệp tràn lan như một bức tường thành kiên cố khó đẩy ngã để tìm tia hy vọng le lói về việc làm trong tương lai.
Tình trạng tinh giảm biên chế, chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên đang diễn ra nhiều nơi, gióng lên hồi chuông báo động về sự bấp bênh của nghề nghiệp.
Dù yêu nghề giáo thế nào đi nữa, chẳng ai đủ can đảm theo đuổi giấc mơ khi chưa ra tốt nghiệp đã nắm chắc thất nghiệp, chẳng ai đủ can đảm đánh đổi 4 năm học ở giảng đường để rồi phải “giấu” bằng cử nhân khi đi xin làm công nhân…
Tình trạng “khủng hoảng thừa” đội ngũ giáo viên đang là một bài toán nan giải chưa có hướng giải quyết. Đề xuất tăng lương nhà giáo vừa bị bác bỏ. Chính sách miễn học phí Sư phạm đang có nguy cơ tạm dừng.
Và những “gáo nước lạnh” vẫn tiếp tục tạt thẳng vào người thầy. Câu chuyện giáo viên ở Long An bị phụ huynh ép quỳ gối chưa kịp lắng xuống thì một giáo viên khác ở Bến Tre bị học sinh bóp cổ. Rồi chuyện một giáo sinh mầm non tại Nghệ An đang mang thai bị phụ huynh đánh đập và bắt quỳ gối… tiếp tục làm lòng người thầy thêm chua chát…
“Nghề giáo ngày càng bạc bẽo”, “nghề giáo ngày càng nguy hiểm”… là tiếng thở than về nghề giáo làm cho giấc mơ học sinh giỏi vào sư phạm mà cả xã hội ta đang hướng đến dường như xa vời hơn.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên quy định ngưỡng đảm bảo: xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên đối với đại học, xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên đối với cao đẳng, trung cấp.
Siết chặt đầu vào các trường sư phạm là quy định sáng suốt và cực kỳ cấp bách lúc này. Tuy nhiên, “học sinh giỏi có muốn vào sư phạm không?” và “trường sư phạm có cơ hội để kén chọn không?” là hai câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tôi nghĩ chừng nào mà chế độ đãi ngộ nhà giáo vẫn còn “cân đo đong đếm”, bài toán việc làm còn bấp bênh và người thầy còn tiếp tục “bị bóp cổ”, “quỳ gối”, “đuổi việc”… thì đừng mơ học sinh giỏi chọn trường sư phạm.
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!