Giao tự chủ tuyển sinh theo hướng nào?

(Dân trí) - Mặc dù Bộ GD-ĐT khẳng định kì thi ĐH, CĐ vẫn giữ ổn định nhưng với việc giao cho 6 trường trọng điểm nghiên cứu phương án tuyển sinh mới đã làm nóng lên cụm từ “tự chủ tuyển sinh”. Một lần nữa những người trong cuộc lại đặt ra câu hỏi: Nên hay không?

Trước năm 2002, cũng vì cụm từ “tự chủ tuyển sinh” mà ngành giáo dục đã phải “toát mồ hôi” trong việc giải quyết vấn đề thí sinh đổ xô ra các thành phố lớn luyện thi, lộ đề, những tiêu cực trong kì thi tuyển sinh... Vào thời điểm đó, phương án “3 chung” đã được lựa chọn để “triệt hạ” những bất cập này.

Tại hầu hết các hội nghị thi và tuyển sinh toàn quốc (từ năm 2002 đến nay), lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ đã phải thẳng thắn thừa nhận, từ khi tồn tại giải pháp thi “3 chung” công tác tuyển sinh đã nghiêm túc hơn, các trường đỡ chịu áp lực hơn trong khâu ra đề thi…, và điều quan trọng nhất là tạo cơ hội cho học sinh chuyển đổi ngành học.

Cái chưa được lớn nhất của phương án ba chung là thí sinh tập trung thi cùng đợt quá đông khiến cả xã hội phải "gồng mình" chống đỡ. Để khắc phục điểm yếu này, mấy năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã cải tiến, thành lập 3 cụm thi để giảm sự quá tải ở các thành phố lớn và tiết kiệm cho phụ huynh và thí sinh.

Theo đánh giá của GS. TS Nguyễn Hữu Dư - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội thì trong quá trình thực hiện “3 chung” nhà trường không thấy có bất cập nào đáng kể ngoài việc có một vài năm việc ra đề thi không được phân lập lắm giữa học sinh giỏi và khá.

Vấn đề này cũng được các trường đề xuất hàng năm lên Bộ đó là nên có một số câu hỏi hơi khó mà chỉ có học sinh giỏi mới làm được. Năm 2010 thì đề thi đã bắt đầu làm được điều đó khi mà điểm tuyệt đối 30/30 trên toàn quốc giảm xuống rất mạnh. Đây là cách làm tích cực và cần phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.

Chung với quan điểm này, GS.TS Lê Kim Truyền, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho rằng việc tổ chức tuyển sinh theo ba chung là những cải tiến tích cực. Việc một số trường muốn cải tiến đề thi cho phù hợp với đặc điểm của trường mình không phải là vấn đề quá lớn bởi đa số tuyển đầu vào từ cái nền của cấp phổ thông. Số trường tuyển sinh theo tính đặc thù là không nhiều.

Song trên thực tế, từ khi “3 chung” ra đời thì công tác tuyển sinh của một số trường gặp nhiều khó khăn như không tuyển đủ chỉ tiêu, một số ngành học phải đóng cửa vì không có sinh viên…Chính vì thế, trong những cuộc hội thảo gần đây không ít trường đã mạnh dạn đòi quyền tự chủ tuyển sinh để khỏi phụ thuộc vào mức điểm sàn.

Trước vấn đề này GS. TS Nguyễn Hữu Dư cho rằng nếu một trường đẳng cấp nhưng chưa chuẩn bị đủ điều kiện chín muồi song vì lý do thị trường người ta vẫn nôn nóng muốn lấy sinh viên vào, nếu giao tự chủ tuyển sinh thì sẽ rất nguy hiểm. Chính vì thế nếu Bộ GD-ĐT có chủ trương này thì chỉ nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho những trường thực sự có đủ năng lực.

Cũng theo GS Dư thì việc tồn tại thêm một kì thi riêng dành cho các trường có đủ năng lực song hành với kì thi “ 3 chung” thì sẽ cồng kềnh và tốn kém hơn nhưng bù lại sẽ tăng thêm cơ hội cho những thí sinh có học lực khá giỏi.

Qua tìm hiểu của chúng tôi đối với các trường được Bộ GD-ĐT giao cho nhiệm vụ nghiên cứu phương án tuyển sinh mới thì đa số đều chọn giải pháp tổ chức kì thi riêng khác đợt với “3 chung”. Song cũng có vấn đề đặt ra là khi tách thành hai đợt riêng biệt như vậy dẫn đến nguy cơ sự tập trung quá nhiều thí sinh ĐKDT vào một trường.

“Khi làm như vậy thì đòi hỏi các trường được tổ chức thi riêng phải đưa ra một chuẩn để sàng lọc bớt thí sinh ĐKDT. Theo tôi thì trong đợt thi này chỉ nên dành cho những thí sinh có học lực khá, giỏi. Nếu các em không trúng tuyển thì vẫn còn cơ hội ở kì thi “3 chung” tiếp theo”, GS Dư đưa ra biện pháp.

Cùng chung quan điểm này, lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội (một trong 6 trường được Bộ GD-ĐT giao cho nghiên cứu phương án tuyển sinh mới) cho rằng: “Nếu số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tập trung vào một trường nào đó quá lớn thì khâu tổ chức thi khá phức tạp. Việc đưa ra chuẩn sàng lọc thí sinh cũng phải tính toán rất kỹ và đồng bộ”.

Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, vấn đề “tự chủ tuyển sinh” luôn là sự “khát khao” của nhiều trường, chính vì thế Bộ GD-ĐT cần đưa ra những tiêu chí lựa chọn công khai để bản thân các trường và xã hội cùng tham gia đánh giá.

Nguyễn Hùng