Giáo sư gốc Việt tranh giải "Người Australia của năm 2012”
Nhà phát minh nổi tiếng người Úc gốc Việt, GS.TS Nguyễn Hùng vừa được chọn làm nhân vật đại diện cho tiểu bang New South Wales nhằm tranh giải "Người Australia của năm 2012”. Theo nguồn tin từ báo chí Úc, việc công bố kết quả chính thức cho danh hiệu này sẽ diễn ra vào ngày 26/1/2012.
GS.TS Nguyễn Hùng hiện đang cư ngụ ở Castle Hill, là Phó trưởng khoa Kỹ thuật & Công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghệ Sydney (gọi tắt UTS). 20 năm qua, ông được mệnh danh là "Thầy của những phát minh” vì đã có khá nhiều sáng chế về y khoa hết sức hữu ích, tiện dụng cho các bệnh nhân. Theo đó, GS.TS Nguyễn Hùng và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu người Việt tại trường Đại học Công nghệ Sydney của ông đã mất khoảng thời gian trên dưới 10 năm để nghiên cứu về xe lăn thông minh. Nó được thiết kế với những chiếc cảm biến nhỏ như laser, caméra... để biến chúng thành những robot tự động có thể tự di chuyển và có thể tránh các vật thể mà chúng "nhìn thấy” được qua các caméra lắp trên xe, nhằm tạo sự an toàn cho người sử dụng. Những cảm biến này được gọi là cảm biến môi trường.
Một nhóm nghiên cứu khác cũng của GS.TS Nguyễn Hùng hiện đang nghiên cứu về cảm biến cơ thể của những người sử dụng xe lăn. Cụ thể là những người khuyết tật có thể sử dụng những cái lắc đầu, ánh mắt hoặc suy nghĩ của mình để điều khiển xe. Điều này xem ra rất có ích cho những người bị khuyết tật nặng, vì có thể họ không còn các bộ phận cơ thể để dùng điều khiển những chiếc xe lăn điện sử dụng cần điều khiển như hiện nay. Chẳng hạn muốn di chuyển qua trái, họ chỉ cần lắc đầu sang bên trái, nhìn sang bên trái hoặc chỉ cần suy nghĩ là mình cần sang bên trái, chiếc xe lăn "thông minh” sẽ tự động di chuyển theo hướng suy nghĩ của người dùng. Đó là phác thảo tương lai còn về trước mắt, nhóm của GS.TS Nguyễn Hùng đang nghiên cứu để kết hợp cảm biến môi trường và cảm biến cơ thể để tạo ra một chiếc xe lăn "thông minh” phù hợp với từng mức độ nặng nhẹ của người khuyết tật, sao cho những chiếc xe này khiến họ không cảm thấy mình là người vô dụng. Chiếc xe không chỉ là những con robot tự động lập trình tất cả đường đi nước bước của người khuyết tật, mà họ vẫn phải sử dụng cả suy nghĩ và tư duy để điều khiển chúng.
Nhóm nghiên cứu của GS.TS Hùng còn giúp một công ty ở Úc chế tạo thành công một loại thiết bị điện tử gần giống như quả tim nhân tạo. Loại thiết bị công nghệ cao này đã được thử nghiệm trên con người, hầu hết là tại Úc và một vài người ở châu Âu. Theo GS.TS Nguyễn Hùng, thiết bị này có thể hỗ trợ một số người mắc bệnh liên quan đến tim duy trì sự sống trong 5-10 năm và sau thời gian này còn có thể lắp đặt lại cái mới. Bên cạnh đó, Giáo sư và các cộng sự cũng đã chế tạo thành công thiết bị có tên HYPOMON System, chiếc máy thần kỳ trợ giúp cho các bệnh nhân tiểu đường. HYPOMON System có thể đo được lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức qui định và kết nối với một hệ thống báo động, giúp bệnh nhân tránh khỏi những biến chứng do giảm glucoza-huyết mà không cần phải lấy máu làm xét nghiệm.
Ngoài ra, ông còn có rất nhiều phát minh, sáng chế khác đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ trở thành những ứng dụng mới trong xã hội như: thiết bị phát hiện sớm ung thư vú, thiết bị giúp con người điều khiển các thiết bị điện tử bằng các tín hiệu của bộ não... Chính vì thế, tạp chí Anthill của Úc đã từng xếp phát minh này vào hạng ba trong số 100 phát minh hàng đầu của nước này. Đáng chú ý, từ những năm 1990 đến nay, GS.TS Nguyễn Hùng và các nhóm nghiên cứu của mình đã nhận được không dưới 6,4 triệu USD cho các dự án nghiên cứu của họ.
Quay trở lại với những chiếc xe lăn "thông minh” phiên bản mới hiện tại vẫn đang nằm trong các phòng thí nghiệm của UTS, trả lời câu hỏi "Xe lăn thông minh với những thiết bị tối tân nên giá thành có thể rất đắt, liệu chúng có thể đến tay những người dân bình thường ở Việt Nam được hay không?”, GS.TS Nguyễn Hùng cho biết: "Dĩ nhiên chúng tôi sẽ phải nghiên cứu làm thế nào để có thể cho ra đời một chiếc xe lăn với các chức năng hoàn hảo, nhưng với giá thành hợp lý và có thể đến tay những người bình thường kể cả người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn. Có thể lúc đầu là ở Úc, sau đó mới có thể mở rộng sang Việt Nam. Tôi không biết chắc đó là thời điểm nào, nhưng chúng tôi nhất định sẽ cho xuất xưởng trong thời gian sớm nhất có thể”.