Giáo sư đoạt giải Nobel Hóa học thuyết trình tại ĐH Quốc gia Hà Nội

(Dân trí) - Chiều ngày 7/5, GS. Kurt Wuthrich - nhà Hóa học, nhà Vật lý, nhà Toán học Thụy Sĩ, người được trao giải Nobel Hóa học năm 2002 đã có buổi thuyết trình trước gần 500 nhà khoa học, giảng viên, sinh viên đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội.


GS. Kurt Wuthrich

GS. Kurt Wuthrich

Tại buổi thuyết trình, GS. Kurt Wuthrich đã nói về cuộc đời khoa học của mình - từ Vật lý cộng hưởng từ hạt nhân đến protein và chẩn đoán y học.

Giáo sư chia sẻ, bắt đầu sự nghiệp của cá nhân với những tấm bằng tốt nghiệp đại học ngành khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Toán học và Thể thao. Ông cho biết, những thành công sau này của ông được bắt nguồn từ sự tò mò trước phản ứng của cơ thể trong quá trình thi đấu thể thao và niềm say mê nghiên cứu về ứng dụng của khoa học với đời sống.

GS. Kurt Wuthrich cùng với GS. Tanaka Koichi và GS. John B. Fenn đã đoạt Giải Nobel Hóa học năm 2002 cho công trình nghiên cứu về việc dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch.


Sinh viên giao lưu với GS. Kurt Wuthrich

Sinh viên giao lưu với GS. Kurt Wuthrich

Phát biểu tại buổi thuyết trình, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã bày tỏ, buổi thuyết trình của GS. Kurt Wuthrich là một hoạt động giao lưu khoa học góp phần giúp các học sinh, sinh viên mở rộng kiến thức, tầm nhìn và truyền ngọn lửa say mê nghiên cứu khoa học tới giới trẻ, đặc biệt là những người yêu thích Hóa học.

Đôi nét về tiểu sử GS Kurt Wuthrich:

GS. Kurt Wüthrich được trao giải thưởng Nobel Hóa học năm 2002

Ông sinh ngày 4/10/1938, tại Aarberg, Thụy Sĩ. Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Basel, Thụy Sĩ, năm 1964.

Hiện nay, GS. Kurt Wuthrich đang đảm nhiệm các chương trình và dự án nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở ETH Zurich và Viện nghiên cứu Scripps tại La Jolla, California, Hoa Kỳ; thành viên của Ban Cố vấn Lễ hội Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ; thành viên nước ngoài của Hội Hoàng gia Thụy Điển (ForMemRS) từ năm 2010.

Các giải thưởng chính khác: Giải thưởng Marcel Benoist của hội Marcel Benoist năm 1991; Giải thưởng Louisa Horwitz của Đại học Columbia năm 1991; Giải thưởng Kyoto năm 1998; Huy chương Otto Warburg Medal năm 1999.

Nhật Hồng