Giáo sư David Nunan: Muốn dạy tiếng Anh tốt phải áp dụng công nghệ thông tin
(Dân trí) - Giáo sư David Nunan là chuyên gia giáo dục nổi tiếng, nhà ngôn ngữ lừng danh thế giới chia sẻ: “Để giảng dạy ngoại ngữ tốt trong một lớp có sĩ số học sinh đông, việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là biện pháp đạt hiệu quả cao nhất”.
Giáo sư David Nunan
Giáo sư David Nunan là chuyên gia giáo dục nổi tiếng, nhà ngôn ngữ lừng danh thế giới; Cố vấn cấp cao của Hiệp hội Tiếng Anh Toàn cầu ở San Francisco; Nguyên chủ tịch hiệp hội TESOL quốc tế, một tổ chức về giảng dạy tiếng Anh lớn nhất thế giới; từng là giáo sư ngôn ngữ học ứng dụng của Đại học Hồng Kông từ năm 1994 và hiện nay đã nghỉ hưu… Đặc biệt, ông là tác giả của những cuốn sách về giảng dạy tiếng Anh bán chạy nhất của các nhà xuất bản lớn như Cambridge University Press, Oxford University Press, và Thomson Learning (vd; "Go For It" là bộ sách bán chạy nhất trên thế giới với số lượng trên 2,5 tỷ bản)… Năm 2003, ông được Business Review Weekly bình chọn là một trong 7 người Úc có ảnh hưởng nhất ở châu Á; và năm 2005 được bình chọn một trong “50 người Úc có tầm ảnh thế giới” |
Bên lề buổi nói chuyện với giảng viên trường ĐH Hà Nội, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với giáo sư David Nunan về việc dạy và học tiếng Anh như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Thưa giáo sư, ở Việt Nam, người học tiếng Anh thường không có môi trường để thực hành tiếng Anh sau khi học. Vậy làm thế nào để khuyến khích người học tiếng Anh tốt hơn, đặc biệt là trẻ nhỏ?
Chúng ta có thể sử dụng công nghệ thông tin cho việc học tiếng Anh khi không có môi trường để thực hành. Có những chương trình tiếng Anh được ứng dụng bằng công nghệ thông tin một cách bài bản vừa giúp các em học sinh luyện tập tiếng Anh hàng ngày, vừa có được kết quả ngay lập tức.
Ngoài ra, qua Internet các em cũng có thể liên hệ được với các bạn học tiếng Anh cùng chương trình trên thế giới.
Ví dụ: Nhờ CNTT tôi đã giúp học sinh Nhật học tiếng Anh và học sinh Mỹ học tiếng Nhật bằng kết nối trực tiếp với nhau qua Internet. Thông qua giao tiếp như vậy, có thể tăng cường việc sử dụng tiếng Anh hiệu quả.
Hiện nay ở Việt Nam, việc triển khai học tiếng Anh bắt buộc ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, có một trở ngại là sĩ số lớp học rất đông, thời lượng học ít, trình độ học sinh khác nhau , ông có lời khuyên gì cho giáo viên trong việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam?
Tôi đã được chứng kiến 1 lớp học tiếng Anh ở Việt Nam, ở bậc tiểu học nhưng ở trường quốc tế, các em giao tiếp rất là tốt. Với lớp học có sĩ số đông dĩ nhiên là ảnh hưởng đến chất lượng, đến kết quả học tập. Giải pháp để cải thiện vấn đề này như tôi đã nói là chúng ta có thể áp dụng công nghệ thông tin để đưa vào lớp học.
Nhưng có một điều ở đây, người giáo viên vẫn giữ vai trò quan trọng nhất. Với lớp học có số lượng học sinh đông thì phải thay đổi phương pháp giảng dạy để các học sinh cùng tiến bộ.
Thưa giáo sư, học tiếng Anh có phải có năng khiếu mới có kết quả tốt?
Năng khiếu là một trong những yếu tố quan trọng của việc học ngoại ngữ. Ví dụ, một bạn có năng khiếu toán chắc chắn sẽ học nhanh và giỏi hơn các bạn khác không có năng khiếu. Nhưng dù sao, bạn không có năng khiếu thì mỗi ngày cũng phải tiến bộ hơn bản thân bạn đó ngày hôm trước.
Độ tuổi nào học tiếng Anh phù hợp nhất thưa giáo sư?
Nói về độ tuổi nào học tiếng Anh tốt sẽ rất khó trả lời vì trong nghiên cứu tiếng Anh không có câu hỏi trả lời hoàn toàn cho vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng đã có nghiên cứu làm thí nghiệm giữa nhóm học sinh tiểu học với học sinh thanh thiếu niên thì có những yêu cầu nhóm thanh thiếu niên trả lời tốt hơn, học tốt hơn học sinh bậc tiểu học.
Nhưng chúng ta cũng phải tính đến phương pháp giảng dạy của giáo viên với đối tượng học sinh bậc tiểu học, bởi vì những em nhỏ có cách học khác với những em lớn.
Việc thường thấy đối với giáo viên bậc tiểu học là có thói quen lấy những bài của những lớp lớn hay lấy phong cách giảng dạy của lớp lớn áp dụng vào lớp nhỏ. Trong khi đó chúng ta phải tính đến yếu tố sự khác biệt, cách tiếp nhận ngôn ngữ của các em, có như vậy kết quả học tập mới tốt hơn.
Xin trân trọng cám ơn giáo sư!
Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Giáo sư David Nunan - Chuyên gia giáo dục nổi tiếng, nhà ngôn ngữ lừng danh thế giới, Trường Đại học Hà Nội mời ông đến giao lưu, nói chuyện với giảng viên, sinh viên.
Với phong thái gần gũi, thân thiện, GS David Nunan đã có những chia sẻ rất cởi mở với các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hà Nội về những quan điểm giảng dạy mới nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp các lớp học tiếng Anh sao cho sinh động và cuốn hút hơn.
Nội dung được GS David Nunan chia sẻ là: Đường hướng nghiên cứu mới về Ngôn ngữ học ứng dụng và TESOL. Ông đã thuyết phục người nghe bằng những quan điểm mới trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh cho thập kỷ mới và cho tương lai. Đồng thời nêu lên những xu hướng và quan đểm về giảng dạy tiếng Anh trên thế giới cũng như những phương pháp giảng dạy tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Các giảng viên và sinh viên đã được gặp gỡ, trao đổi và được GS David Nunan trực tiếp giải đáp các vấn đề về giảng dạy tiếng Anh cũng như xem xét các phương pháp giảng dạy mới phù hợp với ngữ cảnh lớp học tại Việt Nam hiện tại và trong tương lai với những ý tưởng mới và phương pháp giảng dạy Anh ngữ thú vị và phù hợp nhất
Hồng Hạnh (ghi)