Giáo dục và chuyện sản phẩm đồng loạt
(Dân trí) - Trẻ nhỏ không phải là tờ giấy trắng để nhà trường và phụ huynh có thể bố trí sắp xếp các kiến thức mà họ muốn…. Người lớn phải tôn trọng trẻ, và thay vì áp đặt một chiều, thì hãy tạo cơ hội, tạo môi trường phù hợp để trẻ tự bộc lộ, tự học hỏi và tự lớn lên.
Xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục - IRED) bàn về giáo dục cho trẻ nhỏ:
Khi đang là sinh viên học tại Pháp, vào các dịp hè, tôi thường đưa đồ thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam sang bán cho khách du lịch. Tôi luôn nhấn mạnh đây là sản phẩm được làm bằng tay để phân biệt với sản phẩm hàng loạt được được ra bằng máy móc.
Tôi nhấn mạnh điều này để sản phẩm mình bán có giá hơn, được chú ý hơn vì khách phương Tây rất quý những sản phẩm tạo ra bằng tay. Sản phẩm đó có thể không hoàn mỹ nhưng giá trị lao động lớn, thể hiện tài năng, công sức và cá tính riêng của người nghệ nhân.
Bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870-1952) đã dùng hình ảnh sản xuất công nghiệp và sản xuất thủ công (làm bằng tay) để mô tả sự khác biệt mà Thượng Đế đã tạo ra loài vật và loài người. Đặc điểm của sản xuất công nghiệp là sản xuất hàng loạt, các sản phẩm được tạo ra giống nhau. Trong khi sản xuất bằng tay thì đòi hỏi sự tỉ mẩn, công phu để tạo ra các thành phẩm duy biệt.
Loài vật được tạo ra đồng loạt, chúng mang những đặc điểm của chủng loài, loài bò thì đều tương tự nhau khi sinh ra, đi đứng, ăn uống…, bò Tây cũng như ở bò Ta, cơ bản là đều giống nhau. Nhưng với con người, theo cách nói của Montessori, Thượng Đế lại sử dụng phương pháp thủ công để tạo ra từng con người riêng biệt với sự cầu kỳ và mẩn cán dành cho từng con người. Con người trở nên cao trọng hơn và phức tạp hơn loài vật là nhờ tính duy biệt, có tự do, có khả năng tư duy và học hỏi.
Một đứa bé sinh ra là thiên nhiên đã tạo ra một "phôi thai thể xác" và một "phôi thai tinh thần" bên trong thể xác đó. Tạo hóa đã tạo ra môi trường thiên nhiên thích hợp trên Trái đất này để thể xác được sống và tự lớn lên. Thế nhưng thể xác em bé thì yếu đuối, chưa hoàn chỉnh nên cần người lớn chăm nuôi và tạo điều kiện để nó lớn lên một cách khỏe mạnh cường tráng, tự do đứng và đi trên đôi chân của mình.
Phôi thai tinh thần thì ẩn dấu, trách nhiệm của người lớn là phải tạo ra một môi trường thích hợp ở nhà, ở trường và bên ngoài xã hội, để nó tự lớn lên và cùng với thể xác, trở thành khỏe mạnh, cường tráng và tự chủ.
Con người kêu ngạo
Nhà giáo dục Maria Montessori nói tội lỗi của người lớn chúng ta (giáo viên, phụ huynh, những người làm giáo dục) là "kiêu ngạo", muốn ngang bằng Thượng Đế ở chỗ là "tạo ra con người giống hình ảnh mình". Trong khi, hình có ảnh sẵn của người lớn nhiều khi đầy lỗi.
Thế nhưng vì muốn tạo ra con cái giống hình ảnh mình, nhiều bậc cha mẹ hùa nhau đàn áp trẻ nhỏ, bắt chúng đi theo con đường của mình, sống cuộc sống mong ước của mình, phải tuân phục mình, phải "gọi dạ bảo vâng".
Nhà trường vì muốn tạo ra các thế hệ tương lai theo ý mình muốn về tâm hồn, về tư tưởng nên đã áp đặt đồng loạt cùng một chương trình, một nội dung giáo dục, một hình thức đánh giá… trên hàng triệu trẻ em khắp cả nước.
Càng làm điều này thì càng xa rời tính tự nhiên nơi trẻ nhỏ ở chỗ là chúng ta đang sản sinh ra con người hàng loạt như dây chuyền công nghiệp, xa dần sự tốt lành, tính chủ thể, được cài cắm đầy khả năng bên trong của con trẻ.
Trẻ là chủ thể của sự sáng tạo và sự học hỏi
Trẻ là chủ thể sáng tạo - nghĩa là không ai dạy được trẻ, nhất là trẻ nhỏ, mà chính trẻ là chủ nhân của sự sáng tạo, là tác giả của những những gì học được, và có khả năng học hỏi liên tục nhằm tự kiến tạo nên chính mình. Quá trình sáng tạo của trẻ là: quan sát, tự phân tích, tự rút ra kinh nghiệm, và tự kiến tạo nên sự hiểu biết của mình, kiến tạo nên nhân cách của mình.
Người lớn thay vì tìm cách dạy đủ thứ cho trẻ, thì hãy tạo ra một không gian, hoàn cảnh phù hợp để giúp trẻ thực hiện những sáng tạo, tự học hỏi khám phá một cách tốt nhất.
Người lớn nên đóng vai là người hướng dẫn một cách thụ động và chậm chạp dõi theo trẻ, ít can thiệp, khi can thiệp thì phải đúng lúc. Nếu người lớn can thiệp không đúng lúc và can thiệp một cách thô bạo, la lối, đánh đập trẻ thì chính người lớn đã trở thành "kẻ hủy diệt" sự sáng tạo ở trẻ.
Đứa trẻ sơ sinh tầm 4 tháng đã bắt đầu có khả năng quan sát, với đôi mắt tinh anh, trong trắng như mở to hết cỡ để nhìn những đồ vật, những con người xung quanh. Trẻ có khả năng thâu nhận những điều mới một cách kỳ diệu. Từ quan sát, trẻ bắt đầu thử nghiệm bằng cách nếm, sờ và rút kinh nghiệm.
Trẻ nhỏ không phải là tờ giấy trắng để nhà trường và phụ huynh có thể bố trí sắp xếp các kiến thức mà họ muốn, mà là một chủ thể duy biệt, chủ động, được thiên nhiên cài cắm sẵn những khả năng vô cùng tiềm tàng với một bộ não chứa hằng trăm tỷ nơ ron thần kinh. Vậy nên, người lớn phải tôn trọng trẻ, xem trẻ là một bên trong quá trình giáo dục. Và thay vì áp đặt một chiều, thì hãy tạo cơ hội, tạo môi trường phù hợp để trẻ tự bộc lộ, tự học hỏi và tự lớn lên.
TS Nguyễn Khánh Trung
(Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục - IRED)