Giáo dục phổ thông: Học 11 năm hay 12 năm?
(Dân trí) - Hiện nay có 2 luồng ý kiến khác nhau về số năm học của giáo dục phổ thông là 11 năm hay 12 năm. Trong khi đó, quan điểm của Bộ GD-ĐT: Giáo dục phổ thông phải là 12 năm.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là nhằm khắc phục những bất hợp lý của hệ thống giáo dục khép kín, thiếu mềm dẻo, thiếu liên thông; xây dựng hệ thống giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân và tăng hiệu quả giáo dục.
Tuy nhiên, có 2 luồng ý kiến khác nhau về số năm học của giáo dục phổ thông là 11 năm hay 12 năm.
Giáo dục phổ thông vẫn giữ ổn định là 12 năm.
Lý do đề xuất phương án 11 năm là sẽ giảm bớt chi phí kinh tế, đồng thời tạo cơ hội để học sinh sớm đi vào cuộc sống lao động hoặc tiếp tục học lên. Khảo sát 206 quốc gia thì có 36/206 nước thực hiện giáo dục phổ thông 11 năm. Bên cạnh đó, học sinh Việt Nam hiện nay phát triển rất nhanh về các mặt sinh học, tâm lý, xã hội nên có thể tốt nghiệp THPT ở độ tuổi 17. Do vậy, thời gian giáo dục phổ thông chỉ cần 11 năm.
Lý do đề xuất phương án 12 năm là bởi vì mô hình này tồn tại lâu nhất, nhiều giai đoạn nhất và ngày càng ổn định tại Việt Nam. Bộ GD-ĐT thống nhất sử dụng phương án: 12 năm giáo dục phổ thông.
Theo lý giải của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nếu Việt Nam áp dụng phương án 11 năm và tổ chức dạy học chủ yếu 1 buổi/ngày như hiện nay thì tổng số giờ học phổ thông sẽ giảm xuống mức rất thấp, ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì sẽ phải bổ sung rất nhiều điều kiện như: tăng số lượng phòng học và các phương tiện dạy học... Thực tế ở nước ta hiện nay chỉ một số ít cơ sở giáo dục phổ thông có điều kiện dạy 2 buổi/ngày.
Mặt khác, nếu áp dụng phương án 11 năm, học sinh ra trường ở độ tuổi 17 chưa trưởng thành thực sự về mặt tâm lý và nhân cách xã hội để thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của một công dân. Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực học sinh là xu thế quốc tế đã và đang được nhiều nước áp dụng. Định hướng này đòi hỏi phải gia tăng thời lượng cho việc tổ chức các hoạt động học tập, đặc biệt là hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức. Vì vậy, rất cần có thời lượng lớn cho giáo dục phổ thông.
Đi đôi với giải pháp ổn định hệ thống GDPT 12 năm và đổi mới chương trình GDPT cần phải chú ý tới giải pháp phân luồng và liên thông sau THCS và THPT như: Tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh; tổ chức dạy học phân hóa theo hướng ăng các mon học và các hoạt động giáo dục tự chọn phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh; nâng cao chất lượng đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp…
Với lý do trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, thành viên Ban soạn thảo Đề án cho biết: “Ban soạn thảo kiến nghị trong những năm trước mắt, vẫn duy trì hệ thống GDPT 12 năm như hiện nay, trong đó tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, bắt buộc (9 năm), còn THPT là giai đoạn giáo dục nâng cao, phân hóa - định hướng nghề nghiệp (3 năm). Về lâu dài, vấn đề này vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu”.
Hồng Hạnh