Giáo dục là vấn đề khó, Bộ trưởng nào ngồi "ghế nóng" này sẽ gặp thách thức

(Dân trí) - "Giáo dục là vấn đề khó nên Bộ trưởng nào ngồi "ghế nóng" này, cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức", GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết.

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: "Chỉ cần một cuốn sách có vấn đề, hàng triệu học sinh bị ảnh hưởng".

Giáo dục là vấn đề khó, Bộ trưởng nào ngồi ghế nóng này sẽ gặp thách thức - 1

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Giáo dục là vấn đề khó nên Bộ trưởng nào ngồi "ghế nóng" này, cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện giáo dục đang đứng giai đoạn chuyển đổi, đặc biệt là chuyển đổi số nên Bộ trưởng phải đương đầu với việc đổi mới, nếu không nhạy bén và quyết liệt sẽ khó đạt được.

Nhiều vấn đề như thi cử, sách giáo khoa (SGK), học trực tuyến…, một số chính sách mới cần phải ban hành để đưa giáo dục vào quỹ đạo, tất cả đều cần nỗ lực rất lớn ở Bộ trưởng mới đáp ứng hết kì vọng của nhân dân.

Ở giáo dục đại học, hiện các trường đại học đã có cơ chế tự chủ, đã có giáo trình riêng, có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và chủ động đầu ra, nên chuệch choạc ở một trường nào đó, toàn bộ hệ thống hơn 400 trường ĐH, CĐ trong nước vẫn phát triển.

Tuy nhiên, cần thống nhất thế nào là tự chủ, để "cởi trói" cho nhà trường phát triển mạnh hơn. Khi đó, ai làm sai tự chịu trách nhiệm.

Vấn đề quan trọng ở mảng giáo dục đại học, các trường cần liên kết với các doanh nghiệp để có đầu ra.

Đặc biệt, các trường ĐH hàng đầu phải phấn đấu để được xếp vào top thế giới, như vậy mới thu hút được sinh viên từ các quốc gia lân cận.

Đối với giáo dục phổ thông, trước hết chương trình và SGK phải ổn. Chỉ cần trục trặc một chút về chương trình, một bộ SGK, hàng trăm trường phổ thông bị đổ theo vì phổ thông học chung một vấn đề.

Thí dụ một quyển SGK được 5 nghìn trường dùng, nếu cuốn sách đó có vấn đề thì 5 nghìn trường với hàng triệu học sinh bị ảnh hưởng. Nếu học phổ thông kém, không có kiến thức nền, học sinh đó không thể vào đại học.

Quan điểm của tôi, cần có một bộ SGK quốc gia, không nên thả lỏng như hiện nay, nếu không sẽ loạn. Sau đó, các lực lượng khác nếu muốn đổi mới thì cứ viết sách, để sử dụng sách tham khảo, bổ sung cho bộ SGK quốc gia.

Thứ hai về vấn đề thi cử không nên quá khắt khe, không nên làm quá tốn kém. Hiện nay việc dạy, học trực tuyến đã khá tốt, do vậy cần nghiên cứu sớm đưa thi cử vào trực tuyến sẽ tốt hơn.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội: "Mong muốn Bộ trưởng kế nhiệm phát huy chính sách xã hội hóa giáo dục".

Giáo dục là vấn đề khó, Bộ trưởng nào ngồi ghế nóng này sẽ gặp thách thức - 2

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội.

Hai nhiệm kỳ vừa qua (2011-2016 và 2016-2021), ngành GD&ĐT đã triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 , "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo". Nhiệm kỳ 2021-2026 là nhiệm kỳ thứ ba hoàn thành cơ bản nhiệm vụ nói trên, trong đó có việc hoàn thành đổi mới "chương trình, nội dung giáo dục phổ thông". Là cử tri trong ngành giáo dục, tôi trân trọng cảm ơn các vị Bộ trưởng đã đóng góp trí tuệ và tâm huyết của mình tạo nên những thành công của ngành trong thời gian qua.

Là một trong những nhà giáo tham gia từ những năm đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, xây dựng trường tư thục, tôi mong muốn Bộ trưởng trong nhiệm kỳ tới kế thừa và phát huy chính sách xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục tư thục phát triển hơn nữa.

Giáo dục tư thục và giáo dục công lập không hoàn toàn giống nhau. Giáo dục tư thục phải tự lo về cơ sở vật chất và tài chính.

Vì thế, giáo dục tư thục rất cần cơ chế tự chủ về tổ chức và hoạt động thông thoáng hơn nữa trong khuôn khổ Luật Giáo dục 2019.


TS Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục: "Cần sát sao và ưu tiên cho cải cách giáo dục"!

Giáo dục là vấn đề khó, Bộ trưởng nào ngồi ghế nóng này sẽ gặp thách thức - 3

TS. Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục. 

Không chỉ là người quan tâm, mà còn là người trực tiếp tham gia giáo dục ở nhiều khía cạnh khác nhau, tôi mong Tân bộ trưởng ba điều sau:

Thứ nhất: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới quy củ và thành công. Về tổng thể, chương trình này tốt hơn hẳn chương trình giáo dục phổ thông cũ.

Tuy nhiên, từ chương trình và định hướng đến thực tế, còn nhiều việc phải làm. Đôi khi những việc đó rất kỹ thuật và có thể rất nhỏ, nhưng lại cản trở việc lớn. Vì thế, cần sát sao và đặt ưu tiên cho cuộc cải cách lần này.

Thứ hai: Làm sao để cả thầy và trò đều có được niềm vui, niềm hạnh phúc khi đến trường mỗi ngày. Mà muốn vậy, cả thầy và trò đều phải được sống vui tươi hồn nhiên, sống thật với chính mình.  Thầy được dạy thật, trò được học thật, thi thật, sai thật và sửa thật, không ai phải đối phó, phải chạy theo các báo cáo quan liêu hay thành tích ảo.

Hiện nay, các gia đình và xã hội đang đầu tư quá lớn vào giáo dục. Không chỉ tiền bạc, mà còn là sức khỏe, thời gian và cơ hội nữa. Đầu tư lớn như vậy nhưng cả thầy và trò đều phải dằn vặt, lo lắng, mệt mỏi khi đến trường thì quá vô lý và có gì đó chưa đúng trong giáo dục.

Thứ 3: Theo đánh giá chủ quan của tôi, tư duy về giáo dục của chúng ta đang chậm hơn so với xã hội khoảng 30 năm. Cách chúng ta nghĩ, chúng ta làm, chúng ta quản lý giáo dục đang tương tự như cách chúng ta nghĩ, làm và quản lý kinh tế những năm 1990.

Ở nhiều khía cạnh khác như hội nhập quốc tế, hay hành chính giáo dục, còn không được thông thoáng như trong lĩnh vực kinh tế của 30 năm trước.

Vì thế, người dân mong muốn giáo dục bắt kịp với sự phát triển của các lĩnh vực khác, và sự phát triển chung của thời đại.

Tựu chung lại, thông qua cả ba điều trên, mong muốn lớn nhất của tôi là tân Bộ trưởng sẽ thổi một làn gió mới, một sức sống mới vào giáo dục. Sức sống này phải hiển hiện được trên nét mặt, hành vi, hoạt động của cả thầy và trò.

Theo tôi, vấn đề cốt lõi nhất mà Bộ trưởng cần quan tâm là thổi hồn cho giáo dục, trong một bối cảnh mới của thời đại, để mang lại sức sống và ý chí vươn lên cho giáo dục ở mọi cấp bậc.

Muốn vậy, việc đầu tiên cần làm là khôi phục lại sự chủ động, chân thật, chính trực và bao dung cho cả thầy và trò.

Chỉ khi đã làm được như thế, các chương trình hành động lớn, như triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tự chủ đại học và tự chủ trường học, hướng nghiệp và dạy nghề, kiểm định và  khảo thí độc lập, cải cách hành chính giáo dục…. mới có thể thành công và có ý nghĩa, nếu không, giáo dục sẽ luôn hụt hơi so với đòi hỏi của xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm