Giáo dục đạo đức qua sân khấu học đường, đánh thức những "trái tim lạc lối"

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Trăn trở trước một bộ phận không nhỏ giới trẻ có hành vi, lối sống sai lệch với chuẩn mực xã hội, một trường học ở Sóc Trăng đã thực hiện hoạt động "Sân khấu học đường" để giáo dục đạo đức học sinh.

Thầy Nguyễn Minh Vương, Bí thư Đoàn trường THPT Đoàn Văn Tố, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hình thức tổ chức "Sân khấu học đường" là một cuộc thi nhưng diễn ra trong thời gian dài, không tập trung một, hai ngày như những cuộc thi khác.

Nội dung tuyên truyền sâu rộng, đa dạng trong đối tượng học sinh, mang tính giáo dục cao là những vấn đề xoay quanh trong trường học, đặc biệt là tất cả những vấn đề đó được chính các đoàn viên thanh niên lột tả một cách chân thật nhất qua góc nhìn của mình. Chính các em là những người tạo nên sản phẩm tinh thần rất đặc sắc khi vừa là biên kịch, đạo diễn vừa là diễn viên, hậu đài.

Không gian và thời gian tổ chức cuộc thi được lựa chọn là tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Hàng tuần, mỗi Chi đoàn sẽ diễn một tiểu phẩm tương ứng với chủ đề đã bốc thăm trước đó. Qua đó, không chỉ đổi mới nội dung trong tiết sinh hoạt dưới cờ mà những bài học về đạo đức còn được tuyên truyền một cách rộng rãi đến với từng em học sinh.

Ban giám khảo cuộc thi ngoài đại diện Ban giám hiệu, Đoàn trường và giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, thì chính các em học sinh cũng là một thành viên thông qua lá phiếu bình chọn tiết mục được yêu thích nhất.

Tuy sân khấu hóa không phải là hình thức tuyên truyền mới, nhưng "sân khấu học đường" mang lại làn gió mới trong nhận thức của giới trẻ, trong tuyên truyền giáo dục học sinh.

Giáo dục đạo đức qua sân khấu học đường, đánh thức những trái tim lạc lối - 1

Một tiết mục sân khấu học đường của học sinh trường THPT Đoàn Văn Tố.

Cuộc thi đưa ra nhiều chủ đề với nội dung gần gũi thiết thực, phản ánh đúng thực trạng và tâm tư của học sinh, như tình yêu học trò, cộng đồng giới tính thứ 3, tệ nạn xã hội, sức khỏe sinh sản, lối sống của giới trẻ, bạo lực học đường, môi trường, đam mê, an toàn giao thông...

Qua cuộc thi, nhà trường nhận thấy nội dung tuyên truyền, giáo dục mang lại hiệu quả rất cao, đánh thức được nhận thức của các đoàn viên thanh niên, những "trái tim lạc lối" đang dần có chuyển biến tích cực.

Chính những nhân vật trong tiểu phẩm là tấm gương phản chiếu để các em tự soi rọi lại hành vi và lối sống của mình, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Thông điệp qua mỗi tiểu phẩm chính là hành trang mang theo trong suốt hành trình của bản thân các em học sinh. 

Thầy Nguyễn Minh Vương cho rằng, "Sân khấu học đường" không chỉ dừng lại ở một sân chơi, mà đó là nơi để các em học sinh gửi tâm tư, nói lên tiếng lòng, khơi dậy những yêu thương, chia sẻ thông điệp cuộc sống vô cùng ý nghĩa.

"Không những thế, "Sân khấu học đường" còn là quá trình rèn luyện kỹ năng mềm rất cần thiết cho giới trẻ hiện nay. Bao gồm kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống, sự tự tin trước đám đông, các em biết phân công nhiệm vụ, thực hiện công việc, đánh giá được vấn đề, rút ra bài học cho bản thân, điều đó mang lại sự đồng cảm rất cao", thầy Vương bày tỏ.

"Sân khấu học đường" cứ như vậy mà thu hút được sự quan tâm của các em, sự háo hức mong chờ đến mỗi sáng thứ hai được nghe, được xem và cảm nhận những thông điệp ý nghĩa, những nụ cười sảng khoái, những giọt nước mắt rơi, dường như các em đã cảm nhận được một phần bản thân mình trong các nhân vật của các tiểu phẩm. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm