Giảng viên 9X bật mí kinh nghiệm dạy và học ngành truyền thông
(Dân trí) - Trương Thanh Tuyền, giảng viên Trường Đại học FPT, phân hiệu TPHCM chia sẻ kinh nghiệm dạy và học ngành truyền thông để giúp sinh viên "sống tốt với nghề", giải tỏa băn khoăn cho các bạn trẻ có ý định học ngành này.
Trương Thanh Tuyền hiện là giảng viên Truyền thông và Kỹ năng mềm ở Trường Đại học (ĐH) FPT phân hiệu TPHCM. Từng có thời gian học thạc sĩ ở Tây Ban Nha và làm đối ngoại tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM nên khi trở thành giảng viên, cô Tuyền có thể chia sẻ với sinh viên nhiều kinh nghiệm học tập và "thực hành, thực chiến, thực chất" trong ngành Truyền thông đa phương tiện.
Nhắc đến cô Tuyền là sinh viên Trường ĐH FPT nhớ ngay đến những giờ học sôi nổi, thú vị, tư duy hiện đại và trẻ trung, dạy lý thuyết luôn đi kèm với ứng dụng thực tế.
"Trường ĐH FPT chú trọng việc học qua trải nghiệm, giảng viên không chỉ dạy kiến thức mà còn trang bị cả kỹ năng, kinh nghiệm cho sinh viên. Với bộ môn của mình, Tuyền thường áp dụng phương pháp học tập tích cực (Active learning), tức là thay vì cô giảng - trò nghe, cô đọc - trò chép, mình sẽ tạo cơ hội để sinh viên tham gia tích cực vào quá trình học tập, thông qua nhiều hoạt động như thảo luận, tranh luận, làm dự án, mô phỏng, thuyết trình…", nữ giảng viên chia sẻ.
Là một người cô, người chị, người bạn tâm lý nên cô Tuyền luôn có những "tuyệt chiêu" để biến những kiến thức chuyên ngành "khó nuốt" trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng hơn cho sinh viên. Xen kẽ vào các buổi học trên lớp, cô Tuyền thường sử dụng kết hợp đa phương tiện như video, bài giảng trực tuyến, tổ chức các mini game để tăng cường sự tương tác.
Nữ giảng viên cũng rất quan tâm đến việc đánh giá kết quả học tập và phản hồi của sinh viên, bằng cách cho các trò viết bài luận cá nhân, thuyết trình, vấn đáp, từ đó có những giải pháp để nâng cao hiệu quả dạy và học.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc và giảng dạy trong ngành truyền thông, cô Tuyền cho biết đây là một lĩnh vực rất phát triển và đầy tính cạnh tranh trong thời đại số, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành này.
Cô chia sẻ: "Truyền thông là một ngành nghề rộng mở, bao gồm nhiều lĩnh vực tương ứng với các cơ hội nghề nghiệp như truyền thông xã hội, quảng cáo, public relations, thương mại trực tuyến và truyền thông đa phương tiện. Tuy nhiên, lĩnh vực này đòi hỏi rất cao về sự sáng tạo, nhanh nhạy và linh hoạt trong công việc. Do đó, sinh viên cần chuẩn bị và phát triển kỹ năng, kiến thức, theo kịp xu hướng mới, nắm vững các công nghệ và công cụ mới để thích nghi và thành công trong ngành".
Theo đại diện Trường Đại học FPT phân hiệu TPHCM, tất cả sinh viên sẽ được học tập với giáo trình tiếng Anh từ các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới. Sinh viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện sẽ có 1 - 2 học kỳ chuyên ngành tại Multimedia University hoặc Limkokwing University, Malaysia.
Từ năm thứ 3, các bạn sẽ được làm việc thực tế 4 - 8 tháng tại các đơn vị truyền thông quảng cáo, các nhà sản xuất và cung cấp nội dung truyền thông, giải trí…
Bên cạnh tiếng Anh, sinh viên Trường ĐH FPT còn được đào tạo thêm tiếng Nhật hoặc tiếng Trung cùng các kỹ năng mềm để có thể thích ứng nhanh, đáp ứng đúng yêu cầu quảng cáo - truyền thông của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Lĩnh vực truyền thông rất cạnh tranh, với số lượng sinh viên và chuyên gia tham gia ngày càng tăng. Vậy nên trong quá trình học tập, nếu được trang bị nhiều kỹ năng và có cơ hội tích lũy nhiều kinh nghiệm, thì bạn sẽ dễ dàng trở nên nổi bật và nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành. Tốt nghiệp từ ĐH FPT thì sinh viên ĐH FPT có thể khá yên tâm làm nghề khi bước ra từ trường học", cô Tuyền chia sẻ.