Giảng viên 100 trường đại học ở Anh đình công, hàng ngàn sinh viên mắc kẹt

Mỹ Hạnh

(Dân trí) - Tại Anh, giảng viên, nhân viên hơn 100 trường đại học đang đình công, khiến nhiều sinh viên đối mặt với khó khăn khi không thể học lên các bậc cao hơn hay đi làm mà không có bằng tốt nghiệp đại học.

Hàng loạt sinh viên "mắc kẹt" với tình trạng không được cấp bằng tốt nghiệp

Amelia Dias (22 tuổi) đến từ Florida (Mỹ) là du học sinh vừa hoàn thành năm cuối chuyên ngành quan hệ quốc tế và luật quốc tế tại Trường Đại học Edinburgh vào mùa hè này. Nhưng thay vì nhận được tấm bằng tốt nghiệp đại học, cô lại nhận được một lá thư xin lỗi đến từ trường.

Trong bức thư, Đại học Edinburgh viết rằng, trường nằm trong số hơn 100 trường đại học của Anh bị giảng viên, nhân viên đình công, không thực hiện chấm điểm và đánh giá trong năm nay, nên các bài thi mà cô đã hoàn thành đều không được chấm điểm và trường không thể cấp bằng cho cô.

Cô cho biết đã phải trả khoảng 80.000 bảng Anh (tương đương hơn 100.000 USD) tiền học phí.

Nếu không có tấm bằng đại học, Dias không thể nộp đơn xin thị thực sau đại học mà cô ấy cần để ở lại đất nước này. Điều này khiến cô khó có thể bắt đầu công việc bán hàng tại London vào tháng tới như dự định.

Giảng viên 100 trường đại học ở Anh đình công, hàng ngàn sinh viên mắc kẹt - 1
Hình ảnh trường Đại học Edinburgh (Ảnh: The University of Edinburgh).

Dias chỉ là một trong số hàng chục nghìn sinh viên trên khắp nước Anh đã bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công kéo dài hàng tháng của nhân viên các trường đại học trong một cuộc tranh cãi về tiền lương và điều kiện làm việc, khiến các lớp học, kỳ thi và lễ tốt nghiệp bị gián đoạn.

Việc không nhận được bằng tốt nghiệp và chưa rõ khi nào có thể giải quyết khiến nhiều sinh viên đại học tại Anh không thể đi làm hoặc tiếp tục học lên cao học. Đặc biệt, thị thực sinh viên của nhiều người sắp hết hạn và việc không có bằng khiến họ sẽ phải sớm trở về nước.

Dias, cũng chia sẻ rằng khả năng nhập cư của cô đang trở nên bấp bênh hơn. Cô ấy có thể gia hạn thị thực hiện tại của mình cho đến tháng 1 năm sau với một khoản phí, nhưng khoảng thời gian này có thể sẽ không đủ để các nhà tuyển dụng chấp nhận cho cô việc làm.

"Tôi đã làm mọi thứ để có thể lấy bằng. Tôi đã hoàn thành luận án đúng hạn, tôi chưa bao giờ nộp bài muộn. Tôi đã cống hiến rất nhiều cho trường. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra", Dias cho hay.

Về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh cho biết, sinh viên quốc tế không có bằng tốt nghiệp có thể yêu cầu thư xác nhận từ người bảo hộ, hoặc trở về nước và xin lại thị thực dành cho sinh viên.

Nhưng một du học sinh người Mỹ khác, Anna Hendricks, người sẽ bắt đầu khóa học luật sau đại học ở Anh vào tháng 9, cho biết, ngôi trường cô sắp theo học đã không chấp nhận thư từ Đại học Edinburgh vì nó thiếu thông tin chi tiết. "Có khả năng, tôi sẽ phải rời khỏi Anh trước ngày 30/9", Anna nói.

Đại học Edinburgh cho biết 27% sinh viên năm cuối chưa nhận được bằng khi tốt nghiệp.

"Chúng tôi lấy làm tiếc vì đã không thể bảo vệ các sinh viên của mình khỏi tác động của cuộc đình công này. Chúng tôi vô cùng xin lỗi về sự không chắc chắn về tương lai mà vài sinh viên sẽ phải đối mặt", Đại học Edinburgh phát biểu trong một tuyên bố.

Cuộc đình công kéo dài của giảng viên, nhân viên các trường đại học tại Anh

Hàng trăm nghìn công nhân ở Anh trong các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến vận tải đã tổ chức các cuộc đình công trong năm ngoái khi số tiền lương không theo kịp mức lạm phát đạt mức cao nhất trong 41 năm là 11,1% vào tháng 10/2022.

Hiệp hội Công đoàn Đại học và Cao đẳng (UCEA) của Anh, thay mặt cho 144 tổ chức giáo dục đại học đàm phán trả lương, đã đưa ra mức tăng 5-8% dành cho cán bộ nhân viên. Điều đó đã được thực hiện một phần vào tháng 2, phần còn lại sẽ được thực hiện vào tháng 8 năm nay.

Giảng viên 100 trường đại học ở Anh đình công, hàng ngàn sinh viên mắc kẹt - 2
Hiệp hội Đại học và Cao đẳng (UCU), vẫn đang tiến hành các cuộc đình công từ tháng 4 đến cuối tháng 9 (Ảnh: UCU).

Nhưng Hiệp hội Đại học và Cao đẳng (UCU), đại diện cho hơn 120.000 nhân viên, vẫn đang tiến hành các cuộc đình công từ tháng 4 đến cuối tháng 9 năm về việc cắt giảm 25% lương bắt đầu kể từ năm 2009.

Việc giảng viên từ chối chấm điểm bài làm của sinh viên trong giai đoạn đánh giá quan trọng của các trường đại học khiến cho các trường này không thể trao bằng cho một số sinh viên.

Đại học Edinburgh đã ước tính rằng, nếu cuộc đình công kết thúc theo kế hoạch, sinh viên có thể sẽ được thông báo kết quả bằng cấp của họ vào tháng 11, một số sinh viên có thể nhận được điểm sớm hơn.

Hiệp hội Sinh viên Quốc gia (NUS) ủng hộ các yêu cầu của UCU và nhiều sinh viên đã đeo thắt lưng của UCU hoặc mang biểu ngữ đến các buổi lễ tốt nghiệp đã diễn ra trước đó dù họ chưa nhận được bằng tốt nghiệp.

Sinh viên người Scotland, Ailsa Watt, đeo thắt lưng với dòng chữ "Hãy trả lương cho nhân viên của bạn", đã đổ lỗi cho Đại học Edinburgh vì đã không tìm ra giải pháp.

Sinh viên này đã theo học chuyên ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha và ngôn ngữ Trung Quốc, hiện đang đối mặt với việc không thể nhận công việc giảng dạy ở Thượng Hải nếu không có bằng cấp.

Cô bộc bạch: "Đại học Edinburgh đã khiến tôi rất hối hận khi đến trường".

Hơn 140 trường đại học đã bị ảnh hưởng bởi việc đình công, trong đó có một số trường nổi tiếng quốc tế. Tháng trước, Đại học Cambridge (Anh) cho biết, hơn một nửa trong số khoảng 4.500 sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

"Chúng tôi muốn biết tiền của chúng tôi sẽ đi đâu"

Kể từ năm 2017, sinh viên đại học ở Anh đều phải đóng học phí, với mức học phí dành cho sinh viên trong nước là 9.250 bảng Anh/năm. Trong đó, chính phủ Scotland sẽ trả học phí cho sinh viên Scotland theo học các trường đại học tại Scotland.

Sinh viên quốc tế phải trả nhiều tiền hơn, mang lại một nguồn thu nhập quan trọng cho nước Anh. Theo Hội đồng Anh, học phí đại học đối với sinh viên quốc tế trung bình rơi vào khoảng 22.200 bảng Anh/năm và có thể lên tới 38.000 bảng Anh/năm.

Tranh chấp càng kéo dài, rủi ro tiềm ẩn đối với danh tiếng của các trường đại học Anh - trong đó có 3 trường nằm trong top 10 thế giới, theo xếp hạng của Times Higher Education 2023, càng cao.

Giảng viên 100 trường đại học ở Anh đình công, hàng ngàn sinh viên mắc kẹt - 3
Sinh viên quốc tế đem lại đóng góp lớn cho nền kinh tế Anh (Ảnh: Freepik).

Đối với vấn đề này, Chính phủ Anh chủ yếu giữ im lặng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh, Gillian Keegan nói rằng, tranh chấp là việc diễn ra giữa các trường đại học và giảng viên của họ, nhưng đồng thời, bà cũng thúc giục cần nhanh chóng có giải pháp cho tranh chấp giữa hai bên.

Có gần 680.000 sinh viên quốc tế học tập tại Vương quốc Anh trong năm 2021-2022. Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học cho thấy, tính đến tháng 9/2022, số lượng thị thực du học được cấp hàng năm đã đạt mức kỷ lục.

Nghiên cứu được công bố bởi Đại học Quốc tế Vương quốc Anh vào tháng 5/2023 cho thấy lượng sinh viên quốc tế nhập học năm 2021 và 2022 đã đóng góp 41,9 tỷ bảng (khoảng 1,27 triệu tỷ đồng) cho nền kinh tế Anh.

Hendricks cho biết: "Hàng năm, các trường đại học ở Vương quốc Anh ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào tài chính của sinh viên quốc tế. Chúng tôi đang trả cho họ rất nhiều, chúng tôi muốn biết tiền của chúng tôi sẽ đi đâu".

Theo Reuter