“Giám sát” con qua Facebook: Cần chiến thuật!
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh thành công trong việc làm bạn và “dò” con qua mạng xã hội Facebook nhưng không ít người khi “chạm” vào thế giới của con có thể gặp phải phản ứng gay gắt từ con khi can thiệp quá mức vào các hoạt động của trẻ.
Gần con nhờ Facebook
Hiện nay phụ huynh đã chú ý hơn đến tác động của sự bùng nổ từ mạng xã hội Facebook đến con cái. Thế nên không còn hiếm những ông bố bà mẹ cũng lên “phây” như một cách làm bạn và “giám sát” con. Môi trường này giúp nhiều phụ huynh hiểu con hơn, nhất là họ có thể gián tiếp nắm được nhiều hoạt động, suy nghĩ và cả lối sống của con, qua đó có thể tìm cách ứng xử phù hợp.
Chị Nguyễn Ngọc Ân (ở Q.11, TPHCM) cho hay do tính chất công việc văn phòng, tiếp xúc internet hàng ngày nên chị khá rành về các mạng xã hội. Chị từng chat, trao đổi email và gần đây là lên Facebook cùng hai người con của mình.
“Trước đây tôi cấm con kịch liệt chát chít, chơi “phây” vì thấy mất thời gian và cũng nhiều cạm bẫy. Nhưng sau đó thấy không thể cấm các cháu, mình dùng cũng thấy những tiện ích thì tôi quyết định “đồng hành” cùng con”, chị Ân nói.
Công khai khi kết bạn với con nhưng chị Ân cố gắng đừng ngoài cuộc, không comment vào những biểu hiện của con trừ khi nội dung con đề cập liên quan đến gia đình theo hướng tích cực.
Người mẹ này thừa nhận, nhờ sự “lộ diện” của mẹ nên hai con cũng biết kiềm chế, bớt gây sốc hơn khi đăng trạng thái hoặc phản hồi với bạn bè. Ngoài ra, nhờ “dò” được buồn vui của con nên vợ chồng chị có những động viên thực tế kịp thời khi con buồn có thể làm cho con những món ăn con thích, đi du lịch… Ngoài ra, cũng là kênh giúp bố mẹ “soi” lại mình.
Chị Hoàng Thị Hiền (39 tuổi, ngụ ở Q.7, TPHCM) cho hay chị lập Facebook từ lâu nhưng chủ yếu để bàn chuyện dạy con chăm chồng cùng các bà mẹ khác chưa từng nghĩ đến việc làm bạn với con qua kênh này. Từ năm trước, cô con gái học lớp 9 cũng lên Facebook thì chị lập một tài khoản mới "lò dò" kết bạn với con. Mới đây, con đi du học ở Singapore nhưng nhờ “người bạn ảo” này nên chị vẫn có thể nắm được tình hình của con.
Có nhiều trạng thái cháu bày tỏ tình yêu, quan hệ bố mẹ, thầy cô… làm người mẹ sốc nhưng do “giấu mặt” nên chị Hiền không dám phản ứng, sợ lộ diện thì khó ăn nói với con. Lúc đó, đúng vai một người bạn, chị chỉ có thể động viên hoặc thể hiện không đồng tình chứ không thể can thiệp thô bạo.
“Tuy nhiên những khi con buồn, kêu nhớ nhà, nhớ món ăn này nọ thì mình vờ như vô tình gọi điện hỏi thăm hoặc âm thầm gửi đồ sang cho cháu. Lúc đó cháu rất xúc động và mẹ con trở nên thân thiết với nhau hơn”, chị Hiền chia sẻ.
Bố mẹ “lên lớp”, trẻ tìm đường “trốn”
Với những phụ huynh có điều kiện tiếp cận công nghệ, họ hiểu rằng qua Facebook dễ dàng “thăm dò” được con cái nhất là khi con học xa nhà, hoặc con bướng, hư bên ngoài rất khó bắt chuyện. Ngoài đời các em có thể ít chia sẻ với bố mẹ nhưng khi lên mạng lại rất bộc trực, nghĩ gì cũng có thể “tuôn” hết.
Nhưng thực tế có rất nhiều vấn đề phát sinh khi bố mẹ “tiếp cận” con qua mạng xã hội vì nhiều trẻ coi đó là sự “can thiệp” vào riêng tư của mình. Nhiều em e dè, không còn thoải mái khi có thấy bố mẹ có mặt ở nơi các em vốn xem là “tự do” của mình.
Đặc biệt, trường hợp bố mẹ dùng nick ảo can thiệp sâu vào thế giới này nếu con phát hiện có thể làm cho mối quan hệ trở nên căng thẳng khi trẻ phản ứng mạnh.
Chị Lê Nguyệt Hà, phụ huynh có con học lớp 11, từng rơi vào cảnh hết sức khó xử sau khi công khai “danh tính” của mình sau một thời gian dùng nick ảo kết bạn với con. Từ hôm đó, con luôn tạo khoảng cách với chị, công khai chặn không cho chị vào Facebook của mình và còn gửi thư vào email: “Mẹ thật là giả dối!”.
“Cháu cho rằng cư xử của mẹ bên ngoài hà khắc nhưng khi nói chuyện trên Facebook lại tỏ ra rất nhân từ, hiểu chuyện. Quả thật bên ngoài mình cũng khó bày tỏ với con muốn lên đó để cháu hiểu mình hơn, nào ngờ…”, chị Hà thở dài vì chưa biết cách nào làm lành với con.
Dương Minh Ánh Ngọc, HS lớp 12A4, Trường THPT Trưng Vương (TPHCM) cho biết trong lớp mình chỉ một HS có phụ huynh cùng tham gia vào Facebook. Hầu hết các bạn tỏ ra không thích điều này.
“Có thể các bạn dè chừng hơn trong cách ăn nói, phát ngôn nhưng không thoải mái vì cho rằng đó là vấn đề riêng tư, bản thân em cũng không thích. Có nhiều thứ chúng em nói chuyện với nhau rất bình thường nhưng ba mẹ nghe lại cho là thế này thế nọ, phán xét và hay lên tiếng cấm cản”, Ánh Ngọc nói.
Em Trần Minh Ng., HS lớp 10 tại một trường THPT ở TPHCM cho biết, có thời gian em trở thành đề tài “đàm tiếu” của bạn bè chỉ vì bố mẹ công khai kiểm soát quá mức trên Facebook. Không riêng gì trạng thái của Ng., mà ngay của các bạn khác, bố mẹ Ng. cũng vào nhắc nhở, khuyên răn với giọng “lên lớp” nên ai cũng khó chịu.
Ng. kể: “Không ít lần bố mẹ em nhận xét công khai bạn này tốt, bạn này xấu chỉ qua một trạng thái đăng tải của họ. Và còn nói “Đừng có giao lưu với mấy đứa đó con nhé!” làm như em là HS lớp 1 vậy. Có bạn lắc đầu bảo không dám ghé “nhà em” sợ đụng phải… ma ma làm xấu vô cùng”. Để tránh sự kiểm soát quá mức từ bố mẹ mới đây, Ng. đã lập một tên Facebook mới, xóa dần tên cũ.
Luật gia - chuyên gia tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tư vấn Tâm lý Trẻ) cho hay bản thân bà cũng tham gia Facebook để chia sẻ một chút tâm trạng của mình hay đăng tải một số hình ảnh thú vị chủ yếu để giao lưu với đồng nghiệp, những người bạn mới, cũ và cả bạn của bạn.
Thế nhưng bà không chia sẻ cùng con qua Facebook vì muốn mỗi người có một thế giới bạn bè riêng. “Tôi nghĩ con tôi sẽ không thấy thoải mái và dễ chịu khi mẹ xuất hiện trong "giới bạn bè" của nó. Khi có việc gì cần tôi gửi email cho con, riêng tư và tôn trọng”, bà nói.
Theo bà Huệ, phụ huynh nếu thấy cần thiết cũng có thể vào Facebook để biết thêm về những gì đang diễn ra với con. Nhưng phải hết sức tế nhị, không nên viết bình luận, nhất là những bình luận khuyên răn, chê bai, phủ nhận.
“Điều trẻ sợ nhất là bị mất hình ảnh với bạn bè, vì vậy chỉ cần một sơ suất nhỏ của bố mẹ cũng làm cho trẻ cảnh giác và khó chịu. Trẻ mất tự tin với bạn bè thì sẽ trách móc phụ huynh và tìm cách che giấu, đối phó với bố mẹ”, chuyên gia Minh Huệ lưu ý.
Hoài Nam