Giảm áp lực kỳ thi
Những thay đổi dự kiến trong việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mà ông Nguyễn An Ninh (cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục) đề xuất thật rất đáng hoan nghênh.
Việc không được mời thầy ở trung ương về dạy sẽ góp một phần rất lớn vào việc chấm dứt phong trào “luyện gà” ở các trường, tạo công bằng cho các địa phương không có điều kiện mời thầy hay những địa phương thật sự trong sạch. Tập trung thi ở các cụm tuy sẽ tốn kém nhưng không phải mất nhiều tiền như việc gác thi chéo, đồng thời cũng ngăn được tình trạng cả nể hay buông lỏng giữa các địa phương với nhau.
Tuy nhiên, từng là một thí sinh tham dự kỳ thi này, tôi tha thiết mong Bộ GD-ĐT nghiên cứu thay đổi bản chất của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Nếu xem đây là một kỳ thi chính qui với rất nhiều áp lực, lại bãi bỏ chế độ tuyển thẳng, tôi chắc sẽ không mấy học sinh dám liều mình tham dự. Bởi thi quốc gia đồng nghĩa với việc “được ăn cả, ngã về không”.
Tập trung hết sức mình vào việc ôn luyện, lấy đâu ra thời gian cho các bạn chuẩn bị thi đại học? Mà nếu vẫn tuyển thẳng thì sự “nhất nghệ tinh” của các bạn chưa chắc đã “thân vinh” ở giảng đường đại học, vì lẽ các bạn đã bị hổng quá nhiều kiến thức cơ bản của những môn khác.
Theo tôi, việc cộng điểm thưởng là một biện pháp. Nhưng nên chăng bộ sẽ biến kỳ thi này thành một “hội thi” với cách ra đề thoải mái hơn, ít đánh đố hơn, ít phải học tủ hay làm bài tủ hơn! Quan trọng là phải xóa bỏ đánh giá thành tích của trường qua số lượng giải thưởng, xóa bỏ áp lực kiểu “năm nay tỉnh ta phải có ít nhất... giải”.
Hãy trả lại bản chất cho những kỳ thi như thế này: là một lần hội ngộ của các tài năng!
Theo Lê Phan
Tuổi Trẻ