Giải bài toán giao thông trước trường học
(Dân trí) - Mặc dù công tác giáo dục an toàn giao thông tại các trường học đã được ngành giáo dục các địa phương trong cả nước quan tâm, nhưng tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn xảy ra khá phổ biến.
Trăn trở trước bài toán mất an toàn giao thông
Mức độ gia tăng của các phương tiện giao thông ở nhiều địa phương đang kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường, khu vực trường học diễn ra phổ biến, làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn cho học sinh. Bởi vậy, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho học sinh là niềm trăn trở của ngành GD-ĐT địa phương.
Hiện nay, nhiều trường học đã đẩy mạnh giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh; phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ cao điểm, bố trí việc dừng, đỗ xe của phụ huynh và hướng dẫn phân luồng trước cổng trường không để xảy ra ùn tắc giao thông…
Những nỗ lực, giải pháp này không chỉ có tác động mạnh mẽ làm thay đổi nhận thức và ý thức của học sinh, giáo viên và phụ huynh, mà còn có sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhận thức của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn chưa đáp ứng được với sự kì vọng.
Nhiều giáo viên cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức. Ví dụ, hằng tuần, ngoài buổi sinh hoạt chào cờ, các buổi sinh hoạt lớp nên lồng ghép tuyên truyền phổ biến về Luật Giao thông đường bộ.
Nếu làm được như vậy, các em sẽ dần hình thành thói quen tốt, khi tham gia giao thông sẽ biết cách xử lý trong mọi tình huống. Ngoài ra, để lý thuyết đi đôi với thực hành, các nhà trường nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATGT, tạo ra các tình huống trong giao thông để các em tham gia tìm giải pháp xử lý.
Nỗ lực thay đổi nhận thức học sinh từ bậc tiểu học
Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã và đang phối hợp với công ty Honda Việt Nam (HVN), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và đào tạo kiến thức cũng như kỹ năng lái xe an toàn cho tất cả các đối tượng người dân Việt Nam; đặc biệt là giáo dục An toàn giao thông (ATGT) trong học đường cho học sinh, sinh viên – những công dân tương lai của đất nước nhằm hướng tới một xã hội giao thông an toàn và văn minh.
Để triển khai định hướng đó, trong những năm qua, các chương trình giáo dục ATGT trong trường học đã được triển khai mạnh mẽ hơn bao giờ hết: chương trình “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” dành cho học sinh tiểu học đã triển khai ra 17 tỉnh/ thành phố; chương trình “ATGT cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh trung học đã triển khai 63/63 tỉnh/ thành phố cho học sinh trung học phổ thông và 20 tỉnh/ thành phố cho học sinh trung học cơ sở.
Đáng chú ý, chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” được tổ chức lần đầu từ năm 2008 dành cho thầy cô và học sinh tiểu học cả nước, với mục tiêu trang bị kiến thức và hình thành những kỹ năng tham gia giao thông văn minh và an toàn cho thế hệ công dân tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bước sang năm thứ 11, chương trình này đã được mở rộng triển khai tới 19 tỉnh/thành phố bao gồm: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Sơn La, Hà Nam, Ninh Thuận, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ, Phú Thọ, Hậu Giang và 2 tỉnh triển khai mới là Thanh Hóa và Gia Lai.
Ông Nguyễn Văn Quyết - Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT giới thiệu về chương trình ATGT cho nụ cười trẻ thơ.
Năm nay, chương trình dự kiến tập huấn cho 348 giáo viên thuộc hai tỉnh mới, từ đó, bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, các giáo viên sẽ truyền đạt lại cho học sinh thông qua các giờ giảng trên lớp.
Dự kiến, sẽ có khoảng 720.000 học sinh khối 3, 4 & 5 thuộc 1.560 trường tiểu học của 19 tỉnh thành được học và thực hành với các tiết học “ATGT cho nụ cười trẻ thơ”.
Giáo trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” được Vụ Giáo dục tiểu học, Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT, Honda Việt Nam xây dựng dựa trên thực tế giao thông liên quan đến trẻ em, thực trạng tham gia giao thông của các em và luật giao thông đường bộ hiện hành với nội dung phù hợp với nhận thức của các em, hình thức thể hiện qua những tranh vẽ hấp dẫn, phương pháp giảng giải sinh động và khoa học là một chương trình giáo dục ATGT được đánh giá là sinh động hấp dẫn và hiệu quả nhất từ trước đến nay được Bộ GD &DT chính thức cho phép triển khai giáo dục trong trường học.
Các em học sinh hào hứng tham gia buổi hướng dẫn về lái xe an toàn.
Hướng dẫn viên Honda Việt Nam hướng dẫn các em học sinh tham gia giao thông an toàn.
Nội dung của giáo trình có kết cấu gồm 12 bài học thuộc các chủ đề Đi bộ an toàn, Nguy hiểm khi vui chơi ở những nơi không an toàn, Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, Ngồi an toàn trên xe máy và xe đạp, trong xe ô tô và trên các phương tiện giao thông đường thủy, Biển báo hiệu đường bộ, Đi xe đạp an toàn và Dự đoán để tránh các tình huống nguy hiểm.
Trước khi được triển khai rộng rãi giảng dạy trên lớp cho học sinh, các cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy ATGT tham dự buổi tập huấn do Honda Việt Nam tổ chức. Tại đây, các thầy cô giáo có cơ hội trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy nội dung giáo dục ATGT cho học sinh Tiểu học, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ATGT.
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các thầy cô giáo.
Trong buổi tập huấn vừa qua, để tăng cường truyền và thúc đẩy tăng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đồng thời giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và trấn thương do tai nạn giao thông gây ra cho các em, HVN đã trao tặng 1.000 mũ bảo hiểm cho các em học sinh và 870 mũ bảo hiểm cho 174 trường Tiểu học để làm giáo cụ giảng dạy tại Thanh Hóa và Gia Lai.
Honda VN trao tặng 500 mũ bảo hiểm cho Sở GD&ĐT Thanh Hóa.
Đại diện Ban Tổ chức trao tặng tượng trưng 20 mũ bảo hiểm cho các em học sinh
Đại diện của HVN cho biết, bên cạnh các hoạt động truyền tải kiến thức và kỹ năng cho học sinh tại nhà trường, Hội giao lưu tìm hiểu ATGT cho giáo viên và học sinh Tiểu học mang tên “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” sẽ được tổ chức từ tháng 2/2019 đến hết tháng 4/2019. Vòng Chung kết và Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 4/2019. Đây là cơ hội quý báu để ban tổ chức, các thầy cô giáo và các em học sinh tổng kết và đánh giá hiệu quả của chương trình này.
Với việc tích cực mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo về an toàn giao thông cho học sinh, HVN mong muốn những kiến thức và kỹ năng thiết thực và bổ ích này sẽ góp phần hình thành và duy trì thói quen tham gia giao thông văn minh lịch sự, ý thức nghiêm chỉnh tuân thủ Luật khi tham gia giao thông ngay từ khi còn nhỏ, từ đó hình thành nhân cách và năng lực cho chủ nhân tương lai của đất nước có thể bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội; từ đó, góp phần xây dựng nên một xã hội giao thông an toàn và văn minh tại Việt Nam.
H.Nguyễn