Gia đình, dòng họ khuyến học nở rộ trên đất sen hồng

(Dân trí) - Theo thống kê của Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2010 - 2015 Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã xây dựng trên 10 ngàn tổ Dân Phòng khuyến học, gần 130 ngàn gia đình hiếu học, 175 dòng họ hiếu học và hơn 100 cộng đồng khuyến học...

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 136.000 gia đình hiếu học

Từ năm 2000, các phong trào khuyến học trong tỉnh Đồng Tháp phát triển. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 136.000 gia đình hiếu học (GĐHH), 175 dòng họ hiếu học (DHHH), 120 cộng đồng khuyến học (CĐKH).

Mô hình GĐHH, DHHH, CĐKH chính là hạt nhân nhằm thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại cộng đồng dân cư. Còn nhớ năm 2009, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức Đại Hội thi đua khuyến học lần thứ I với 54 GĐHH, DHHH tiêu biểu về dự, qua đó nhằm tôn vinh, khen thưởng các GĐHH, DHHH tiêu biểu; chính qua Đại hội này phong trào thi đua xây dựng các mô hình GĐHH, DHHH lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp hội viên quần chúng nhân dân trong tỉnh.

Theo tổng kết của Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp, năm 2012 Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức hội nghị nhân rộng mô hình “Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học” trong toàn tỉnh. Kết quả, năm 2009 có 20.972 GĐHH đến cuối năm 2014 có 127.982 GĐHH (tỷ lệ 31,04% hộ GĐ); DHHH tăng từ 26 (năm 2009) lên 175 DHHH (tháng 9/2015). Khi các GĐHH, DHHH phát triển nhanh, Hội Khuyến học tỉnh đã chọn các ấp đạt chuẩn văn hóa 5 năm liền để xây dựng CĐKH. Kể từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng mới 105 CĐKH. Đây là mô hình mới, nhằm thúc đẩy xây dựng xã hội học tập theo Quyết định 89 và 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Những tân cử nhân của dòng họ Đỗ. Dòng họ hiếu học họ Đỗ được thành lập vào năm 2009. Dòng họ có 4 thế hệ gồm hơn 70 hộ với trên 400 nhân khẩu.
Những tân cử nhân của dòng họ Đỗ. Dòng họ hiếu học họ Đỗ được thành lập vào năm 2009. Dòng họ có 4 thế hệ gồm hơn 70 hộ với trên 400 nhân khẩu.

Qua phong trào thi đua xây dựng mô hình GĐHH, DHHH, 5 năm trở lại đây, 12/12 huyện, thị, thành trong tỉnh đều xuất hiện nhiều GĐHH, DHHH, CĐKH tiêu biểu. Như gia đình bà Lê Thị Ảnh (xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả để lo chuyện học vấn cho con.

Bà Ảnh cho biết, đối với các gia đình nghèo đủ vợ đủ chồng, việc thực hiện khát khao cho con học tập đến nơi đến chốn đã khó, còn đối với hoàn cảnh của cô thì khó khăn gấp bội. Chồng bà mất sớm, để lại mình bà nuôi 6 con thơ còn đang tuổi ăn học. Trong đó có 1 con gái út bị bại liệt bẩm sinh từ nhỏ không đi học được. Cuộc sống khó khăn thế, nhưng bà Ảnh cùng với các con vượt qua mọi khó khăn. Các con bà nỗ lực, chuyên cần học tập đạt được kết quả hơn cả sự mong đợi của bà. Trong đó người con lớn làm Chủ tịch UBND xã Phú Hiệp; người con thứ ba tốt nghiệp đại học Y khoa, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông; người con thứ tư do sức khỏe nên học hết THCS rồi theo nghề nông; 2 người con kế tiếp một đang công tác tại Công an huyện Tam Nông, một đang công tác tại UBND xã nhà, cả 4 người con đều có bằng từ trung cấp đến đại học, gia đình hạnh phúc và vẫn đang cố gắng học tập nâng cao trình độ để công tác có hiệu quả.

Nhiều dòng họ hiểu học nổi bật

Các dòng họ, gia đình, cộng đồng hiếu học đã đóng góp tích cực cho phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Các gia đình gồm nhiều thế hệ đã cùng nhau vượt qua khó khăn, nuôi con, cháu học tập, rèn đạo đức, thành đạt với học vị tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân, có việc làm ổn định và đóng góp cho xã hội, được Trung ương Hội Khuyến học tặng Bằng khen như dòng họ Đỗ (huyện Tân Hồng), Nguyễn Đăng (TP Sa Đéc), họ Hoàng (TP Sa Đéc), họ Lê (huyện Hồng Ngự). Nhiều gia đình đã vận động các mạnh thường quân, dòng họ thành lập quỹ dòng họ hỗ trợ con cháu học tập và những gia đình khó khăn tại địa phương.

Như dòng họ khuyến học họ Đỗ (ấp 2, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) được thành lập vào năm 2009. Dòng họ có 4 thế hệ gồm hơn 70 hộ với trên 400 nhân khẩu. Tộc họ Đỗ ở Tân Hồng có nhiều người đỗ đạt cao như: 2 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 4 thạc sĩ, 45 người có trình độ cao đẳng, đại học, hơn 20 cháu đang học đại học, cao đẳng.

Ông Đỗ Xuân Hỷ, Chi hội trưởng Dòng họ khuyến học tộc họ Đỗ cho biết, trong tộc họ vẫn còn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, do đó tộc họ đã thành lập Quỹ khuyến học nhằm giúp các con, cháu có chi phí, sách vở đến trường. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, những người trong tộc họ Đỗ đã ủng hộ quỹ được trên 25 triệu đồng. Số tiền ủng hộ hàng năm được tộc họ trích ra hỗ trợ, khen thưởng cho các cháu trong tộc với mức từ 100 ngàn đến 500 ngàn đồng. Theo ông Hỷ, số tiền tuy không nhiều nhưng phần nào đã giúp các cháu trong họ có chi phí mua tập sách, quần áo đi học, giảm bớt phần nào khó khăn cho gia đình. Đồng thời, những khoản hỗ trợ khen thưởng đã giúp các cháu cố gắng vươn lên học tốt…

Dòng họ hiếu học họ Lê là  dòng họ 4 thế hệ, gồm 16 hộ với 63 thành viên, dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao: 7 giáo sư, tiến sĩ, 10 thạc sĩ và 39 đại học, nhiều năm liền đạt danh hiệu dòng họ hiếu học.
Dòng họ hiếu học họ Lê là  dòng họ 4 thế hệ, gồm 16 hộ với 63 thành viên, dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao: 7 giáo sư, tiến sĩ, 10 thạc sĩ và 39 đại học, nhiều năm liền đạt danh hiệu dòng họ hiếu học.

Còn dòng họ hiếu học họ Nguyễn (ấp Long Thới B, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự) được thành lập từ năm 2006 đến nay, có 216 hộ với 618 thành viên. Chi hội luôn giữ vững mối liên hệ trong họ tộc để giúp đỡ kịp thời, xây dựng quy chế khen thưởng, vận động các thành viên, con cháu trong họ tộc tham gia Tổ Dân phòng - Khuyến học tại địa phương. Ngoài ra còn tham gia nuôi heo đất khuyến học trong gia đình để giúp đỡ con cháu trong năm học.

Hàng năm Chi hội phát trên 100 phần quà và nhiều suất học bổng cho HS khó khăn đạt kết quả học tập khá, giỏi và trợ cấp cho SV có hoàn cảnh khó khăn trong học tập, tổng số tiền trao học bổng hàng năm trên trên 20 triệu đồng. Việc xây dựng quỹ của dòng họ được chú trọng, người có điều kiện thì góp nhiều, có ít góp ít để cùng chăm lo các con cháu trong họ, do vậy không có HS bỏ học. Hiện nay, họ tộc có 8 em đỗ đại học và có việc làm ổn định, 32 em đang theo học đại học và 1 số em học cao đẳng, trung cấp. Các phong trào khuyến học tại địa phương được dòng họ quan tâm tham gia.

Dòng họ Lê (phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) là dòng họ 4 thế hệ, gồm 16 hộ với 63 thành viên, dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao: 7 giáo sư, tiến sĩ, 10 thạc sĩ và 39 đại học, nhiều năm liền đạt danh hiệu dòng họ hiếu học. Năm 2011, dòng họ Lê thành lập Quỹ Khuyến học Lê Văn Huỳnh do cụ Lê Thị Huệ làm Trưởng Ban Quản lý Quỹ. Từ khi thành lập quỹ đến nay, con cháu dòng họ Lê dù ở gần xa cũng cùng chung tay đóng góp cho quỹ ngày càng lớn mạnh, chỉ tính 2 năm gần đây, con cháu dòng họ Lê đã đóng góp vào quỹ trên 300 triệu đồng. Điều đặc biệt là hiện nay Quỹ Khuyến học tập trung hỗ trợ cho con cháu ngoài dòng tộc hiện là HS, SV nghèo hiếu học đang thường trú tại các xã Hòa An, Tân Thuận Đông, phường 4 và phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh với mức học bổng từ 200 ngàn đến 700 ngàn đồng (đối với học sinh từ bậc học mầm non đến bậc phổ thông). Ngoài ra, quỹ còn hỗ trợ xe đạp, hỗ trợ học phí cho một số em HS, SV có hoàn cảnh đặc biệt từ năm bắt đầu hỗ trợ đến khi ra trường. Gần đây, quỹ còn hỗ trợ 1 suất học bổng 3 triệu và 1 suất 10 triệu đồng cho 2 tân SV nghèo vượt khó.

Nói về hoạt động khuyến học của dòng họ, cụ Lê Quang Trinh, Chi hội trưởng Dòng họ Lê chia sẻ: “Con cháu mình giờ đã thành đạt, cuộc sống ổn định nên việc hỗ trợ cho các cháu ngoài dòng tộc là việc cần làm, mọi người trong Chi hội chúng tôi đều cùng chung suy nghĩ mình nhịn tiêu xài một chút để có được một khoản tiền đóng góp động viên cho các em HS nghèo hiếu học…”. Theo tâm niệm cụ Trinh, qua việc giúp đỡ không mong các em trả ơn nhà tài trợ mà mong sao các em ra trường đi làm giúp ích cho bản thân, cộng đồng mình, đặc biệt là những trường hợp HS, SV có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Vẫn còn nhiều lắm những GĐHH, DHHH tuy hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng vẫn chăm lo cho con em học hành thành đạt, nhiều cộng đồng khuyến học xuất hiện rộng khắp trong khu dân cư.

Nguyễn Hành

(haihanh@dantri.com.vn)