“Ghen tị với người khác trên mạng xã hội” vào đề Văn

(Dân trí) - Ghen tị với hình ảnh của người khác trên mạng xã hội - một cảm xúc phổ biến hiện nay được đưa vào đề Văn khối 10 kỳ thi Olympic tháng 4 lần 5/2019 khu vực phía Nam vừa diễn ra sáng nay 6/4.

"Chắc hẳn có những lúc bạn cảm thấy ghen tị

Khi nhìn thấy hình ảnh vui vẻ của bạn bè đăng trên mạng xã hội?

Nhưng đừng ghen tị nhé bạn ơi!

Một trong những sai lầm thường gặp nhất của tuổi trẻ

Là so sánh hình ảnh bên ngoài của bạn bè với hình ảnh bên trong của chính mình.

Bạn đâu biết nội tâm của người kia thế nào?

Chưa biết chừng người ấy cũng đang nhìn vẻ bề ngoài của bạn mà ghen tị nhiều lắm đấy".

“Ghen tị với người khác trên mạng xã hội” vào đề Văn - 1

Đề Văn đề cập về sự ghen tị với người khác trên mạng xã hội 

Đoạn trích trong cuốn "Yêu những điều không hoàn hảo" của tác giả người Hàn Quốc Hae Min được đưa vào đề Văn khối 10 kỳ thi Olympic tháng 4 lần 5/2019 khu vực phía Nam. 

Từ đó, đề yêu cầu thí sinh: Hãy viết về một bài học cuộc sống mà anh/chị rút ra được từ văn bản trên.

Đây là một dạng đề nghị luận xã hội mở đã đưa ra một vấn đề mà mỗi người dường như đều có thể bắt gặp chính mình trong đó. Đau khổ vì hình ảnh của người khác trên mạng xã hội có lẽ là một hội chứng rất nhiều người gặp phải, đặc biệt là ở các bạn trẻ thường đánh giá về thành công bằng sự giàu có, bằng hình ảnh bên ngoài. 

Đề chọn chọn trích dẫn dễ hiểu, đơn giản để thí sinh có thể nói về những trải nghiệm, hiểu biết và suy ngẫm riêng, tự do rút ra bài học cho chính mình. 

Đó có thể là đừng ghen tị khi thấy những hình ảnh vui vẻ của bạn bè đăng tải trên mạng xã hội vì ta không thể hiểu rõ hoàn cảnh, tâm hồn họ. 

Đừng so sánh hình ảnh bên ngoài của bạn bè với hình ảnh bên trong của chính mình vì đó là nguyên nhân dẫn đến buồn bực, ghen tị. 

Đó là bài học mỗi người đều có giá trị riêng. Trân trọng những giá trị của mình cũng như tôn trọng những giá trị của người khác. Từ đó, để đi đến nhận thức đừng quá quan tâm đến những hình ảnh bên ngoài của người khác mà hãy sống tích cực, chủ động để tạo ra những niềm vui đích thực cho mình. 

“Ghen tị với người khác trên mạng xã hội” vào đề Văn - 2

Học sinh khu vực phía Nam tham gia kỳ thi 

Câu 2 của đề thi đưa ra lời khuyên về việc đọc sách của triết gia Nietzsche. Đó là giá trị, tinh hoa của những quyển sách mang lại như:  

"Những quyển sách mà sau khi đọc xong, chúng ta có thể nhìn thấy thế giới hoàn toàn khác biệt. (…)

Những quyển sách giúp chúng ta nhận ra tâm hồn mình được gột rửa nhờ đọc nó.

Những quyển sách trao cho chúng ta lòng dũng cảm và trí tuệ mới.

Những quyển sách trao cho chúng ta cặp mắt mới, nhận thức mới về tình yêu và cái đẹp".

Bằng những trải nghiệm trong quá trình đọc sách văn học của chính mình, đề yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi: Trong những quyển sách kể trên, anh/chị thích đọc những quyển sách nào nhất?

Cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên dạy Văn, có học sinh tham dự kỳ thi đánh giá, bản thân cô thấy đề hay. Đề có sức gợi, biên độ sáng tạo khá rộng, mở cho học sinh nhiều hướng khi làm bài, không bị gò bó theo một tiêu chí mặc định nào. 

Đề thi Văn của khối 11, phần Nghị luận xã hội cũng trích từ cuốn "Yêu những điều không hoàn hảo" của tác giả Hae Min để học sinh bày tỏ qua điểm, suy nghĩ của mình về sự tồn tại: 

"Không phải chỉ khi làm tốt những điều mọi người đòi hỏi bạn mới là người có giá trị/ Mà chỉ cần bạn tồn tại thôi thì sự tồn tại ấy cũng đã là giá trị và đáng được yêu thương rồi".

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm