Ghé thăm trường ĐH Kỹ thuật lâu đời nhất nước Ý
(Dân trí) - Trường Đại học Bách khoa Turin (tiếng Ý: Politecnico di Torino, Polito) là trường đại học kỹ thuật lâu đời nhất của Ý và nằm trong Top 75 trường đại học kỹ thuật hàng đầu thế giới (theo xếp hạng của Academic Ranking of World Universities năm 2011).
Được thành lập vào năm 1859, có trụ sở chính tại Turin, miền Bắc nước Ý, trường có khoảng 30.000 sinh viên, với 50% từ bên ngoài khu vực Piemonte và khoảng 15% là sinh viên nước ngoài - tỷ lệ này cao nhất ở Ý.
Bằng cấp của trường được quốc tế công nhận và sinh viên có thể lựa chọn các khóa học và cấp độ học phù hợp. Một số chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc nhờ đến các liên kết của trường với một số trường đại học uy tín hàng đầu trên thế giới, sinh viên có thể thực hiện các giai đoạn của nghiên cứu ở nước ngoài như là một phần của khóa học.
Trường ĐH Bách khoa Turin
Hiện tại trường có trên 120 khóa học (28 khóa học văn bằng Cử nhân, 32 Thạc sĩ Khoa học , 23 tiến sĩ và 37 các khóa học chuyên môn), với 12 trong số đó được tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh. Trong năm học 2011/2012 Bách khoa Turin tuyển khoảng 5,600 sinh viên, và trong năm 2010 khoảng 4,500 sinh viên tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ Khoa học hoặc bằng cử nhân.
Các khóa học chính của trường là: kiến trúc, thiết kế công nghiệp, kỹ thuật kiến trúc, kỹ thuật hàng không vũ trụ, kỹ thuật ô tô, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật hóa chất, công trình dân dụng, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật môi trường, năng lượng, kỹ thuật vật lý, kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, kỹ thuật hạt nhân, công nghệ nano, kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật viễn thông và kỹ thuật dệt.
Turin (tiếng Ý: Torino) là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội và kinh tế của vùng Piemonte, miền bắc nước Ý. Phần lớn thành phố nằm ở bờ trái của sông Po và bao quanh bởi dãy Alpine. Dân số của thành phố khoảng 909.193 (tháng 11 năm 2008). Thành phố có một nền văn hóa phong phú, lịch sử lâu đời, và được biết đến với rất nhiều phòng trưng bày nghệ thuật, nhà thờ, cung điện, nhà hát, quảng trường, công viên, vườn hoa, thư viện, bảo tàng. Phần lớn các quảng trường, lâu đài của thành phố được xây dựng giai đoạn giữa thế kỷ 16 và 18, sau khi thủ đô của lãnh địa Savoy (sau Vương quốc Sardinia) được chuyển đến Turin từ Chambery (hiện nay Pháp) như một phần của việc mở rộng đô thị. Cùng với các di tích và địa điểm tham quan nổi tiếng, Turin là một trong 250 địa điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, và được xếp là một trong 10 thành phố du lịch hàng đầu của Ý (khảo sát năm 2008). (Theo Wiki) |