Gặp phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam

Thử google, bạn có thể có một profile ấn tượng về cái tên Trần Hoài Linh: xuất thân từ khối chuyên Toán A0 - ĐH Tổng hợp Hà Nội, giải nhì Tin học quốc tế, bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ khoa học ở tuổi 30 tại Ba Lan....

Trần Hoài Linh được biết đến như là một trong hai Phó Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam hiện nay.

Google, bạn còn có thể thấy, Trần Hoài Linh là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu đã được tập hợp thành tài liệu giảng dạy ở Đại học Bách khoa Vacsava, 45 bài báo đăng trên các kỷ yếu, hội thảo quốc tế cũng như các tạp chí khoa học uy tín, là một trong hai phó giáo sư trẻ nhất ở Việt Nam ở độ tuổi 33...

Nhưng nếu trò chuyện với Phó chủ nhiệm khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội rất trẻ này bạn sẽ bị thuyết phục nhiều hơn thế.

Suy nghĩ và làm việc trên xe bus, tàu điện ngầm

Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam chia sẻ: “Mình không làm việc theo kiểu dồn dập thức khuya dậy sớm. Trong công việc, kết quả không phải là điều mình coi trọng đầu tiên mà đó phải là cách bạn thực hiện công việc đó thế nào”.

“Mình không thể dậy tập thể dục vào 4h sáng vì đó không phải là thói quen của mình. Đó có thể là thói quen của người khác, ví dụ như bố mẹ mình có thể làm được. (Bố của PGS.TSKH Trần Hoài Linh là Giáo sư - Viện sỹ Trần Đình Long, Kiến trúc sư trưởng của đường dây tải điện 500kV)”.

Nhưng thói quen của mình là suy nghĩ và làm việc đều đặn. 13 năm ở Ba Lan mình đều giữ thói quen lập kế hoạch và mình rất thích những kế họach xa, kế hoạch dài hơi. Đôi khi ngồi trên xe bus, trên tàu điện ngầm mình vẫn có thể suy nghĩ được”.

13 năm học tập và nghiên cứu tại Ba Lan có thể là dài so với những năm tháng tuổi trẻ nhưng là quá ngắn so với khối lượng công việc mà PGS Trần Hoài Linh đã hoàn thành. Anh đã tham gia giảng dạy 12 môn học thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện, đo lường và tin học công nghiệp tại Ba Lan.

Nhiều nghiên cứu của anh đã được tổng hợp thành tài liệu giảng dạy ở hệ Đại học và cao học ở Bách khoa Vacsava, Ba Lan. Trở thành Tiến sỹ khoa học ở tuổi 30 tại Ba Lan khi ấy như anh cũng chỉ là chuyện của một vài người.

Tại Ba Lan anh đã tham gia 3 đề tài cấp nhà nước. Từ những ngày học Đại học công việc làm thêm của anh là trợ giúp nghiên cứu cùng các giáo sư trong trường. Điều này với anh cũng là một may mắn vì công việc phù hợp với những gì được học, được nghiên cứu và đủ để trang trải cho cuộc sống học tập nơi đất khách quê người.

Lĩnh vực mà Trần Hoài Linh theo đuổi thiên về xử lý tín hiệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nghĩa là tạo ra các khả năng cho các máy móc giống nhơ những khả năng của con người có thể thực hiện được. Hiện anh đã hoàn thiện các sản phẩm đo đạc kiểm tra dựa trên việc phân tích các khí thóat ra (nghĩa là tạo cho máy móc khả năng ngửi giống như con người). Sản phẩm này được hiểu là mũi nhân tạo. Ngoài ra anh còn tiếp tục mở rộng nghiên cứu với các bài toán nhận dạng hình ảnh, âm thanh để xây dựng giải pháp mắt nhân tạo và tai nhân tạo cho máy móc.

Từ chối những cơ hội như trong mơ để trở về

17 tuổi khoác balo lên đường sang học Tin học ứng dụng tại ĐH Bách khoa Vacsava, đó là thời điểm lần thứ 2 Việt Nam mới có đoàn thi học sinh giỏi Tin học quốc tế.

Và nhiều năm sau đó ở đất nước của những di tích và các nhà khoa học tên tuổi này, Trần Hoài Linh chỉ mong hoàn thành những kế hoạch đề ra một cách sớm nhất. Vì lý do đơn giản của anh là “được sớm về nhà”.

Có không ít cơ hội mở ra với anh ở Châu Âu và Mỹ. Anh đã có thể làm việc ở Microsoft hay tập đoàn ABB đứng đầu thế giới về công nghệ điều khiển tự động, điện lực hoặc các công ty điện nặng ở châu Âu... Nhưng anh đã trở về.

Quan điểm của PGS Trần Hoài Linh là: “Điều quan trọng không phải bạn chọn việc làm ở nơi nào mà là ở khả năng thích ứng của bạn. Với tôi đã có những thời điể không tìm ra được những nghiên cứu mới hoặc đôi khi có những lựa chọn mình tưởng là hướng tốt nhưng kết quả nghiên cứu lại không được là bao. Vậy nên, tôi nghĩ mình học được nhiều nhất đó là những lúc vấp ngã”.

Điều khiến cho bộ hồ sơ công nhận học hàm Phó Giáo sư của Trần Hoài Linh lên điểm là số lượng những bài báo đăng trên các tạp chí uy tín, các hội thảo quốc tế của anh. 45 bài viết. Với anh những bài báo này tuy không thể đầy đủ và toàn diện như một luận văn nhưng nó sẽ được nhiều người tìm đọc.

Anh vẫn nhận được những góp ý, những chia sẻ từ các nhà khoa học chuyên ngành trong các hội thảo quốc tế, những email mong được giải đáp cụ thể, những niềm vui từ các bài báo này. Còn với suy nghĩ của nhiều nhà nghiên cứu trẻ thì đó là cách thực tế nhất để người trẻ đam mê khoa học khẳng định thương hiệu của mình.

Theo San Hải
Sinh viên Việt Nam