Thanh Hóa:
Gặp lại cựu thủ khoa Học viện Cảnh sát
(Dân trí) - Cựu học sinh Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa) từng khiến nhiều người trầm trồ bởi thành tích đỗ thủ khoa Học viện Cảnh sát năm 2006. Hơn 7 năm sau, anh hiện là giảng viên tại ngôi trường nơi anh đã đỗ thủ khoa.
Đam mê nghiên cứu đề tài khoa học
Thời gian học tại Học viện Cảnh sát, chàng thủ khoa dành khá nhiều thành tích trong đó có nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học (NCKH). Dương cho biết, NCKH trở thành niềm đam mê của anh. Suốt quá trình học, anh đã tham gia những đề tài liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm hay mạng máy tính, thương mại điện tử… Trong đó có một số giải cao như giải Nhất chuyên đề NCKH của Bộ Công an với chủ đề “An toàn an ninh thông tin trong lĩnh vực thương mại điện tử”, giải Nhì đề tài về “phương pháp học tập tích cực của sinh viên Học viện Cảnh sát”, giải Ba đề tài “Hoàn thiện pháp luật về quản lý trò chơi trực tuyến Game online, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật”…
Sau 5 năm học, vượt qua quá trình tuyển chọn khá khắt khe, anh là một trong những sinh viên được giữ lại trường giảng dạy. Sau 2 năm giảng dạy ở chính ngôi trường mình học, anh Dương tâm sự: “Cuộc sống của mình bây giờ cũng chưa có gì đặc biệt, chủ yếu là tập trung cho công việc liên quan đến học thuật như nghiên cứu, học tập và giảng dạy. Sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa”.
Hiện tại chàng cựu thủ khoa trường Học viện Cảnh sát đang chờ theo học chương trình Thạc sỹ chuyên ngành Lãnh đạo tư pháp hình sự (Justice Leadership) liên kết với trường Đại học Tổng hợp Maryland, Mỹ. Khóa học này được cấp kinh phí bởi Văn phòng đề án 165, Ban tổ chức Trung ương Đảng. Dự kiến đến tháng 10 năm nay, khóa học sẽ khai giảng.
Chia sẻ về bí quyết để thành công, anh Dương khiêm tốn cho biết: “Việc học của mình không có gì nổi bật về thành tích ngoài những năm cấp I và II mình đạt học sinh giỏi toàn diện, có một giải Khuyến khích môn Sinh học năm lớp 9. Còn lên cấp III, mình chủ yếu chú trọng vào những môn khối A nên chỉ đạt học sinh khá. Khi mình thi vào trường Học viện Cảnh sát, phần vì đam mê, phần vì hoàn cảnh gia đình mình đã cố gắng hết sức. Bởi thế với mình, thành công một phần dựa vào năng lực tư duy của bản thân. Năng lực tư duy cũng có một phần bẩm sinh và một phần được rèn luyện qua thời gian. Cùng với đó là không thể thiếu sự đam mê. Chúng ta dù muốn làm được bất cứ điều gì nhất thiệt phải đam mê, tâm huyết thì mới có kết quả. Hãy đam mê với những việc mình đang làm, sẽ làm thì thành công sẽ đến”.
Bố là người truyền đam mê
Được thành công như ngày hôm nay, chàng cựu thủ khoa Trương Văn Dương không quên nhắc đến người cha của mình. Anh cho biết, bố anh là người thầy đầu tiên của cả 4 anh em. Là một nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng ông có thể giảng bài cho mấy anh em cho đến tận cấp ba. Chính bố là người hun đúc cho mấy anh em Dương niềm đam mê, là người truyền cảm hứng học tập.
Cũng chính ông sau khi các con cùng nhau đỗ đại học, đã lên đường vào Nam ra Bắc để làm thuê lấy tiền nuôi các con ăn học. Kể về những công lao và sự nhọc nhằn của cha mẹ, chàng cựu thủ khoa Học viện Cảnh sát xúc động: “Những năm đó, bố mình phải đi xúc cát thuê cho những chủ khai thác cát ven bờ sông gần nhà, rồi đi vào tận Quảng Bình làm công nhân xây dựng cầu, còn mẹ thì ở nhà làm thêm rất nhiều ruộng. Bố mẹ đã đánh đổi cuộc đời mình để cuộc đời anh em chúng mình được sung sướng”.
Được biết, 4 anh em cựu thủ khoa Học viện Cảnh sát đều học rất giỏi. Anh trai đầu của anh Dương học ĐH Y Hà Nội và hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo về HIV thuộc ĐH Y Hà Nội, em trai thứ ba là sinh viên năm cuối tại Học viện Quân y còn em út vừa thi khoa Công nghệ Môi trường ĐH Thủy lợi và đạt điểm thi khá cao.
Nguyễn Thùy