Gặp chàng thủ khoa yêu khối C

(Dân trí) - Với tổng điểm 3 môn 26,5, em Lê Khắc Bảo Long là thí sinh thi vào khối C có điểm cao nhất ĐH Huế trong 5 năm. <i>Dân trí</i> đã có cuộc trò chuyện với Long quanh việc học các môn khối C - khối bị không ít học sinh “bỏ rơi”.

Với môn Văn 8,5; Sử 8,75 và Địa 9,25 điểm, Lê Khắc Bảo Long - học sinh Trường THPT Trần Văn Kỷ (huyện Phong Điền, TT-Huế) trở thành thủ khoa khối C ĐH Huế kỳ tuyển sinh năm 2012.
 
Long cho biết: "Khi xem điểm trên mạng, em rất bất ngờ và khi nghe thầy Hiệu trưởng báo là em đã đỗ thủ khoa thì em rất vui sướng. Khi đi thi em chỉ đặt mục tiêu là phải đỗ đại học, chứ hai chữ thủ khoa em không dám nghĩ đến. Em thật sự rất bất ngờ".
 
Chân dung chàng thủ khoa khối C - Đại học Huế
Lê Khắc Bảo Long - thủ khoa khối C - Đại học Huế.

Chia sẻ về bí quyết học tập các môn khối C, Long tâm sự: "Học khối C nhiều bạn cho rằng là khô khan, là học thuộc lòng, nhồi nhét từng con chữ. Em nghĩ rằng học khối C không đến nỗi vất vả như nhiều bạn vẫn nghĩ. Khối C là khối xã hội - nhân văn nên càng cần có kiến thức xã hội rộng.

Học khối C nên học hiểu, tức là phải hiểu được vấn đề sau đó từ việc hiểu mình phân tích ra, nếu học nhồi nhét thì khi vào phòng thi sẽ quên. Cần nắm vững kiến thức cơ bản mà thầy cô giảng trên lớp, sau đó về nhà học lại bài, tìm kiếm thêm thông tin trên báo, đài, trên internet để nâng cao thêm kiến thức.

Em nghĩ học khối C cần có lòng say mê, lựa chon cho mình một góc học tập thoải mái, hợp ý mình thì khi đó cảm xúc tự nhiên dâng trào thôi. Em cũng hơi "dị ứng" với những lò luyện thi cấp tốc. Nên em ở nhà học là chính, chỉ đi học thêm Văn ở trường thôi".

Khi được hỏi tại sao lại chọn thi vào ngành Sư phạm Ngữ văn mà không phải là những ngành “thời thượng” của khối C như Báo chí hay Luật, Long cho biết: "Thực ra khi đăng ký hồ sơ thi đại học, em đăng ký thi ĐH Cảnh Sát Nhân Dân, nhưng khi khám sức khỏe họ bảo em bị cận nên không thi được. Sau đó em đăng ký lại ĐH Sư phạm Huế theo nguyện vọng của gia đình em. Báo chí hay Luật em không thích lắm".

Long trong một chuyến dã ngoại cùng bạn bè
Long trong một chuyến dã ngoại cùng bạn bè

Theo Long, khi học văn, điều quan trọng là cần có hứng thú. "Học Văn cũng như học Địa và Sử, một số bạn vẫn nghĩ phải học thuộc lòng, khô khan và chán. Nhưng em cho rằng học văn nói riêng và học khối C nói chung không đến nỗi khó khăn" - Long chia sẻ.

Long cũng cho rằng môn Văn cấp 3 học rất hay! "Nếu như một số bạn quay lưng với môn Văn có lẽ các bạn ít đam mê môn văn. Học văn cần lòng đam mê, học hiểu chứ không nên học thuộc lòng. Nắm vững kiến thức cơ bản thầy cô giảng trên lớp, về nhà cần xem học lại bài, tìm kiếm thông tin, đọc thêm tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức. Học khối C cần khiến thức xã hội rộng một chút" - chàng thủ khoa chốt lại bí quyết học giỏi khối C.
 
Vừa rồi đề thi Địa Lý có những câu hỏi liên quan đến biển đảo Việt Nam. Hiện nay biển đảo cũng đang là một vấn đề “nóng”. Suy nghĩ của Long về vấn đề này?
 
Em thấy đề năm nay Bộ ra rất hay! Hiện nay vấn đề Biển Đông là một vấn đề “nóng”, mang tính thời sự.
 

Đưa vấn đề biển đảo vào đề thi là rất hợp lý. Trong đề có câu hỏi nêu tài nguyên sinh vật và khoáng sản ở vùng biển. Trả lời câu hỏi mới biết vùng biển Việt Nam giàu có, đa dạng tài nguyên như thế nào.

 
Em thường thấy trên đường có các băng - rôn ghi “VIỆT NAM MẠNH VỀ BIỂN, VIỆT NAM LÀM GIÀU TỪ BIỂN”. Lúc đó mới thấy trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam đối với biển đảo to lớn thế nào, đặc biệt khi tình hình Biển Đông đang nóng lên từng ngày.

Anh Việt - Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm