Gần 98% trường tiểu học ở Hà Nội dùng học bạ số, gấp đôi tỉnh khác
(Dân trí) - Hà Nội hiện có gần 98% trường tiểu học triển khai học bạ số, dẫn đầu toàn quốc trong khi tỷ lệ này của cả nước chưa đến 50%.
Thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết thí điểm học bạ số cấp tiểu học, phát động triển khai ở cấp phổ thông, do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 12/8.
Hà Nội là một trong 10 tỉnh, thành được Bộ GD&ĐT chọn triển khai thí điểm thực hiện Giáo dục kỹ năng công dân số thời gian tới.
Yêu cầu thí điểm 50%, vượt chỉ tiêu gần 100%
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến ngày 24/6, thành phố có gần 28.000 giáo viên, cán bộ nhân viên các trường học được trang bị chữ ký số. Chữ kí số là một trong những yêu cầu đầu tiên của việc triển khai học bạ số.
Đến cuối tháng 7 vừa qua, gần 98% trường học tại Hà Nội triển khai học bạ số cấp tiểu học, dẫn đầu toàn quốc. Tỷ lệ còn lại là một số học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục rèn luyện trong hè, và sẽ hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung; một số học sinh trong các trường Quốc tế, học sinh chưa được cha mẹ thực hiện cấp số định danh cá nhân.
Tháng 4 vừa qua, 100% trường tiểu học ở Hà Nội đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo; 100% giáo viên, nhân viên các trường học đều có thể tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành, dữ liệu về học sinh đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống". Nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 100% trường tiểu học áp dụng và sử dụng học bạ số.
Theo Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm, hiện 18 trường tiểu học công lập và 6 trường tư thục trên địa bàn đã tham gia học bạ số. Phòng GD&ĐT lập số điện thoại riêng biệt để tiếp nhận, giải đáp kịp thời các trường trong thực hiện học bạ số.
Mặc dù đã triển khai tập huấn nhưng theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận này, qua quá trình triển khai, kỹ năng của nhà giáo khi sử dụng phần mềm còn khó khăn.
Ông Đỗ Toàn Thắng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất cho biết, đến cuối tháng 12/2023, có 100% trường mầm non, phổ thông trên địa bàn đã được cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn. Hiện 100% trường tiểu học ở Thạch Thất đã triển khai học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4.
Tại quận Hoàng Mai, hiện có 99,88% trường học trên địa bàn thực hiện học bạ số, với 34.660 học sinh từ khối 1 đến khối 4.
Tháo gỡ ngay, không cần đợi văn bản
Mặc dù vậy, theo nhìn nhận của Sở GD&ĐT Hà Nội, việc cấp chữ ký số cá nhân cho giáo viên, nhân viên ở các trường tư thục còn khó khăn, vướng mắc. Phát sinh các chi phí về chữ ký số, hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số.
Giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số nên một số loại điện thoại chưa tương thích với phần mềm đòi hỏi phải nâng cấp, thay thế thiết bị, một số đơn vị giáo viên vẫn phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đưa ra 3 bài học kinh nghiệm, 6 kiến nghị liên quan đến học bạ số. Trong đó, quan trọng là chi phí lưu giữ học bạ số: Học bạ số cũng phải được lưu trữ, duy trì vĩnh viễn trên môi trường trực tuyến; đề nghị Thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục để lưu trữ học bạ số.
Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, từ khi phát động, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm học bạ số Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương trên cả nước thực hiện thí điểm khoảng 50% số trường nhưng Hà Nội đã vượt chỉ tiêu, thực hiện trên gần 100% số trường.
Tính đến ngày 5/7, có 18 Sở GD&ĐT trên cả nước đã gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại một số địa phương vẫn còn gặp lúng túng trong quá trình triển khai ở các khâu, các văn bản chỉ đạo. Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện thực tế khiến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ chế quản lý, giám sát, công tác truyền thông, tuyên truyền chưa đạt đúng theo yêu cầu đề ra.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, việc sử dụng học bạ số tăng cường tính minh bạch, tính hệ thống trong dữ liệu, tiết kiệm kinh tế khi thầy cô và các nhà trường trên cả nước không phải in hàng triệu cuốn học bạ. Chi phí tiết kiệm này có thể dùng để đầu tư cho các mục tiêu khác trong giáo dục.
Thời gian tới, các địa phương tuyên truyền với phụ huynh về việc triển khai học bạ số ở cấp tiểu học để tránh băn khoăn; tăng cường sự tham gia của các trường thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập.
Về 3 bài học kinh nghiệm, 6 kiến nghị liên quan đến học bạ số mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra, tại Hội nghị, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, trước những lợi ích mà học bạ số mang lại, không nhất thiết phải chờ văn bản, thành phố sẽ nhanh chóng tháo gỡ ngay các kiến nghị liên quan đến chuyển đổi số mà ngành giáo dục Thủ đô đã đưa ra.