Gần 60 tuổi mới bắt đầu đi học xóa mù chữ

(Dân trí) - Tạm gác công việc nương rẫy, hàng tuần những nông dân chân lấm tay bùn lại rủ nhau đến lớp học xóa mù chữ. Lớp học với gần 40 học viên từ 40-60 tuổi, do thầy cô giáo và những chiến sĩ biên phòng thay nhau đứng lớp.

Gọi là lớp học đặc biệt, bởi học viên phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại xã biên giới Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông).

“Tìm” chữ ở lớp học đặc biệt giữa vùng biên giới

Con dẫn mẹ đi học

Mặt trời vừa khuất núi, chị H’Ri (40 tuổi, trú bon Sa Pa) tạm gác công việc nương rẫy, nhanh chân trở về nhà để chuẩn bị bữa tối. Hơn 1 tuần nay, người phụ nữ M’Nông này dành thời gian mỗi buổi tối để tham gia lớp học xóa mù chữ do Đồn biên phòng Thuận An phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Đắk Mil mở.

Lớp học xóa mù chữ cho những học viên lớn tuổi do bộ đội biên phòng mở
Lớp học xóa mù chữ cho những học viên lớn tuổi do bộ đội biên phòng mở

Cơm nước xong, chị H’Ri lại cùng đứa con trai út đến lớp học cách trường hơn 10km. Ở xa trường nhất nhưng hôm nào chị H’Ri cũng là người đi sớm nhất. Càng sát trường học, tiếng các học viên gọi nhau í ới, tiếng nói cười râm ran khiến con đường ban ngày vắng vẻ trở nên nhộn nhịp, đông vui hơn.

Chị H’Ri cho biết, vợ chồng chị có 5 người con, hai vợ chồng làm nương rẫy, phải nhờ bố mẹ ở nhà chăm con. Đứa con đầu năm nay đã lập gia đình, trong khi đứa út mới tròn 5 tuổi.

“Trước đây, lên xã làm giấy tờ gì thì chỉ lăn tay điểm chỉ, hoặc phải nhờ người viết hộ, bón phân nhưng không biết tên là gì, nông sản mình thu được bao nhiêu kg, bán được bao nhiêu tiền cũng không rõ… nên hay bị “bắt nạt” lắm.

Biết bộ đội mở lớp xóa mù chữ, mấy đứa con mình nằng nặc bắt mẹ đi học, mỗi ngày một đứa thay phiên nhau đưa mình đến lớp, rồi ngồi ngoài chờ mẹ đến hết buổi học. Đi học đầy đủ nên mới hơn 1 tuần, mình đã tự viết được tên rồi. Sung sướng lắm, cứ như mình trẻ ra vài chục tuổi, như hồi lên 9 lên 10 ấy”, chị H’Ri tâm sự.

Những đứa trẻ “dẫn” mẹ đi học lớp xóa mù
Những đứa trẻ “dẫn” mẹ đi học lớp xóa mù

Ngồi ngay sau chị H’Ri là vợ chồng anh Y Nhót và chị H’Brú. Anh Y Nhót may mắn được học chữ tại lớp xóa mù này từ hơn 5 năm trước, còn vợ thì chưa được đi học do bận ở nhà chăm con. Sau 5 năm, lớp xóa mù chữ được mở lại, anh Nhót đăng ký cho vợ tham gia liền. Sợ vợ ngại, anh này xin đi học chung rồi ngồi cùng bàn với vợ để tiện cho việc chỉ bài.

Sợ vợ ngại, Y Nhót xin đi học chung rồi ngồi cùng bàn với vợ để tiện cho việc chỉ bài
Sợ vợ ngại, Y Nhót xin đi học chung rồi ngồi cùng bàn với vợ để tiện cho việc chỉ bài

Chị H’Brú kể, ngày mới đi học, hầu hết những học sinh rất nhát và ngại phát biểu. Thế nhưng bây giờ ai cũng tự tin, mạnh dạn, xung phong lên bảng. Ban đầu học thì cũng khó lắm, tay ai cũng cứng đơ tưởng không viết được, thế nhưng bây giờ chị đã biết đọc, biết viết, rồi còn dạy cho đứa con 4 tuổi ở nhà nữa.

“Chữ đầu tiên mà mình tập viết đó chính là tên của mình. Cảm giác khi tự tay viết được tên mình sướng lắm. Nhờ biết chữ mà mình thấy thuận tiện đủ mọi thứ, đọc được cả sách báo, hợp đồng mua bán hay vay vốn ngân hàng”, người mẹ 2 con tâm sự.

Ngày mới đi học, hầu hết những học sinh rất nhát và ngại phát biểu
Ngày mới đi học, hầu hết những học sinh rất nhát và ngại phát biểu

Là một trong những học viên lớn tuổi nhất lớp, nên chú Y Hương (50 tuổi) được cử làm lớp trưởng. Người đàn ông chân chất, mộc mạc ngồi chăm chú nghe từng lời giảng của bộ đội và cô giáo. Mặc dù việc tiếp thu chậm hơn những thành viên khác, nhưng điều đó không khiến chú Hương nản chí mà lại là động lực để chú cố gắng.

“Từ hồi trường mở lớp, mình cùng hàng xóm đi học. Điều mình sướng nhất là được cử làm lớp trưởng, được con động viên và trực tiếp dẫn đến lớp học mỗi tối và không phải xấu hổ khi con hỏi bài như trước nữa…”, lớp trưởng Y Hương vui vẻ cho hay.

Xóa mù chữ, xóa được nghèo

Lớp học được mở ngay điểm trường của Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, phần lớn các học viên đều là người đồng bào dân tộc thiểu số của xã Thuận An, trong đó đông nhất là bon Sa Pa. Giáo viên đứng lớp là những thầy cô của trường và chiến sĩ của Đồn biên phòng Thuận An. Lớp học diễn ra 4 buổi mỗi tuần, bắt đầu từ 19 giờ đến 21 giờ.


Những đứa trẻ cùng người lớn học chữ.

Những đứa trẻ cùng người lớn học chữ.

Có dịp chứng kiến một buổi học mới thấy hết được cái khát khao “con chữ” của bà con nơi đây. Nhìn bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ khiến nhiều người khâm phục ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này. Không hiếm để bắt gặp cảnh tượng những đứa trẻ vừa chăm chú nghe giảng, thỉnh thoảng lại quay sang hướng dẫn bố mẹ mình hay những đứa trẻ thập thò ngoài cửa sổ theo dõi bố mẹ học chữ.

Phương pháp giảng dạy gần gũi giúp lớp học đạt hiệu quả cao
Phương pháp giảng dạy gần gũi giúp lớp học đạt hiệu quả cao

Chia sẻ về lớp học này, Đại úy Lang Văn Năm, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng Thuận An cho biết, ban đầu vận động bà con đi học cũng khó khăn lắm, họ có tâm lý e ngại, vì nhiều người cho rằng già rồi còn học hành gì nữa. Nhưng bộ đội rồi giáo viên, chính quyền địa phương thay nhau vận động, khuyên nhủ nên dần dần bà con đến lớp ngày một đông hơn.

“Bây giờ tiếng đọc còn lơ lớ, chưa tròn vành rõ chữ nhưng ai cũng háo hức. Toàn bộ đều được miễn học phí, lại được trang bị thêm đồ dùng học tập, bà con vui vẻ, nhiệt tình đi học lắm. Nhiều học viên còn đưa cả con đến lớp nữa, nên lớp học lúc nào cũng chật kín người”, Đại úy Năm tâm sự.

Lớp học của do những người lính biên phòng và giáo viên địa phương đứng lớp
Lớp học của do những người lính biên phòng và giáo viên địa phương đứng lớp

Được biết, tại lớp học xóa mù chữ này, các học viên được học tiếng Việt và toán cơ bản. Giáo án chương trình được giáo viên và bộ đội biên phòng hoàn chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế và trình độ của học viên. Chính vì thế, chương trình xóa mù chữ trước tiên sẽ giúp bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán và sau đó là biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao dân trí và làm giàu trên mảnh đất biên giới.

Cô Trần Thị Mai, giáo viên đứng lớp cho biết: Để lớp học hiệu quả nhất, chúng tôi lồng ghép vào buổi học các hoạt động vui chơi, văn nghệ và phương pháp giảng dạy gần gũi với các học viên. Sau hai tuần khai giảng, 100% học viên đã nhận được mặt chữ, đánh vần và thực hiện các phép tính đơn giản.

Dương Phong

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục