Quảng Nam:
Gần 264 ngàn lao động được đào tạo nghề sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
(Dân trí) - Trong 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có gần 264 ngàn lao động nông thôn Quảng Nam được đào tạo nghề; gần 53 ngàn người học nghề theo Đề án 1956.
Ngày 18/12, tỉnh Quảng Nam tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có 116/200 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo báo cáo, kết quả sau 10 năm, đến nay bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn của toàn tỉnh là 16,02 tiêu chí/xã (tăng 4,52 tiêu chí so với năm 2015 và tăng 13,41 tiêu chí so với năm 2010). Đã có 118 xã hoàn thành 19 tiêu chí, chiếm 59%; trong đó có 109 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 40,5 triệu đồng (tăng 30,3 triệu đồng so với năm 2010 và tăng 19,4 triệu đồng so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm còn 5,3% (giảm hơn 18,9% so với năm 2010 và giảm hơn 4,73% so với năm 2015).
Một trong những tiêu chí quan trọng để các xã đạt chuẩn nông thôn mới là lao động có việc làm (tiêu chí 12). Sau 10 năm, tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến tháng 10/2020 gần 264 ngàn người.
Trong đó, hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 và chính sách đặc thù của tỉnh là 52.287 người; trong đó thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 là 47.851 người.
Tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đã hoàn thành khóa đào tạo nghề là 47.128 người, trong đó có 37.890 người lao động nông thôn có việc làm sau học nghề (chiếm 80,4%). Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo tỉnh Quảng Nam đến cuối năm 2020 ước đạt 65%.
Tổng kinh phí phân bổ cho công tác đào tạo nghề tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2020 hơn 110 tỷ đồng. Đến nay, đã có 189 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, chiếm 94,5% (tăng 31 xã so với năm 2015 và tăng 186 xã so với năm 2010).
Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam báo cáo tại hội nghị, một số địa phương đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu của thị trường, còn đến 20% lao động chưa có việc làm sau đào tạo; trình độ tay nghề và năng suất lao động còn thấp.
Ở một số khu tái định cư khi thu hồi đất thì số người thiếu việc làm còn nhiều, nhưng hầu hết đã trên 50 tuổi nên rất khó khăn cho đào tạo, tiếp nhận của các doanh nghiệp. Đặt biệt dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc làm của người dân nông thôn, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Ngoài ra, tiêu chí số 11 về công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 24,2% năm 2010, giảm xuống còn 10,03% vào năm 2015 và giảm xuống còn 5,3% vào năm 2020. Đến nay, có 136 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, chiếm 68% (tăng 48 xã so với năm 2015 và tăng 135 xã so với năm 2010).
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo khu vực 9 huyện miền núi vẫn còn cao và nguy cơ tái nghèo của các hộ vừa thoát nghèo còn nhiều tiềm ẩn khi gặp thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để xây dựng nông thôn mới, trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã huy động hơn 16.500 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước gần 9.300 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 56,2%, vốn trực tiếp từ chương trình gần 4.300 tỷ đồng (chiếm 26,1%), và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, tuy đạt chuẩn nông thôn mới nhưng việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận nông dân còn khó khăn; bình quân tiêu chí có sự chênh lệch lớn giữa các vùng; xây dựng nông thôn mới ở miền núi chưa đạt yêu cầu, chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn rất lớn, số xã dưới 10 tiêu chí còn nhiều.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: "Do đó, chúng ta không được bằng lòng, thỏa mãn, chủ quan; nhất là các xã và huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới thì càng không được tự bằng lòng mà cần phải phấn đấu quyết liệt hơn để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nông dân tiến tới khá giả, giàu có, nông thôn văn minh".