Quảng Nam: Hơn 54.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề
(Dân trí) - Ngày 16/12, tỉnh Quảng Nam tổng kết các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020 và chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp việc làm, an toàn lao động giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo, với tổng kinh phí phân bổ hơn 97 tỷ đồng, trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã rất quyết liệt trong thực hiện các hoạt động của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các hoạt động này đã đem lại hiệu quả tích cực.
Từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ học nghề là hơn 54,4 nghìn người. Trong đó, đề án đào tạo lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ đào tạo cho hơn 48 nghìn lao động nông thôn, với hơn 80% lao động có việc làm sau học nghề; cơ chế đào tạo lao động theo các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 5,7 nghìn người, với hơn 5,2 nghìn người vào làm việc tại các doanh nghiệp...
Qua đó, góp phần tích cực trong việc tăng thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nông thôn, xây dựng thành công nông thôn mới.
Đối với công tác giáo dục nghề nghiệp đã chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với công nghệ và nhu cầu thị trường lao động. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã từng bước được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tổng số lao động tuyển sinh học nghề từ năm 2016 đến nay là hơn 172 nghìn người. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp thuộc ngành nghề được lựa chọn đầu tư trọng điểm là hơn 2,2 nghìn người. Kết quả trên đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 50% năm 2016 lên 65% vào năm 2020.
Các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngày càng được quan tâm thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động.
Bên cạnh đó, công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng đã được các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm. Tần suất tai nạn lao động chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động đã có xu hướng giảm dần, tiết kiệm chi phí và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Môi trường làm việc được cải thiện, giúp người lao động đảm bảo sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động, tạo uy tín và sức cạnh tranh trên các thị trường.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay đối với các hoạt động đào tạo nghề ở một số đơn vị, địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đánh giá cao kết quả đạt được qua 10 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Tuy nhiên cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế đã được ông Trần Văn Tân chỉ ra như: Một số địa phương chưa chủ động, linh hoạt, quan tâm trong công tác dạy nghề; công tác tuyển sinh đào tạo giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Đối với công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài tuy đạt chỉ tiêu đề ra nhưng còn thấp so với tiềm năng lao động của tỉnh; công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa thực sự đảm bảo...
Để góp phần khắc phục những hạn chế trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với nhu cầu thị trường; ưu tiên dạy nghề gắn với thoát nghèo bền vững; đồng thời sớm triển khai công tác sáp nhập, kiện toàn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh...