Gia Lai:

Gần 1.000 cán bộ gian lận bằng cấp để thăng tiến

Theo thống kê, các đối tượng gian lận trong thi cử ở tuyến huyện ở Gia Lai có 693 người, trong đó cán bộ huyện 28 người, cán bộ xã 75 người, cán bộ y tế xã 21 người còn lại là giáo viên.

Sau khi báo chí đăng nhiều tin bài về chuyện nhiều cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) ở Gia Lai và nhiều tỉnh lân cận làm giả hồ sơ dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT ở trường Thiếu sinh quân Dân tộc Quân khu 5 (QK5) đóng tại Pleiku, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo lập đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc.

Kết quả, có hàng ngàn cán bộ đã gian lận để có được bằng bổ túc THPT để thăng tiến...

Đối tượng thanh tra gồm toàn bộ CBCCVC ở 15/15 huyện, thị, thành phố trong tỉnh Gia Lai. Nhưng do trường Thiếu sinh quân Dân tộc nội trú QK5 lấy lý do “bí mật quốc phòng”, không cung cấp danh sách thí sinh đã tốt nghiệp ở đây  từ năm 2001 đến 2005 (thời điểm nghi vấn có nhiều sai phạm) nên công tác thanh tra gặp khá nhiều khó khăn. 

Đoàn thanh tra phải dựa trên bản báo cáo của các huyện, thị gửi về. Theo đó, danh sách những đối tượng là cán bộ, viên chức, công chức thuộc hệ “dân sự” đã làm hồ sơ biến thành quân nhân để dự thi bổ túc THPT và được Cục Nhà trường-Bộ Quốc phòng cấp bằng của ngành Giáo dục-Đào tạo Gia Lai là 569 cán bộ giáo viên; ngành Y tế xếp thứ 2 với 80 người; cán bộ ngành Văn hóa Thông tin là 7 người; Văn phòng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội 3 người; Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai 3 người...

Các đối tượng gian lận trong thi cử ở tuyến huyện có 693 người, trong đó cán bộ huyện 28 người, cán bộ xã 75 người,  cán bộ y tế xã 21 người còn lại là giáo viên. Sau khi có được tấm bằng do Cục Nhà trường -Bộ Quốc phòng cấp nhiều đối tượng tiếp tục nâng cao bằng cấp thông qua các lớp đại học từ xa, đại học tại chức...

Danh sách 996 CBCCVC ở Gia Lai biến thành quân nhân để có tấm bằng tốt nghiệp bổ túc THPT chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Nguồn tin riêng của Tiền phong từ phía cơ quan điều tra hình sự Quân khu 5 cho hay, từ năm 2001 đến 2005, Gia Lai có 2.016 cán bộ công nhân viên nhận bằng tốt nghiệp từ Cục Nhà trường-Bộ Quốc phòng, dù rằng họ không nằm trong số các đối tượng dự thi.

Số 996 đối tượng trên do chưa thống kê những người ở các cơ quan đoàn thể, cơ quan khối Đảng và những đơn vị T.Ư đứng chân trên địa bàn Gia Lai, lực lượng công an...

Quy định của Nhà nước về việc tổ chức thi tốt nghiệp bổ túc THPT cho những người ngoài quân đội dự thi ở Hội đồng thi quân đội khá chặt chẽ. Công văn số 030, ngày 15/4/2002 của Cục Nhà trường-Bộ Quốc phòng về đối tượng dự thi đối với cán bộ dân chính đảng, công an và con em cán bộ quân đội không có điều kiện học tập, ôn tập và dự thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa ở hội đồng thi ngoài quân đội, có nguyện vọng thi trong Hội đồng thi quân đội thì các trường phải kiểm tra kỹ về điều kiện dự thi của các thí sinh ở Hội đồng thi ngoài quân đội, nếu không có khó khăn gì đặc biệt thì không nhận thí sinh đó vào dự thi trong quân đội.

Trường hợp có lý do chính đáng, các trường quân đội kiểm tra việc học tập, hồ sơ học bạ, văn bằng và phải có giấy giới thiệu của cơ sở học tập trước đó của thí sinh, có công văn báo cáo về Cục Nhà trường để tổng hợp báo cáo Bộ Tổng tham mưu và Bộ GD&ĐT.

Khi Bộ cho phép, các trường mới được cho  các thí sinh ngoài quân đội vào dự thi ở hội đồng thi quân đội. Tuy nhiên cần hạn chế các đối tượng này. Vậy mà ở Trường Thiếu sinh quân Dân tộc nội trú QK5 thời gian qua, bình quân mỗi năm có gần 400 đối tượng là CBCCVC được các đường dây làm hồ sơ biến thành quân nhân dự thi ở đây, bởi năm nào Hội đồng thi này thí sinh cũng đỗ 100%.

Những sai phạm, sự gian dối của các đối tượng CBCCVC vào dự thi ở Trường Thiếu sinh quân Dân tộc nội trú QK5 là rõ ràng. Tuy nhiên cho đến nay (giữa tháng 2/2007) hầu hết các đối tượng này vẫn chưa bị bất kỳ hình thức kỷ luật nào, tấm bằng cấp nhầm đối tượng như đã nêu trên vẫn là cứu cánh cho nhiều CBCCVC được tuyển dụng để từ đó họ “chui sâu, leo cao”. 

Theo Huỳnh Kiên
Tiền Phong