FPT chiêu mộ tiến sĩ, tiếp tục củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao
(Dân trí) - Tập đoàn FPT triển khai chính sách cầu hiền nhằm thu hút các tiến sĩ trẻ tài năng, các nhà khoa học uy tín về làm việc với mong muốn xây dựng đội ngũ giảng viên, giảng viên - nghiên cứu viên nòng cốt...
Từ đó, góp phần phát triển công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục, đào tạo.
6 tháng đầu năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu 19.826 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.637 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,2% và 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, FPT hướng tới mục tiêu lớn dài hạn là đứng trong Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, FPT tập trung nghiên cứu chuyên sâu các công nghệ cốt lõi, đặc biệt là AI, Blockchain, Cloud và Big Data, để tạo ra những công trình nghiên cứu, các giải pháp sản phẩm số nổi bật, đẩy mạnh công cuộc "bứt phá" của Tập đoàn.
Bài toán nhân sự chất lượng cao
FPT xác định việc phát triển nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện kế hoạch đề ra. Chính vì thế, FPT cần bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Để chủ động về nguồn lực, FPT đã tiến hành xây dựng đội ngũ giảng viên, giảng viên - nghiên cứu viên (GV-NCV) thực hiện hai nhiệm vụ chính, đó là: Triển khai hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ tại các dự án trọng điểm của Tập đoàn và tham gia giảng dạy tại Tổ chức Giáo dục FPT. Đây chính là lực lượng "nòng cốt", tập hợp các tiến sĩ trẻ tài năng, các nhà khoa học uy tín, sẵn sàng đồng hành cùng FPT thực hiện "khát vọng lớn" và đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng.
Chính sách thu hút tiến sĩ trẻ tài năng tại FPT
FPT cam kết mức thu nhập tối thiểu 300 triệu đồng/năm đối với giảng viên, GV-NCV có trình độ tiến sĩ nhằm đảm bảo mức thu nhập ổn định. Trên thực tế, đây không phải là mức cuối cùng vì tùy vào hiệu quả công việc, các tiến sĩ có thể thu nhập lên cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Bên cạnh đó, riêng tại Trường Đại học FPT (đơn vị trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT), nhà trường sẵn sàng hỗ trợ đến 200 triệu đồng chi phí đào tạo bậc tiến sĩ trong một số trường hợp.
Về chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, FPT đưa ra mức thưởng tới 100 triệu đồng/bài cho giảng viên, GV-NCV có công trình công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS, sáng chế,… và không giới hạn số lượng. Đối với giảng viên, GV-NCV tham gia các hội thảo quốc tế và có trình bày tham luận, nhà trường hỗ trợ chi phí tối đa 30 triệu đồng/người/năm. Thêm vào đó, mọi dự án nghiên cứu cấp trường đều được hỗ trợ chi phí thực hiện lên tới 100 triệu đồng/năm.
Tại FPT, mỗi cá nhân sẽ không bị giới hạn khả năng sáng tạo. Các tiến sĩ được chủ động lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học và xây dựng đội nhóm của riêng mình. Tập đoàn sẵn sàng "rót vốn" đối với những công trình nghiên cứu chất lượng, có tính ứng dụng cao. Riêng trong hoạt động nghiên cứu về AI, FPT dự kiến đầu tư 300 tỷ đồng trong 5 năm tới và con số này có thể cao hơn, tùy vào yêu cầu thực tế.
FPT hướng tới môi trường làm việc sáng tạo và khác biệt
Các tiến sĩ khi "đầu quân" về FPT có cơ hội liên kết và trao đổi học thuật với các giảng viên, chuyên gia hàng đầu khi tham gia vào các dự án trọng điểm của Tập đoàn. Đây đều là những dự án nghiên cứu lớn của Tập đoàn FPT trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuyển đổi số… được triển khai bởi nhiều giảng viên, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tập đoàn đã thành lập các trung tâm nghiên cứu được trang bị những công nghệ, thiết bị tiên tiến, đón đầu xu hướng thế giới nhằm hỗ trợ các tiến sĩ trong quá trình phát triển sản phẩm mới và xây dựng các chương trình đào tạo. Tiêu biểu phải kể đến Viện nghiên cứu Công nghệ FPT, Trung tâm nghiên cứu & ứng dụng AI và hàng loạt các phòng lab thuộc các công ty thành viên khác như FPT Telecom, FPT Information System, FPT Smart Cloud,…
Chính sách hấp dẫn và môi trường làm việc khác biệt chính là lý do nhiều tiến sĩ quyết định lựa chọn làm việc tại FPT. Trong đó phải kể đến Tiến sĩ Trần Thế Trung, người đã từ chối nhiều lời mời hấp dẫn từ các trường đại học quốc tế để về Việt Nam làm giảng viên của Trường Đại học FPT. TS. Trần Thế Trung chia sẻ: "Trong thời gian ở nước ngoài, tôi học được nhiều thứ mới mẻ nên rất muốn đưa về áp dụng ở Việt Nam. Tổ chức Giáo dục FPT hội đủ điều kiện cho những áp dụng đó". Hiện ngoài công tác giảng dạy, TS. Trần Thế Trung còn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT thuộc Trường Đại học FPT.
Có thể thấy, FPT đặc biệt chú trọng đầu tư vào nguồn lực con người để thực hiện "khát vọng"đứng trong top các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT nhấn mạnh: "Thu nhập tốt, môi trường làm việc sáng tạo là điều mà chúng tôi đã và đang luôn nỗ lực dành cho cán bộ của mình. Hơn thế, tôi tin chắc rằng, một điều mà những người yêu công nghệ luôn mong muốn đó là được tham gia giải những bài toán đầy thử thách, có tầm vóc lớn. Ở điểm này, FPT chắc chắn là nơi phù hợp nhất".
Tập đoàn FPT đang tìm kiếm giảng viên và GV-NCV tài năng trên quy mô toàn quốc ở những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, gồm: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Công nghệ phần mềm, Khoa học dữ liệu, An ninh an toàn thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị kinh doanh, Quản trị du lịch & khách sạn, Quản trị truyền thông, Art & design…
Trân trọng mời các tiến sĩ tham gia cùng FPT tại: https://career.fpt.edu.vn/phd