Ép luyện viết chữ đẹp có phải là tạo thêm gánh năng cho con trẻ?

Nhung Nhung

(Dân trí) - Theo quan niệm "Nét chữ nết người", đối với một số phụ huynh rèn chữ cũng là rèn nết. Tuy nhiên, số phụ huynh khác cho rằng việc luyện chữ tuy không hại, nhưng cũng không mang lại quá nhiều lợi ích.

Luyện nét chữ, rèn nết người

Cho rằng việc luyện chữ là bài học cơ bản và quan trọng của trẻ, vì vậy chị Trần Hồng Nhung (TPHCM) đã tạo lập thói quen luyện chữ cho con ngay từ khi con còn nhỏ. 

"Con còn bé thì rèn, không thể thả trôi được, như cái cây phải uốn, chữ của con có thể chưa đẹp ngay nhưng phải rõ ràng", chị Nhung nói.

Chị Nhung cho rằng việc để con rèn chữ là một cách khổ luyện giúp con có hình thành tính nhẫn nại và chịu khó, nếu kiên trì rèn sẽ đạt được kết quả tốt.

Ép luyện viết chữ đẹp có phải là tạo thêm gánh năng cho con trẻ? - 1

Chị Nhung cho rằng việc con viết chữ đẹp và cẩn thận rất quan trọng (Ảnh minh họa: P.N.L).

"Từ ngày xưa, người ta đã quan niệm nhìn nét chữ biết tính người nên tôi luôn để tâm vấn đề này.

Việc rèn chữ ở tiểu học không chỉ để chữ đẹp mà còn để rèn tính cẩn thận tỉ mỉ của trẻ, nên tôi vẫn luôn khuyến khích con làm điều đó. Tôi tin đó là kỹ năng cần thiết để tạo nên tính cách và thói quen tốt cho con", chị Nhung chia sẻ.

Đồng quan điểm với chị Nhung, chị Nguyễn Minh Hòa (Thái Bình) cũng cho rằng nên coi trọng việc rèn luyện chữ đẹp cho con trẻ ở bậc tiểu học. 

Bởi theo chị Hòa, nếu con chỉ chú trọng vào nội dung môn học mà không chú ý tới chữ viết thì chữ của các con viết ra chưa chắc bản thân các con đã đọc được.

"Trẻ nhỏ đến cái chữ là cái đầu tiên học, đầu tiên làm. Không phải tính toán mà còn không nắn nót được, không cẩn thận được thì làm sao chắc chắn khi học môn toán, hóa, sinh... con có thể kiên nhẫn để học, cẩn thận và chăm chỉ để học được", chị Hòa nói.

Chị Hòa khẳng định việc dạy trẻ nắn nót từng con chữ là cách rèn tính cẩn thận, tỉ mỉ và cả nhẫn nại. Nếu việc viết chữ mà qua loa, thì dễ hình thành tư tưởng, phong cách học tập không chú tâm, tập trung của con.

"Chẳng phải những chuyện lớn trên đời đều từ những việc nhỏ mà thành sao. Vậy nên tôi vẫn luôn khuyến khích con làm điều đó, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc", chị Hòa nhấn mạnh.

Không thêm gánh nặng lên vai trẻ

Bên cạnh đó, cũng có một số phụ huynh cho rằng rèn chữ là việc làm cần nhưng không nhất thiết phải dành quá nhiều thời gian. 

Theo quan điểm của chị Nguyễn Hân (phụ huynh đang có con học lớp 2 tại Hà Nội), viết chữ đẹp chỉ là một kỹ năng, không thể đại diện hoàn toàn cho tính cách của một cá nhân. 

"Đâu phải ai viết chữ xấu thì là người xấu, ai viết chữ đẹp thì là người tốt. Chúng ta tôn trọng tục ngữ nhưng không nên vịn vào đó mà tạo gánh nặng lên vai trẻ", chị Hân nhận định. 

Cá nhân chị Hòa đồng tình việc bố mẹ mong muốn con viết chữ đẹp và việc luyện chữ là điều nên được khuyến khích. 

Nhưng luyện chữ là một bộ môn tốn nhiều thời gian và công sức, vì vậy chị Hòa cho rằng không nên lấy chữ đẹp làm tiêu chí đánh giá chung cho năng lực, tính cách của một đứa trẻ.

"Viết chữ đẹp là một điều tốt nhưng để lựa chọn nó là một tiêu chí để học sinh phấn đấu mà áp dụng đại trà thì không hợp lý.

 Việc trẻ con phải chịu áp lực để cố gắng viết đẹp hơn nhằm được giải trong các cuộc thi đua vở sạch chữ đẹp ở trường lớp sẽ tạo nên nét tính cách xấu", chị Hân chia sẻ thêm. 

Ép luyện viết chữ đẹp có phải là tạo thêm gánh năng cho con trẻ? - 2

Chị Hòa cho rằng nên để việc luyện chữ đẹp phát triển như một môn năng khiếu (Ảnh minh họa: K.P)

Có con trai 7 tuổi đang học tập ở nước ngoài, chị Ngọc Hà chia sẻ, chị chỉ yêu cầu con viết chữ rõ ràng, ngay ngắn, dễ đọc cùng đó tốc độ viết nhanh, để dễ ghi chép hoặc diễn đạt ý khi học trên lớp.

Còn việc luyện chữ đẹp, chị Hà coi đó là một bộ môn nghệ thuật riêng, nếu con có nhu cầu chị sẽ tạo điều kiện cho luyện tập cách viết đẹp.

"Tôi chỉ yêu cầu con viết cẩn thận gọn gàng là được. Trẻ con hiện nay, bài vở trên lớp đã quá tải, chưa kể học thêm vô số môn chính môn phụ khác đã chiếm hết thời gian sức lực của con rồi.

Nếu lại còn bị ép tập luyện chữ cho đẹp, ko muốn thì bị quát bị đánh như vậy thì chưa chắc đã rèn được tính cách tốt cho con mà ngược lại chỉ phản giáo dục", chị Hòa bày tỏ.

Đối với việc con có hứng thú và tò mò tập viết theo các mẫu chữ trong sách giáo khoa, chị Hà không phản đối cũng không khuyến khích, bởi lựa chọn viết như nào nằm ở con. 

"Cá nhân tôi nghĩ, cách nhìn nhận của mỗi người là khác nhau, khó mà nói một sự việc đúng sai hoàn toàn, bởi trong mỗi nét chữ là sự nỗ lực của cả một quá trình rèn luyện.

Tôi thì phân biệt rõ ràng 2 phạm trù tập viết và luyện chữ đẹp là khác nhau. Cho nên tôi thường dặn con cứ viết đúng, gọn trước để làm toán và làm bài tốt là được", chị Hà bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm