Ép con học chữ trước do ám ảnh lời cô mắng?
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh ép con học chữ trước khi vào lớp 1, bất chấp việc phản khoa học xuất phát từ ám ảnh sợ nghe cô giáo mắng.
"Không lo viết, đi học cô đánh vào tay"
"Không lo học, vào lớp 1 cô giáo phạt, bạn cười", "Viết xấu, vào lớp 1 cô đánh nát tay"... - có vô số lời dọa dẫm chuẩn bị vào lớp1 con trẻ được nghe trong quá trình học chữ trước lớp 1. Cô giáo "mắng vốn" là nỗi ám ảnh mà rất nhiều phụ huynh trút xuống đầu con trẻ trong giai đoạn này.
Sự lo lắng của phụ huynh có thể từ chính việc họ được trải nghiệm hoặc họ nghe người khác kể lại khi con đến trường mà chưa học chữ trước. Qua đó hình thành nỗi sợ trong bản thân, đến nỗi có người mang hẳn niềm tin "Con không thể không học chữ trước".
Ở đâu cũng có thể nghe các mẹ kể với nhau việc bị áp lực, bị cô giáo "mắng vốn" vì không học chữ trước dù học có thực sự trải qua hay chưa.
Nhiều đứa trẻ học chữ trước với lời dọa dẫm từ người lớn "không học thì cô giáo phạt" trước khi vào lớp 1 (ảnh minh họa)
Có phụ huynh còn đưa những thông tin nghe qua nghe lại, cảnh báo rằng: không biết chữ trước sẽ bị cô giáo "đì", mắng vốn, giao nhiều bài tập, cha mẹ và con khổ sở đến 11 - 12 giờ đêm chưa xong, còn không theo kịp thì cô mặc kệ.
Nhiều phụ huynh khóc lóc, uất ức kể đến việc giờ chơi, con và và những bạn chưa học chữ trước bị cô giáo bắt ở lại lớp tập viết.
Nhiều bà mẹ còn truyền tai nhau những thông tin sai lệch như vào tuần đầu phải học hết bảng chữ cái, tuần thứ 2 học ghép... để khẳng định việc phải học chữ trước. Nhưng thật ra còn là để họ tự trấn an rằng, mình cho con học chữ trước là đúng đắn.
Phụ huynh quá "nhạy cảm"?
Cô Lê Thu Vân, giáo viên từng nhiều năm dạy lớp 1 ở TPHCM chia sẻ, việc cho con học chữ trước là xuất phát từ chính lo lắng và cả sự ganh đua của phụ huynh. Còn bố mẹ cho rằng, không học chữ bị cô "mắng vốn", than phiền này nọ theo cô Vân, thêm một lần nữa phụ huynh quá "nhạy cảm".
Cô Vân giải thích, từ thực trạng có trẻ biết, có trẻ chưa biết chữ, thường giáo viên sẽ dạy theo hướng cá thể hóa, với nhóm học sinh đã biết chữ sẽ theo cách khác và học sinh chưa biết chữ sẽ theo cách khác.
Có thể, với nhóm học sinh chưa học trước, cô giáo sẽ yêu cầu phụ huynh kèm cặp thêm, về tập viết thêm hay có cô tranh thủ giờ ra chơi để trẻ hoàn thành phần việc của mình...
Cô Vân nhấn mạnh, đó là điều hoàn toàn bình thường, có thể có những cách chưa phù hợp nhưng phụ huynh đừng suy diễn là con bị phân biệt, trù dập, bị giao nhiều bài, cha mẹ bị nhắc vì không cho con học chữ trước mà thêm căng thẳng.
Cũng có những cô mong học sinh cả lớp giống nhau để cô dạy cho khỏe, có cô còn thiếu kỹ năng dạy cá thể hóa hay cách trao đổi với bố mẹ chưa được khéo nên có thể làm phụ huynh hiểu nhầm, vô tình gây áp lực cho phụ huynh.
"Ngay với những trẻ học trước, giáo viên cũng phải nhắc phụ huynh cùng hợp tác về việc con không tập trung trong lớp, gây ồn ào, có thể mất hứng thú học tập, thiếu sự kiên nhẫn... " - cô Lê Thu Vân
Cô giáo khẳng định so với việc dạy chữ và việc "kèm" để trẻ tập trung, không chủ quan, hứng thú vì biết trước thì việc học chữ dễ dàng hơn nhiều lần. Chỉ cần hết học kỳ là các con đều có thể đọc được, nên việc ép con học chữ trước của phụ huynh là không cần thiết.
Có lẽ chưa khi nào phụ huynh lại "nhạy cảm" với việc học của con như bây giờ. Chỉ cần thấy một đứa trẻ hàng xóm biết đọc trước, đi học trước con mình hay một lời dặn dò từ cô giáo là bố mẹ đủ rộn rạo không yên.
Trẻ cần được tiếp động lực tinh thần, niềm vui để bước vào lớp 1 thay cho những lời dọa dẫm chỉ vì những con chữ, phép tính (ảnh minh họa)
Trải nghiệm qua hai con đứa không học chữ, đứa học trước, chị Nguyễn Thanh Nga, nhà ở quận 8, TPHCM khẳng định không thể nói đứa nào tốt, đứa nào dở chỉ vì học chữ trước hay không. Không thể so sánh vì mỗi đứa một khác, cô giáo cũng khác và tâm thế bố mẹ mỗi thời điểm cũng khác.
Nhưng điều có thể thấy được là ngày hè trước khi vào lớp 1, cô chị được vui chơi, khám phá nhiều thứ hơn do không phải ngồi luyện chữ nên bé rất mạnh dạn, yêu đời. Sau đi học, con cũng được bố mẹ quan tâm, kèm cặp nhiều hơn cậu em.
Còn cậu em ngoài việc mất thời gian để luyện chữ thì gánh thêm áp lực được bố mẹ đầu tư tiền bạc, công sức cho học chữ trước nên khi đó, làm gì sai lại dễ bị mắng hơn.
Đến một lúc nào đó nhìn lại, như chị Vân, điều tiếc nuối của phụ huynh không phải là việc con học chữ trước hay không mà là bố mẹ đã bỏ lỡ việc chuẩn bị cho con niềm vui, cùng con nâng niu những cảm xúc ngày đầu đến trường của con vì lo lắng quá mức của bản thân.
"Tôi thấy mình ngu muội vì trước đây tư vấn cho các mẹ khăng khăng phải cho học chữ trước, không là không được yên với cô. Con tôi cũng bị mẹ dọa như vậy. Điều này dễ làm con mất niềm tin vào bản thân, vào cô giáo, mất đi niềm vui đến trường. Có nhiều thứ quan trọng hơn với con trước khi vào lớp 1 là những con chữ, phép tính" - chị Phan Thu Anh, phụ huynh có con đang học lớp 3 ở quận 1, TPHCM, admin của một diễn đàn về dạy con.
Hoài Nam