Èo uột trường nghề: 5 học sinh cũng thành lập lớp
(Dân trí) - (Dân trí) – Không có học sinh (HS), nhiều giáo viên tại các trường nghề chỉ “ngồi chơi xơi nước”; có trường 5 học sinh vẫn “bất đắc dĩ” bố trí thành lớp học.
Đó là tình trạng ở hầu hết các trường nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhiều năm nay. Mặc dù, năm nào các trường cũng “tung” giáo viên về khắp các nơi để chiêu sinh nhưng tình trạng trên vẫn không được cải thiện.
Mở lớp nhưng không có học sinh
Không thể tuyển sinh, đặc biệt là số theo học trình độ cao (bậc cao đẳng, trung cấp) khiến không khí ở các nhà trường nghề ở Thanh Hóa khá vắng vẻ, ảm đạm. Nhiều cơ sở đào tạo nghề vẫn nằm trong tình trạng trường không ra trường, lớp không ra lớp
Cách đây ít năm, Trường TC nghề số 1 TP Thanh Hóa được đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng hai khu nhà cao tầng với vài chục phòng học có trang thiết bị khá hiện đại nhằm thu hút con em ở khu vực thành phố. Tuy nhiên, năm 2014, trường này chỉ tuyển được vẻn vẹn hơn 300 học sinh, trong số đó, đa số là trình độ cắt may sơ cấp. Nhiều ngành nghề ở trường này như hàn, sửa chữa điện lạnh, điện dân dụng không tuyển được học sinh nào.
Cùng chung số phận với trường TC nghề số 1 TP Thanh Hóa, hầu hết các ngành nghề trong trường TC nghề GTVT Thanh Hóa cũng không hề có học sinh đến học. Hiện tại, trường phải “sống” bằng “nghề tay trái” là đào tạo sát hạch lái xe.
Theo lãnh đạo trường này thì những năm 2000 trở về trước, ngành xây dựng cầu đường có học sinh. Tuy nhiên, nhiều năm nay, ngành này học sinh đã không còn có nhu cầu học. Những ngành khác như Công nghệ ô tô hay vận hành máy… thi thoảng mới có học sinh. Cho đến thời điểm hiện tại thì chỉ có ngành vận hành máy thi công nền có học sinh học tuy nhiên cũng liên tục giảm xuống, các ngành khác không có học sinh tham gia học.
Ông Phan Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm còn đông học sinh tham gia học, mỗi lớp sẽ bố trí tầm không quá 35 học sinh. Tuy nhiên hiện tại 5 học sinh chúng tôi cũng phải bố trí thành lớp học. Như ngành vận hành máy thi công nền khi đăng ký thì có 5 học sinh nhưng hiện tại chỉ có 3 học sinh theo học và đang có khả năng 3 học sinh này cũng bỏ. Tuy nhiên, ít chúng tôi vẫn phải dạy, lỗ cũng vẫn phải đào tạo”.
Cũng theo ông Hải thì hiện trường phải “sống” bằng “nghề tay trái” là đào tạo sát hạch lái xe. Vì hiện trường có khoảng 1 nghìn học sinh trong khi chỉ có vài chục học sinh là nằm trong ngành đào tạo chính của trường.
Chính vì không tuyển được học sinh, vài năm trước, trường TC nghề thủy sản Thanh Hóa phải sát nhập vào trường TC nghề Nông nghiệp phát triển nông thôn và lấy tên là CĐ nghề Nông nghiệp phát triển nông thôn nhưng việc tuyển sinh cũng không khấm khá hơn.
Ngoài những cơ sở dạy nghề hoạt động “cầm chừng”, còn có nhiều trung tâm mặc dù chưa tuyên bố giải thể tuy nhiên do không có học sinh nên không hoạt động hoặc hoạt động một cách “dật dẹo” như TTDN Mường Lát, TTDN Như Xuân, TTDN Thường Xuân, TTDN Thiệu Hóa…
Không có học sinh học vẫn cho mở thêm trường
Tình trạng HS học nghề giảm mạnh khoảng từ năm 2010 đến nay, hầu hết số học sinh theo học nghề ở Thanh Hóa chủ yếu là hệ sơ cấp ngắn hạn với các nghề thông dụng và mang yếu tố giản đơn như may mặc, lái xe… Các ngành nghề trình độ cao như gò hàn, điện tử, cơ khí… số lượng tuyển sinh rất hạn chế. Hàng loạt mã nghề hầu như không có học sinh đăng kí theo học.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì cuối năm 2011, tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục cho mở trường Trung cấp nghề Quảng Xương (huyện Quảng Xương). Ông Lý Văn Chương, Trưởng Phòng Đào tạo nghề- Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định, ông không đồng tình với việc tiếp tục cho lập thêm trường nghề tại huyện này trong khi đang có hàng loạt trường nghề đang trong tình trạng “lay lắt” vì không tuyển được học sinh. Hơn nữa huyện Quảng Xương lại giáp ranh với thành phố Thanh Hóa- nơi có rất nhiều trường nghề có điều kiện tuyển sinh hơn vẫn không có học sinh thì việc cho thành lập trường Trung cấp nghề Quảng Xương là không cần thiết.
Và sau 3 năm thành lập, trường Trung cấp nghề Quảng Xương cũng nằm trong tình trạng hoạt động cầm chừng vì không có học sinh. Theo ông Nguyễn Thế Trường, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Quảng Xương, năm 2012, trường tuyển được vẻn vẹn 38 học sinh (vừa học nghề hàn vừa bổ túc văn hóa) nhưng hiện số này đã bỏ học gần hết, hiện chỉ còn 5 em theo học. Năm 2013, trường tuyển được hơn 30 học sinh nhưng nay chỉ còn 13 em. Năm 2014, tuyển được 33 học sinh. Tổng số học sinh hiện còn theo học tại Trường Trung cấp nghề Quảng Xương chỉ còn 51 em.
Theo ông Trường, một số ngành nghề có giáo viên nhưng không có học sinh như động lực, nông nghiệp khiến số giáo viên này chỉ “ngồi chơi xơi nước” nhưng vẫn hưởng lương hàng tháng do đã nằm trong số biên chế.
Nguyễn Thùy