Được giáo dục giới tính sớm, trẻ sẽ biết tự bảo vệ mình

(Dân trí) - Hoang mang trước những thay đổi về tâm sinh lý của con, lo lắng con đi “chệch đường” nhưng nhiều phụ huynh e ngại “tiếp tay chỉ đường” nếu mình như thẳng thắn với con về vấn đề sức khỏe giới tính, sinh sản.

Nỗi lo… chưa nói

Tham dự hội thảo “Vẽ đường cho hươu chạy đúng” do Hội quán các bà mẹ và trường Việt Úc tổ chức mới đây, hàng trăm phụ huynh (PH) có con đang độ tuổi “lỡ cỡ” tại TPHCM có chung băn khoăn: con sớm biết yêu, liệu có nên nói chuyện về sức khỏe giới tính, sức khỏe tình dục với trẻ? Tình trạng học trò nạo phá thai, làm bố mẹ ngoài ý muốn làm họ lo lắng không nói thì sợ con chạy sai đường, gánh hậu quả đáng tiếc. Nhưng nói ra lại lo mình đang “mở đường” cho con “chạy”.

Nhiều phụ huynh băn khoăn liệu vẽ đường có phải tiếp tay cho hươu chạy?
Nhiều phụ huynh băn khoăn liệu vẽ đường có phải "tiếp tay" cho hươu chạy?

Anh Việt, có con trai chuẩn bị lên lớp 7 cho hay, con trai anh đã có biểu hiện yêu đương với bạn khác giới như hẹn hò, cầm tay..., việc cấm cản của bố mẹ dường như không còn tác dụng. “Tôi muốn nói chuyện “người lớn” với con nhưng không biết bắt đầu thế nào. Hơn nữa, lâu nay mình cấm cản còn không ăn thua, giờ nói ra khác nào “chỉ đường” cho con”, anh Việt băn khoăn.

Chị Ng.T. X (ngụ Q. 11) đang ngồi trên đống lửa khi con gái học lớp 10 của mình công khai có bạn trai, lâu lâu con bé vẫn… trốn học hẹn hò ở đâu đó mà bố mẹ không kiểm soát được. Theo chị tìm hiểu thì không chỉ mình cháu mà nhiều bạ bè của con cũng đã có người yêu, thậm chí còn có chuyện cạch mặt nhau, đánh ghen về chuyện yêu đương.

Chi X thắc mắc: “Tôi lo lắm rồi, chúng có thể làm những chuyện mà người lớn chúng ta không tưởng tưởng nổi. Nhưng tôi vẫn tự giữ niềm tin, con mình còn nhỏ, quen nhau cho vui vậy thôi chứ chưa biết gì. Nếu bây giờ tôi nói chuyện “người lớn” với con, chẳng phải đồng tình cho con thoải mái yêu đương?”.

Vẽ đúng đường cho “hươu” chạy

Chia sẻ với lo lắng của các PH, một bà mẹ mạnh dạn bày tỏ đã đến lúc chúng ta phải “vẽ cho hươu chạy đúng đường”. Bà dẫn chứng bằng câu chuyện vui, khi đứa con hỏi người mẹ chị em con sinh ra ở đâu, người mẹ né tránh bằng cách trả lời các con sinh ra từ bông hoa hồng, từ củ cà rốt… từ thứ này thứ nọ. Đứa con chép miệng: “Hóa ra nhà mình không ai sinh ra bình thường”.

“Trẻ con bây giờ biết rất nhiều về các vấn đề mà người lớn vẫn cho là “khó nói” là “nhạy cảm”. Đã đến lúc chúng ta không thể giấu nhẹm, úp mở nữa mà phải thẳng thắn với trẻ”, bà nói.

HS trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM tham gia dự án Giáo dục giới tính cho HS.
HS trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM tham gia dự án Giáo dục giới tính cho HS.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Trưởng bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) cho hay, sai lầm của PH là luôn có tâm lý chờ đợi cũng như giao phó việc giáo dục giới tính cho nhà trường. Trong khi, thầy cô ở trường cũng e ngại nên dẫn đến học sinh có khuynh hướng chia sẻ, gần gũi hơn với thế giới bên ngoài, nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu, ngộ nhận sai lệnh trong quan niệm về tình yêu, giới tính, cuộc sống…

PH thường bối rối, lo sợ khi con quan tâm tìm hiểu hay thắc mắc về chuyện quan hệ tình dục nên họ hay la mắng, quy kết con thế này thế nọ. Theo BS Ngọc, muốn giáo dục tốt về giới tính cho trẻ, người lớn cần có nhận thức, quan điểm đúng về tính dục, xem đó là một phần tự nhiên và lành mạnh của đời sống con người.

Việc giáo dục giới tính không chỉ đưa ra kiến thức về chuyện "quan hệ" mà gồm nhiều khía cạnh liên quan như đạo đức, thể chất, xã hội, cảm xúc, tâm lý, tâm linh… Nên việc giáo dục cũng phải mang tính toàn diện chứ không đơn thuần chỉ dạy về cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc tránh thai.

HS trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM tham gia dự án Giáo dục giới tính cho HS.
BS Đỗ Hồng Ngọc cho rằng, nói chuyện giới tính với trẻ phải thẳng thắn, khoa học đi kèm những giá trị mang tính văn hóa.

Trẻ khám phá tính dục và học hỏi các giá trị về tính dục là một tiến trình tự nhiên để phát triển và trưởng thành. Để việc giáo dục hiệu quả, trẻ cần được giáo dục về cơ thể, giới tính phù hợp theo từng độ tuổi ngay từ nhỏ và phải bắt đầu ngay từ trong gia đình.

“Trái với suy nghĩ của nhiều người, biết nhiều trẻ sẽ… hư thì các nghiên cứu cho thấy, việc được giáo dục về giới tính tốt và sớm giúp trẻ nhận thức rất nhiều về bản thân như sống có trách nhiệm, biết tự bảo vệ mình, không quan hệ tình dục sớm và tự tin hơn”, BS Đỗ Hồng Ngọc nhấn mạnh.
 

Cách nói chuyện giáo dục giới tính với con:

- Bố mẹ phải tôn trọng, chân thành, cởi mở, biết lắng nghe. Không trấn áp, hù dọa trẻ.

- Khuyến khích, khen ngợi khi trẻ đặt câu hỏi. Khi con dùng tiếng lóng đừng cho là tục tĩu, chê bai, nhạo báng.

- Quan tâm đến quan điểm của trẻ: cần hỏi xem trẻ đã biết gì, biết đến đâu. Từ đó có thể điều chỉnh các sai lầm và cung cấp các kiến thức khoa học gắn liền với giá trị văn hóa cho trẻ.

- Đồng cảm với nỗi băn khoăn của trẻ, cho trẻ biết “ngày trước bố mẹ cũng có những lo lắng như con”.

- Sử dụng các nguồn sách vở tin cậy hoặc tham vấn bác sĩ, nhà tâm lý.


Hoài Nam