Đừng để “tính ác” trỗi dậy trong lớp học

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trước sự việc nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị đánh ngay trong lớp nói riêng và vấn nạn bạo lực học đường nói chung.

Thời gian gần đây, nạn bạo lực học đường đang có xu hướng bùng phát khi hàng loạt vụ đánh nhau liên tục xảy ra ngay trong lớp học, ngoài cổng trường. Một loạt những hình ảnh, đoạn băng về những vụ việc này được tung lên trên các trang mạng xã hội gây nhiều bức xúc cho dư luận.

Mới đây nhất, tại một lớp học trong trường THCS ở tỉnh Trà Vinh, một nữ sinh ngồi góc bàn gần cửa sổ và bị nhóm nam, nữ sinh trong lớp liên tục đánh đấm, giật tóc và cầm ghế nhựa đập vào đầu trong tiếng hò hét, cổ vũ của bạn bè xung quanh.

Ở cuối clip xuất hiện hình ảnh nam sinh cầm cả chồng ghế nhựa lớn ném thẳng vào mặt nữ sinh này. Không ai giúp đỡ, không chống lại, em này chỉ biết ôm mặt khóc và chịu đòn.

Hình ảnh ghi lại cảnh nữ sinh cấp 2 ở tình Trà Vinh bị đánh ngay trong lớp học

Hình ảnh ghi lại cảnh nữ sinh cấp 2 ở tình Trà Vinh bị đánh ngay trong lớp học

Liên quan đến sự việc nữ sinh Trà Vinh bị đánh, ông Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Tôi rất buồn khi chứng kiến cảnh học sinh cấp 2 đánh nhau. Nhà trường đáng lẽ phải là một nơi tốt đẹp, an toàn và bình yên của xã hội nhưng lại xảy ra bạo lực”.

Ông Phạm Minh Hạc cho biết, ông hết sức băn khoăn vì qua báo chí phản ánh về sự việc nữ sinh cấp 2 ở Trà Vinh bị đánh hội đồng, trong nhóm đánh bạn còn có cả sự tham gia của lớp trưởng của lớp học này. “Không thể hiểu tại sao lớp và nhà trường lại chọn một em học sinh như vậy để làm lớp trưởng, chọn như vậy là một sai lầm. Cần xem xét lại bản thân em học sinh này đồng thời xem xét lại việc giáo viên chọn lớp trưởng”, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nói.

Bên cạnh đó, ông Hạc bàn về “tính ác” trong học sinh, một học sinh mang giới tính nữ lại mới lớp 7 đáng lẽ sẽ nhu mì, dịu hiền, bản tính tốt đẹp, nhiều tính thiện và là bản tính bẩm sinh nhưng lại có hành vi bạo lực như vậy rõ ràng giáo dục đạo đức, con người đang bị thiếu sót. Cần phải có những biện pháp giáo dục trong nhà trường để “tính ác” trong các em học sinh không bị trỗi dậy.

Theo nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta nên đề cao vấn đề “dạy người”. Việc này gắn liền với hoạt động học tập, lao động, vui chơi trong nhà trường, thông qua việc dạy học để dạy người.

Về việc học sinh sử dụng điện thoại để quay lại clip rồi tung lên mạng, ông Phạm Minh Hạc cho rằng, thời đại bây giờ đang là thời đại điện tử, việc cấm sử dụng là rất khó mà cần quan tâm việc giáo dục con người, tận dụng mặt hay, hạn chế mặt không hay. “Cũng vì có học sinh quay lại nên sự việc nữ sinh bị đánh mới được biết đến, từ đó xã hội, nhà trường, gia đình mới có biện pháp để giải quyết theo chiều hướng tích cực”, ông Hạc nhận định.

Mặt khác, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, chuyện đánh nhau của học sinh cấp 2 không phải năm nay mới có, những năm trước đã từng xảy ra. Lứa tuổi cấp 2 là lứa tuổi dậy thì nên có nhiều biến động tâm sinh lý.

Việc giáo dục học sinh không có bạo lực, ứng xử có văn hóa văn minh là nhiệm vụ nhà trường phải làm thường xuyên nhưng vẫn để xảy ra nghĩa là hiệu quả giáo dục chưa cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy sự tác động của xã hội đến học sinh, nhiều bạo lực ngoài xã hội đang xảy ra cũng có ảnh hưởng đến học sinh.

“Về biện pháp để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, việc giáo dục trong nhà trường phải làm thường xuyên liên tục. Nhưng để có hiệu quả, bản thân nhà trường phải làm tốt theo yêu cầu giáo dục về giá trị sống, kỹ năng sống. Các nhà trường các cấp cần đẩy mạnh điều này.

Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp giữa nhà trường và xã hội, chúng ta phải tạo ra một cuộc sống xã hội bình an. Trong đó mọi người ứng xử với nhau một cách có văn hóa mới làm gương cho học sinh chứ không thể đòi hỏi một mình nhà trường. Bản thân các gia đình học sinh cũng cần tạo ra một môi trường sống văn minh, tràn đầy yêu thương”, TS Tùng Lâm phân tích.

TS Tùng Lâm cũng cho hay, phải có cơ chế quản lý xã hội tốt, khi có sinh hoạt cộng đồng phải có trật tự, văn minh chứ không thể mạnh ai người đó làm. Đối chiếu vào trong sự việc nữ sinh Trà Vinh bị đánh, đáng lẽ khi xảy ra đánh nhau, các em học sinh khác phải căn ngăn nhưng lại đứng ngoài hô hào và quay clip rồi phát tán lên mạng xã hội coi đó như một trò tiêu khiển.

“Chúng ta cũng cần bàn đến khung pháp luật trong vấn nạn bạo lực học đường, hiện nay trong nhà trường chúng ta thường phê bình, cảnh cáo nhưng cần để học sinh phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình", TS Tùng Lâm nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, nên xem xét trách nhiệm cá nhân đối với giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường nếu để xảy ra tình trạng bạo lực chứ không thể cứ đổ lỗi cho tập thể.

Lê Tú
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm