"Đừng để rung động đầu đời của học trò thành nhát dao kết liễu tương lai"
(Dân trí) - Xu hướng yêu theo phòng trào; biểu hiện buông thả, dễ dãi trong tình yêu; đồng nhất tình yêu với tình dục… Những hiện tượng này đang có dấu hiệu gia tăng, đáng lo ngại với giới trẻ, nhất là học trò.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. Hoàng Trung Học, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, vụ việc nữ sinh lớp 10 ở Hà Nam bị bạn trai sát hại làm nhiều người xót xa cho học sinh xấu số và giật mình, lo lắng cho các mối quan hệ của chính con mình. Vấn đề quản lý các mối quan hệ với bạn khác giới của con được cha, mẹ đặc biệt quan tâm.
Người thì lo lắng tìm cách quản lý thời gian rảnh rỗi, siết chặt các mối quan hệ của con; người lại tìm cách đọc trộm nhật ký, theo dõi, chi phối các mối quan hệ nhạy cảm, thậm chí thuê cả thám tử theo dõi; có người lại tìm cách cấm đoán chuyện yêu đương của con, coi đó là một thứ độc dược giết chết tương lai…
Vô hình chung, mối quan hệ cha, mẹ - con xung quanh chuyện tình yêu tuổi học trò trở nên căng thẳng, nhưng những chuyện đáng tiếc thì vẫn tiếp tục xảy ra với học sinh như một bi kịch không hồi kết.
Nhiều học sinh đang nhận thức không đúng về tình yêu tuổi học trò
Thưa TS. Hoàng Trung Học, nhiều cha, mẹ học sinh lo lắng vì con mình dù mới học cấp 1 nhưng đã có biểu hiện "yêu", "thích" bạn khác giới. Thậm chí, nhiều con còn bị chi phối bởi những tình cảm này, làm ảnh hưởng cả đến tâm trạng lúc bình thường và cả kết quả học tập - điều mà ở thế hệ của cha, mẹ các em chưa hề có. Phải chăng, đó là những dấu hiệu bất thường, đáng lo ngại?
Tình yêu tuổi học trò là một hiện tượng tâm lý bình thường, là tất yếu trong quá trình trưởng thành của học sinh. Sau tuổi dậy thì, các em bắt đầu chú ý đến hình thức và quan tâm đến bạn khác giới.
Trong đời sống tâm lý của các em bắt đầu xuất hiện những xúc cảm giới tính đặc biệt, mang màu sắc của tình yêu, dù rất sơ khai, có thể chưa phải là tình yêu ở người trưởng thành - một tình cảm gắn bó sâu sắc, đi kèm theo đó là sự tôn trọng, trách nhiệm và tính thực tế.
Ngày nay, do gia tốc của sự phát triển, trẻ có thể dậy thì khá sớm. Thậm chí, ngay từ tuổi tiểu học, nhiều trẻ đã có dấu hiệu dậy thì. Khi dậy thì, việc quan tâm đến bạn khác giới là tất yếu, không có gì đáng lo ngại.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo là ở chỗ, khi bản năng của các em trỗi dậy từ sớm, trong khi sự phát triển về tâm lý và kỹ năng xã hội chưa phát triển tương xứng dễ dẫn đến những ứng xử bộc phát, lầm lỗi, lệch chuẩn. Điều này có thể để lại những hậu quả khôn lường.
Theo nghiên cứu tâm lý học về vấn đề tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học trò trong những năm gần đây cho thấy, sự không tương thích giữa nhận thức về tình yêu, khả năng kiểm soát cảm xúc, ảnh hưởng bởi các "Trend" ngoại lai, cái "Tôi" lớn đang làm cho nhiều học sinh có biểu hiện lệch lạc trong tình yêu.
Đó chính là xu hướng yêu theo phòng trào; biểu hiện buông thả, dễ dãi trong tình yêu; đồng nhất tình yêu với tình dục; thể hiện hành vi trong quan hệ với bạn khác giới không phù hợp nơi công cộng; có thai, dẫn đến nạo phá thai ngoài ý muôn ngay trong lứa tuổi học trò… Những hiện tượng này đang có dấu hiệu gia tăng, đáng lo ngại trong thời gian gần đây.
Quản lý con như thế nào trước những nguy cơ trong mối quan hệ với bạn khác giới? Một bộ phận cha, mẹ cho rằng, hãy để cho con được phát triển tự nhiên, coi đó là hiện tượng bình thường. Một số khác lại cho rằng, cần quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn cản những ảnh hưởng tiêu cực đến con, giúp con tập trung học tập tốt nhất. Với tư cách là một chuyên gia tâm lý học trường học, ý kiến TS. như thế nào về vấn đề này?
Như trên đã trao đổi, những xúc cảm giới tính của tuổi học trò có thể chưa phải là tình yêu nhưng là một hiện tượng tâm lý phù hợp với sự phát triển của trẻ mà cha, mẹ cần nhận thức đầy đủ và hỗ trợ con đúng cách.
Xu hướng phó mặc hoặc kiểm soát chặt chẽ đều không phù hợp trong bối cảnh hiện nay, có thể để lại những hậu quả tiêu cực và mối quan hệ căng thẳng giữa cha, mẹ và con. Việc của các cha, mẹ khi con bước vào tuổi dậy thì là phải đồng hành cùng con. Đồng hành là thấu hiểu, tôn trọng, hỗ trợ, chấp nhận con.
Muốn giúp con, tốt nhất cha, mẹ phải tạo ra được mối quan hệ gần gũi để các con có thể chia sẻ với mình như với một người bạn thân, kể cả những chuyện thầm kín nhất, không phân biệt chuyện đúng, sai.
Những chuyện vui, buồn, tế nhị, nhạy cảm, con đều có thể nói với cha, mẹ là một môi quan hệ không gì quý bằng. Khi đó, chúng ta mới có thể phát hiện ra những nguy cơ, lệch lạc để hỗ trợ con.
Càng áp đặt, khắc nghiệt, các con càng xa cha, mẹ. Tệ nhất là cảm xúc sợ hãi trong mối quan hệ với cha, mẹ. Khi điều này xảy ra, những bế tắc đến, trẻ sẽ không dám nói, không dám nhờ cha mẹ giúp đỡ và kết quả là để lại những hậu quả không thể lường trước được trong những mối quan hệ nhạy cảm. Thực tế đã cho thấy điều này.
Cần được học là cha, mẹ trước khi làm cha, mẹ
Nhiều cha, mẹ rất lúng túng khi giải quyết những tình huống khi con họ rơi vào những mối quan hệ nhạy cảm, bế tắc. Phải chăng, đã đến lúc các bậc cha, mẹ cần được học làm cha, mẹ trước khi làm cha, mẹ?
Hoàn toàn đúng là như vậy. Dạy con trưởng thành là khoa học đặc biệt và rất khó khăn. Có nhiều người thành công trong rất nhiều lĩnh vực phức tạp nhưng họ lại không thể nuôi con nên người.
Thậm chí, nhiều người đã rất thành công trên con đường công danh, sự nghiệp, tài chính nhưng con lại hư hỏng, nghiện ngập, tù tội hoặc có nhân cách lệch chuẩn. Dạy con trưởng thành đòi hỏi mỗi cha, mẹ phải dành thời gian, tâm huyết cho con một cách có hiểu biết chứ không phải chỉ là quan tâm đến con về vật chất hoặc quản lý khắc nghiệt một cách thiếu hiểu biết.
Ở các quốc gia phát triển, chứng chỉ giáo dục tiền hôn nhân là chứng chỉ bắt buộc phải có trước khi đăng ký kết hôn. Thanh niên cần được học làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng trước khi kết hôn để trở thành người cha, người mẹ có hiểu biết.
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta chưa có quy định bắt buộc về những vấn đề này. Tuy nhiên, các khóa học đào tạo Kỹ năng sống, kỹ năng tiền hôn nhân nhân của Học viện quản lý giáo dục vẫn thường xuyên được tổ chức để khỏa lấp khoảng trống về kiến thức này cho các cha, mẹ có nhu cầu. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho cộng đồng khi cần thiết.
Trong giáo dục tình bạn, tình yêu cho học sinh, vai trò của nhà trường rất quan trọng. Các nhà trường cần làm gì để giúp cho các học sinh có thể trải qua những năm học trò với một tình cảm tích cực, không bị sa đà vào tình yêu mù quáng, ảnh hưởng đến tâm lý và kết quả học tập của các em ra sao, thưa TS?
Hoạt động chủ đạo của học sinh là học tập. Thời gian và các mối quan hệ xã hội chủ yếu của học sinh cũng tập trung chủ yếu trong môi trường học đường. Vì vậy, vai trò của nhà trường rất quan trọng.
Cụ thể, ở đây chính là môi trường văn hóa học đường, vai trò của nội quy nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống rất quan trọng. Học sinh sẽ không bị lệch lạc trong tình yêu nếu các em thực sự được học tập trong môi trường giáo dục văn hóa, tiến bộ, được thầy, cô giáo (đặc biệt là thầy, cô chủ nhiệm) quan tâm và giáo dục đúng cách.
Để làm được việc này, vai trò của phòng tham vấn học đường cần phải được đẩy mạnh. Rất tiếc, hoạt động của phòng tham vấn học đường tại các cơ sở giáo dục, theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều trường mới chỉ mang tính hình thức, chưa thực chất.
Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác tư vấn cho học sinh có trình độ chuyên môn chưa cao, chủ yếu là các giáo viên của trường làm công tác kiêm nhiệm, trong khi lực lượng này đang phải căng mình làm công tác giáo dục. Chế độ đãi ngộ cho người làm công tác tham vấn hầu như chưa có cũng ảnh hưởng rất lớn chất lượng của hoạt động tham vấn học đường.
Thứ hai, mỗi giáo viên phải trở thành một nhà giáo dục, một chuyên gia tâm lý. Hiện tại, chúng ta mới có đội ngũ giáo viên tốt. Muốn xây dựng được các nhà trường hạnh phúc, chất lượng thì mỗi thầy, cô không chỉ là một giáo viên có nghiệp vụ dạy học tốt, mà còn là một nhà giáo dục tinh tế và đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, họ còn phải là một chuyên gia tâm lý giỏi.
Khi nào chúng ta có được một đội ngũ 3 trong 1: Giáo viên xuất sắc, Nhà giáo dục tinh thông, Chuyên gia tâm lý học đường giỏi thì những sự việc đáng tiếc như nữ sinh ở Hà Nam sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
Thứ 3, công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ lên lớp và hoạt động của Đoàn thanh niên tại các trường cần được đẩy mạnh. Rất nhiều học sinh gặp những vấn đề tâm lý và hành động mù quáng trong tình bạn, tình yêu là vì kỹ năng sống còn hạn chế.
Tất cả những điều này cần được cải thiện. Các giáo viên cần được tập huấn chuyên sâu về phương pháp giáo dục kỹ năng sống để triển khai các hoạt động này thường xuyên dưới hình thức lồng ghép trong các hoạt động giáo dục và các giờ dạy kỹ năng sống chuyên biệt cho học sinh.
Khi kỹ năng sống của các em tốt, 3 yếu tố trong sự phát triển của học sinh: sinh lý (bản năng), tâm lý (cảm xúc giới tính), xã hội (kỹ năng sống, hiểu biết xã hội) trở nên hài hòa. Khi đó, sự phát triển của các em sẽ đạt được kết quả tối ưu.
Cần các chuyên gia tâm lý học chuyên biệt làm việc trong các nhà trường
Mô hình tư vấn tâm lý tại các nhà trường theo thông tư 31 của Bộ giáo dục và đào tạo hiện nay do các giáo viên kiêm nhiệm. Thực tế cũng đã cho thấy, giáo viên hiện tại đang quá tải với nhiều nhiệm vụ chuyên môn trong quá trình đổi mới giáo dục. Nghiệp vụ tham vấn của giáo viên cũng chưa đảm bảo. Giáo viên lại bị chồng chéo về các mối quan hệ và vai trò khi thực hiện hoạt động tham vấn cho học sinh. Phải chăng đã đến lúc cần có các chuyên gia tham vấn chuyên nghiệp trong các nhà trường?
Mô hình tham vấn học đường hiện tại của ta đã được bàn nhiều đến trong các Hội thảo khoa học chuyên ngành và các nghiên cứu tâm lý học trường trước đây. Đương nhiên, trong mô hình này, khi các giáo viên làm công tác kiêm nhiệm thì hiệu quả không cao, do các lý do như bạn vừa nêu. Tuy vậy, trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, chúng ta chưa có điều kiện để có các chuyên gia tâm lý học trường học trong các nhà trường. Đây là điều đáng tiếc!
Mặc dù vậy, thực tế đã chứng minh sự cần thiết của các chuyên gia tâm lý học trường học trong nhà trường, vì vậy, sự có mặt của họ là không thể thiếu trong một nhà trường tiên tiến, giúp giải quyết các vấn đề giáo dục hóc búa hiện nay trong sự phát triển tâm lý của học sinh. Và thực tế là, nhiều trường đã bằng nhiều nguồn kinh phí xã hội hóa khác nhau, đã mời các chuyên gia tâm lý học trường học về làm việc trong trường mình. Đây là xu hướng đúng và tất yếu.
Nắm bắt được xu hướng này, ngay từ năm 2017, khoa Tâm lý - Giáo dục của Học viện quản lý giáo dục - Bộ giáo dục & Đào tạo đã điều chỉnh mã ngành đào tạo cử nhân Tâm lý học giáo dục và Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng theo hướng đào tạo ra các chuyên gia Tâm lý học trường học, những người có năng lực căn bản gồm: phát hiện, phòng ngừa, can thiệp, trị liệu các vấn đề tâm lý cho học sinh.
Các cử nhân tâm lý học giáo dục và Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng của Học viện quản lý giáo dục cũng có năng lực rất tốt trong các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và tiến hành các chương trình can thiệp tâm lý ở cấp độ lớp, toàn trường để hỗ trợ tâm lý cho học sinh.
Như vậy, vụ việc nữ sinh lớp 10 ở Hà Nam bị bạn trai sát hại là một việc rất đau lòng, là hiện tượng phản ánh nhiều vấn đề chúng ta cần tiếp tục thay đổi để xây dựng trường học hạnh phúc, xã hội học tập tiến bộ và bình an cho các thế hệ học trò.
Để làm được điều đó, các cha mẹ cần thay đổi, giáo viên cần thay đổi và các chuyên gia tâm lý học đường cần phát huy tốt nhất vai trò của mình để kiến tạo môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc và phát triển cho học sinh.
Xin trân trọng cám ơn Tiến sĩ!