Đừng để bố mẹ sợ bài tập Tết hơn cả con
(Dân trí) - Việc giao bài tập Tết cho học sinh cần khéo léo. Đừng khiến bố mẹ sợ bài tập Tết thầy cô giao cho con mình hơn cả học sinh.
"Có áp lực mới có kim cương", một người mẹ ở TPHCM từng nói vậy khi giao 320 bài tập cho con gái đang học lớp 3 của mình làm trong 16 ngày nghỉ Tết. Người mẹ muốn con gái lớp 3 của mình vẫn giữ được tinh thần học tập, kỷ luật trong những ngày không phải đến trường.
Cô bé lớp 3 mai này trở thành viên kim cương hay không thì chưa biết nhưng người mẹ này thực sự đã trở thành người mẹ "cứng" nhất năm ngoái bởi không nhiều người làm được điều này dù ai cũng muốn con mình mai này trở thành những viên kim cương lấp lánh.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Tết thường là khoảng thời gian nghỉ ngơi, để kết nối và xả căng thẳng. Thế nhưng trong mắt nhiều giáo viên, Tết là thời gian để học sinh chậm hơn, theo kịp tiến độ học tập chung.
Theo đó, việc giao bài tập dịp Tết cũng là cách giúp học sinh khi về nghỉ cũng phải duy trì nền nếp học tập và nhập cuộc được ngay khi trở lại trường sau kỳ nghỉ.
Chính vì mâu thuẫn về kỳ vọng này mà Tết năm nào cũng rất nóng vấn đề giao bài tập Tết.
"Mục tiêu của nền giáo dục là khuyến khích tự học. Học sinh cần được tạo điều kiện để tự định hướng cho bản thân. Do đó, việc giao bài tập Tết phải khéo léo. Đừng làm cho bố mẹ sợ bài tập Tết thầy cô giao cho con hơn cả học sinh", PGS Trần Thành Nam cho hay.
Theo chuyên gia này, trên thực tế, chúng ta có câu "nhàn cư vi bất thiện" hay "ở không sinh bệnh", thậm chí một số người cảm giác "trống rỗng", buồn chán sau kỳ nghỉ vì trải qua thời gian nghỉ dài, ăn ngủ thiếu khoa học, sử dụng điện thoại quá nhiều. Dưới góc độ này, việc giao bài tập về nhà là cần thiết.
Thế nhưng là chuyên gia tâm lý, PGS Trần Thành Nam cho rằng, việc giao bài tập không thể theo kiểu biến nghỉ tết thành "học kỳ phụ" mà phải chuyển hóa nó thành những hoạt động trải nghiệm thực tế để phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng mềm.
Nghệ thuật giao bài tập cần khéo léo, để người học không xem đó là bài tập mà là một hoạt động rất thú vị, gây tò mò để học sinh tự giác khám phá.
"Tôi cho rằng thay vì những bài tập truyền thống, chúng ta hãy nghĩ đến những nhiệm vụ trải nghiệm mà các bạn học sinh và gia đình đều phải tham gia trong Tết. Có rất nhiều dạng bài tập Tết sáng tạo mà tôi ủng hộ như: các nhiệm vụ tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, các phong tục tập quán ngày Tết của gia đình.
Các bài tập nhiệm vụ "tham gia các hoạt động gia đình qua đó học hỏi thêm được một kỹ năng mới"; hay bài tập "viết cảm nhận, nhật ký, sáng tác để biểu đạt cảm xúc của em khi chứng kiến những khoảnh khắc ý nghĩa", PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, thực tế rất nhiều thầy cô, trường học sáng tạo trong cách giao bài tập Tết như, giao học sinh thực hiện nhiệm vụ: "hãy phụ giúp ba mẹ dọn dẹp, lau chùi nhà cửa để đón Tết; phụ ba mẹ chuẩn bị mâm cơm ngày Tết; đọc một cuốn sách hoặc quyển truyện mà con yêu thích; nhớ ghi lại những việc mà mình đã làm được trong dịp Tết vào sổ tay của mình...
Ở một số địa phương, có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 30 Tết. Em có tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 Tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào; em có đi chợ Tết không? hãy miêu tả một số chợ mà em đã đến dịp Tết này"?...
"Để phát triển toàn diện người học, giáo viên cần sáng tạo với danh sách nhiệm vụ để cân đối giữa các nhiệm vụ về vận động cơ thể; chăm sóc cảm xúc; kết nối xã hội; và nâng cao nhận thức.
Giáo viên có thể lên danh sách các nhiệm vụ "bài tập về nhà" theo các nhóm: thực hiện trách nhiệm với gia đình và truyền thống; sở thích của cá nhân; dự tính, kế hoạch cá nhân cho năm mới…, những việc có ích vì cộng đồng và người khác để cùng được hưởng một cái Tết đoàn viên", PGS.TS Trần Thành Nam nói.