Đừng biến giờ dạy văn thành giờ dạy đạo đức

(Dân trí) - Văn chương trước hết phải được là văn chương. Đừng biến giờ dạy văn thành giờ dạy đạo đức, bài làm văn thành bài giáo dục công dân, bàn luận sa đà về thế cuộc.

Nếu ai quan tâm tới nội dung, cấu trúc chương trình môn Ngữ văn ở các cấp nhà trường phổ thông khoảng mười lăm năm gần đây đều dễ thấy những thay đổi khá cơ bản.

 Quan niệm về mục tiêu, nhiệm vụ của bộ môn thay đổi thì hiển nhiên chương trình cũng không còn như trước. Điều này không phải không từng gây những băn khoăn, tranh luận. Dạy văn để làm gì? Dạy văn là dạy cái gì?

Theo tôi, những vấn đề vô cùng cơ bản, gốc rễ này không phải đã được giải quyết thỏa đáng, vẫn còn các chuyện cần điều chỉnh. Nói gì thì nói, thời nào thì thời, dạy văn trước hết nhằm khơi gợi, bồi đắp rung động thẩm mĩ, là rèn luyện năng lực cảm nhận cái đẹp của văn chương (nơi ngôn ngữ, hình tượng), từ đó góp phần bồi dưỡng tâm hồn, làm giàu thêm cho nhân tính, làm đẹp thêm cho nhân cách.

Hình như trong cách dạy, trong cách ra đề thi, kiểm tra, nơi này nơi kia, mức độ này mức độ khác, chúng ta đang cơ giới hóa chuyện đọc hiểu, đang mở rộng quá mức, thậm chí vô lối khiến rời xa bản chất thẩm mĩ, tính nghệ thuật đặc trưng của văn chương, khiến văn chương quá gần với giáo dục công dân.

Đừng biến giờ dạy văn thành giờ dạy đạo đức - 1

Chức năng cao quí của văn chương là khơi gợi, là bồi đắp qua những rung động thẩm mĩ.

 Chuyện tầm vĩ mô này, tôi đã có lần phát biểu và xin sẽ bàn ở các dịp khác. Ở đây, xin trao đổi cụ thể về cái đề thi học sinh giỏi toàn quốc cấp PTTH năm 2019 mới cách ít ngày.

 Nguyên văn câu nghị luận văn học (12 /20 điểm) của đề thi là: “Thời đại ngày nay, con người phải đối mặt với nhiều áp lực trong đời sống tinh thần. Liệu văn học có khả năng giúp con người hóa giải những áp lực đó ?”.

Đây là cách hỏi “tưng tửng” nhằm khơi gợi, một dạng đề mở (như nhiều người vẫn tán thưởng, tung hô lâu nay khi phản ứng với kiểu đề quá cụ thể, khuôn mẫu trước đây).

Mở là cần thiết nhưng mở quá thì mung lung, dễ mất phương hướng, vấn đề đáng suy nghĩ ở đây là mở về phía nào, mở để làm gì. Để giải quyết đề này, thí sinh cần luận bàn xem trong thời đại ngày nay con người phải đối mặt với những áp lực gì, áp lực như thế nào trong đời sống tinh thần.

Từ đó, văn học có khả năng không, có đến mức nào và thể hiện ra sao trong việc giúp con người hóa giải những áp lực đó. Cần kết nối chặt chẽ, hợp lí giữa hai phía này mà tránh sa vào bàn luận, phân tích chức năng, sức mạnh của văn chương một cách chung chung, bài bản như lý luận văn học thường dạy.

Đề như thế không sai nhưng không hề mới, không thể nói rằng hay. Thật ra được hay thì “lí tưởng” rồi nhưng bộc lộ mấy điểm không ổn:

 Thứ nhất: Là câu nghị luận văn học nhưng vẫn nặng về nghị luận xã hội (nêu, bàn về những áp lực trong đời sống tinh thần đối với con người trong thời đại ngày nay – yêu cầu hiển nhiên không thể thiếu).

Thật ra, nói cho đúng các áp lực trong đời sống tinh thần đối với con người hiện nay là vấn đề không hề đơn giản. Tôi cứ băn khoăn với chữ “áp lực”.

Chuyện con người thời nay cần đua tranh trong nghề nghiệp, trong làm ăn kinh tế, con người chạy theo nhu cầu hưởng thụ tạo ra tình trạng gì trong đời sống tinh thần chứ có phải là “áp lực”?

 Chuyện quá nhiều phương tiện, phương thức giải trí, chuyện thừa thãi công nghệ thông tin có hẳn là áp lực trong đời sống tinh thần? Hay chuyện chúng ta cảnh báo con người trong tình trạng sống gấp, không có thời gian thưởng thức nghệ thuật, không tiếp xúc với văn chương khiến tâm hồn nghèo nàn, cảm xúc khô cằn có thật đúng là “áp lực trong đời sống tinh thần” như đề thi nêu không.

Áp lực phải là những đè nén, những thúc ép. Mà đây là “trong đời sống tinh thần”. Nghe phương phưởng thì có vẻ được song nghĩ cho chặt chẽ thì chưa hẳn đúng. Nếu có thì cũng ít thôi chứ không “nhiều” như đề viết.

Mặt khác, cũng phải thấy rằng không hẳn người nào cũng phải đối mặt với áp lực tinh thần và tùy theo nghề nghiệp, lứa tuổi, học vấn…mà đời sống tinh thần con người ta cũng khác nhau.

      Thứ hai : Nặng về nghị luận xã hội thì dĩ nhiên giảm trọng tâm nghị luận văn học và nội dung nghị luận này là một vấn đề lý luận văn học khá “cổ điển”, chung chung khiến người làm bài ít có điều kiện đi vào đặc trưng, bản chất thẩm mĩ của văn chương.

Không hẳn khi con người phải đối mặt với những áp lực trong đời sống tinh thần thì cần văn học “giúp” và cũng không hẳn văn học phát huy rõ nhất, đầy đủ nhất khả năng, sức mạnh của mình khi con người đang chịu những áp lực trong đời sống tinh thần.

Văn học tự nhiên đến với con người những lúc khác và tác động bằng con đường riêng của nó. “Hóa giải” là cởi bỏ, là làm tan biến đi, làm mất đi.

Vậy văn học hóa giải áp lực gì ở con người ? Chữ này không hợp với chức năng chủ yếu của văn học (có lẽ chỉ gần nhiều với chức năng giải trí trong văn cảnh dùng từ “áp lực” trước đó).

Chức năng cao quí của văn chương là khơi gợi, là bồi đắp qua những rung động thẩm mĩ.

 Bây giờ đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, Vội vàng của Xuân Diệu, các truyện ngắn của Nam Cao, đọc Vợ nhặt của Kim Lân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu… ta được “hóa giải” áp lực gì trong đời sống tinh thần?

 Mấy chữ “áp lực”, “hóa giải” dùng cho có vẻ ấn tượng song không đúng nhiều với thực tế tiếp nhận văn chương. Không khéo lại là sự lắp ghép khiên cưỡng, lại dụ dẫn học sinh  vào lối ca tụng, bình tán chung chung vô thưởng vô phạt.

Điều đáng nói là đề ra như thế ít tạo điều kiện để thí sinh bộc lộ năng lực phân tích, cảm thụ văn chương. Xin lưu ý rằng đây là đề thi học sinh giỏi. Vậy thế nào là một học sinh giỏi Văn?

 Sự kết hợp nhuần nhị giữa tư duy logich, luận lý với tư duy hình tượng, cảm tính, sự hiểu biết sâu sắc các vấn đế cơ bản, phổ thông của lý luận văn học, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu cùng tâm hồn nhạy cảm, năng lực cảm thụ thẩm mĩ, đó phải là các thước đo cơ bản. Đề thi này khó đánh giá chính xác thí sinh về những yêu cầu ấy, nhất là yêu cầu ở vế sau.

     Văn chương trước hết phải được là văn chương. Đừng biến giờ dạy văn thành giờ dạy đạo đức, bài làm văn thành bài giáo dục công dân, bàn luận sa đà về thế cuộc.

Những việc đó thật cần nhưng phải được thực hiện “ngầm’, phải được làm một cách kín đáo, tự nhiên. Cũng nhắm tới xây dựng, giáo dục con người song văn chương có con đường riêng, cách thức riêng và thế mạnh riêng của nó.

Thi thế nào thì dễ học thế ấy, rồi dần dần tạo nên kiểu tư duy ấy, con người ấy. Vì thế, nội dung đề thi cần được định hướng đúng, định hướng rõ và điều này không mâu thuẫn với tính chất mở như chúng ta mong muốn.

                                                                       Ngày đầu năm 2020       PGS.TS Lê Quang Hưng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm