Đưa con về quê nghỉ hè để "cai nghiện" điện thoại nhưng tác dụng ngược
(Dân trí) - Cho con về quê nghỉ hè với hy vọng con giảm bớt được thời gian sử dụng công nghệ, gần gũi với thiên nhiên. Thế nhưng, ở với ông bà, con càng nghiện điện thoại hơn khiến phụ huynh đau đầu.
"Phá sản" kế hoạch đưa con về quê nghỉ hè để hạn chế dùng thiết bị công nghệ
Năm ngoái, vì không muốn một mùa hè của con trôi đi chỉ quanh quẩn với việc dán mắt vào điện thoại, máy tính nên gia đình chị Nguyễn Thị Mai Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gửi cả hai con về quê ngoại ở miền Trung.
Chị Mai Anh vốn hy vọng, với không gian thoáng đãng ở quê, con có thể thoải mái nô đùa, gần gũi với thiên nhiên và tận hưởng mùa hè đúng nghĩa. Mặt khác, sẽ giúp con giảm bớt được thời gian sử dụng công nghệ.
Thế nhưng, mong ước con có nhiều thời gian vận động ở quê trong dịp hè của bà mẹ đơn thân không thành hiện thực. Hai con trai của chị Mai Anh đều đang ở tuổi ăn tuổi chơi, nghịch ngợm, vòi vĩnh ông bà đủ kiểu. Ông bà chiều cháu nên muốn gì có nấy.
Ông bà ngoại không giao cho trẻ làm bất cứ việc gì, cơm bưng nước rót tận nơi. Quen được cưng chiều, mọi nơi mọi lúc cả hai con trai của chị Mai Anh phần lớn thời gian đều nằm lì trong phòng, dán mắt vào chiếc điện thoại, máy tính bảng.
"Con tôi thích thú ra mặt khi được về quê với ông bà bởi được thỏa chí xem điện thoại. Trong khi đó, lúc ở nhà với mẹ, cả ngày các con chỉ được xem tivi tối đa là 2 tiếng", chị Mai Anh nói.
Sau một tuần ở quê cùng con, chị Mai Anh không khỏi lo lắng, với sự chiều chuộng quá mức của ông bà. Chị sợ hai cậu con trai sẽ quen thói hư, đánh mất ý thức kỷ luật mà chị đã rèn giũa từ lâu.
Không thống nhất được ý kiến với bố mẹ đẻ về vấn đề giáo dục, chị Mai Anh ngay lập tức tìm lớp học thêm cho các con để có cớ đưa các con lên Hà Nội đi học.
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, hè năm nay bà mẹ đơn thân không dám đưa các con về quê vì sợ lịch sử cũ lặp lại thì các con sẽ càng trở nên khó bảo hơn.
"Giờ mỗi lần nghĩ đến về quê cho con chơi là tôi lại ngại nhưng vẫn phải cho con về vì cần cho các bé thăm quê thăm ông bà", chị Mai Anh chia sẻ.
Vì vậy, ngay khi kết thúc năm học chị Mai Anh ngay lập tức tìm các trung tâm dạy năng khiếu, dạy văn hóa cho các con "nhập cuộc hè".
Đẩy con đến lớp học thêm
Để con ở nhà một mình thì xót, thuê người trông trẻ thì tốn kém, trẻ con về quê dễ hư, vợ chồng chị Thu Hoài (Ba Đình, Hà Nội) thống nhất ý kiến sẽ bằng mọi cách tìm các lớp học thêm phù hợp cho cậu con trai 9 tuổi.
Với quan điểm "học gì cũng được miễn sao bọn trẻ được quản lý trong vài tiếng buổi sáng và vài tiếng buổi chiều", chị Thu Hoài (Ba Đình, Hà Nội) đã lên một lịch trình kín mít cho những ngày nghỉ hè của con.
Đều đặn mỗi tuần, Nam - con chị Hoài sẽ học 2 buổi toán, 3 buổi tiếng Anh, ngoài ra còn 2 buổi học đàn, 2 buổi học vẽ ở trung tâm. Thời gian rảnh còn lại Nam sẽ được mẹ dắt đi bơi, đạp xe. Đối với chị Hoài thì đó là thời khóa biểu lý tưởng để con vừa nâng cao kiến thức vừa nâng cao sức khỏe trong dịp hè.
Để giúp cho con không "bỏ rơi" kiến thức và chểnh mảng với việc học trong suốt một thời gian dài không phải đến trường. Việc nhồi nhét con ở những lớp học thêm, những lớp học năng khiếu hè trở thành lựa chọn của nhiều phụ huynh dù tốn không ít chi phí.
Theo như chị Hoài tiết lộ tiền học của con cũng lên tới hơn 20 triệu đồng cho 3 tháng hè. Cụ thể lớp tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài là 2,7 triệu đồng/tháng, lớp học đàn piano là 4,8 triệu đồng/24 buổi, lớp học vẽ cơ bản 3,6 triệu/24 buổi, và lớp toán là 1,2 triệu đồng/tháng.
"Nếu cho con nghỉ hè không đụng sách vở để xa rời áp lực thì khi nghỉ hè xong đi học lại vậy liệu con có chịu nổi áp lực không khi không thể theo kịp các bạn.
Nếu con ở nhà một mình cháu sẽ lại vùi đầu vào xem tivi, chơi điện tử vừa hại mắt lại không tốt cho sức khỏe. Cho con đi học ngoài việc củng cố kiến thức, lại có thể quản lý được cháu nên dù kinh tế có nặng gánh hơn, tôi cho rằng nó xứng đáng", chị Hoài tâm sự.