Những đứa trẻ kẹt ở quê do đại dịch: "Con xin mẹ, hãy đưa con về!"
(Dân trí) - "Mẹ ơi, con không muốn ở đây! Mọi người không thích con, mọi người ghét con. Ở đây con cứ bị phán xét, xin mẹ hãy đưa con về!".
Chị Lê Ngọc Huyền, ở Bình Tân, TPHCM lặng người trước những dòng tin nhắn "cầu cứu" của cậu con trai học lớp 4. Con chị là một trong khoảng 100.000 học sinh TPHCM đang kẹt ở các tỉnh thành khi về quê nghỉ hè hoặc được cha mẹ gửi về quê tránh dịch Covid-19.
"Ở đây, con bị phán xét!"
Chị Lê Ngọc Huyền rất khó khăn, cân nhắc từng từ để nhắn lại cho con: Mẹ biết, con đang rất tủi thân! Mẹ cũng không thích ai phán xét mình. Ông bà, cô chú đều lo cho con, muốn tốt cho con...
Bên kia, cháu vẫn tha thiết: "Con xin mẹ hãy đưa con về. Con muốn được mẹ ôm con. Hết cách ly mẹ xuống đón con liền nha mẹ".
Mấy tháng qua, chị Huyền nhấp nhổm, ăn ngủ không yên với những bất ổn của con trai đang ở quê nội, cách TPHCM gần 200 cây số. Chị cũng không lường được, con bị "kẹt" đến tận bây giờ, cứ nghĩ cùng lắm chỉ vài tuần.
Khi học sinh tại TPHCM nghỉ tránh dịch, phụ huynh vẫn phải đi làm, chị gửi hai anh em, một bé 9 tuổi, một 6 tuổi về với ông bà nội từ tháng 5.
Con nhỏ dễ bảo, nghe lời nên chị khá yên tâm nhưng cháu lớn cá tính, hiếu động nên gặp rất nhiều khó khăn. Ông bà, cô chú ở quê hay chê bai, trách móc, la mắng... cháu thế này, thế kia.
Bà nội còn gọi điện cho vợ chồng chị, nói nhiều điều nặng nề về con. Chị cũng trao đổi với ông bà những khó khăn của cháu nhưng đều bị gạt đi, chỉ được nghe "mẹ không biết dạy con".
Cháu rơi vào tình trạng căng thẳng, bế tắc. Ngày nào cháu cũng nhắn tin, gọi điện khóc: "Xin mẹ hãy đưa con về!". Với tâm trạng lo lắng, bất an của con lúc này, mọi lời động viên, an ủi, hướng dẫn của chị không có mấy hiệu quả.
Chị muốn đón con về ngay nhưng điều kiện hiện tại, chưa thể đi lại. Con bị căng thẳng, còn mẹ sống trong nỗi lo âu, thấp thỏm.
"Không có bố mẹ hỗ trợ, việc học online cũng rất khó khăn nhưng tôi lo nhất là tác động tâm lý đến con. Tôi đang làm thủ tục để có thể đón con về, mong được giải quyết sớm", người mẹ nóng lòng.
Sau hai tuần về quê, trẻ phải đi điều trị tâm lý
Nhắc lại việc gửi con về quê hồi giữa tháng 5, chị Nguyễn Minh An cũng vẫn chưa hết day dứt.
Cũng tình cảnh con nghỉ học, bố mẹ đi làm, chị gửi con gái 6 tuổi theo người chị họ đang là sinh viên về quê ngoại ở Phú Yên. Chị đinh ninh, lúc này cháu ở quê vừa được việc của bố mẹ, lại yên tâm nhất.
Nhưng mọi thứ không như chị tưởng, nỗi lo lắng bất an bắt đầu xuất hiện...
Những ngày đầu con nhớ bố mẹ mẹ, gọi điện khóc và tiếp đó có nhiều biểu hiện bất ổn. Cháu khó chịu, gắt gỏng, la hét, bỏ ăn, quấy... Ở quê, mọi người cũng không biết phải làm sao, không chịu nổi tính khí của con. Mọi người trách cháu hư, hỗn nên con càng khủng hoảng.
Ông bà lâu nay rất cưng cháu nhưng thật ra mỗi năm chỉ gặp vài lần khi họ vào thăm hoặc tết nhất. Còn lúc này, lần đầu con xa bố mẹ dài ngày, lại không có sự chuẩn bị trước, ông bà chăm sóc cũng rối bời, có khi thấy cháu quấy, bỏ ăn lại càng mắng, càng dọa.
Được hai tuần, nhiều lần chị gọi điện, nghe cháu nói rất nhiều lời tiêu cực như: Con ghét mẹ, con không muốn sống trên cuộc đời này nữa... Chị biết tình hình không ổn chút nào.
Khi đó vẫn còn đi lại được, chị lập tức đặt vé về quê đón con trở lại thành phố. Trở về, tâm lý cháu rất bất ổn, như biến thành một người khác.
"Tôi đưa con đi điều trị tâm lý gần 4 tháng nay. Tình trạng cháu hiện đã đỡ hơn nhưng vẫn cực kỳ khó khăn sau cú sốc. Tôi rất day dứt vì đã vô tình đẩy con vào tình thế mà mình không lường hết được tác động", người mẹ trải lòng.
Sau sự việc, chị An rút ra thêm cho mình được bài học, bất kể những gì liên quan đến trẻ, phải thật sự cẩn trọng, kể cả việc nhiều người cho là bình thường như gửi trẻ cho ông bà, người thân trong thời gian ngắn.
Không chỉ là đột ngột thay đổi môi trường mà các cháu có tư duy, suy nghĩ khác với thế hệ trước. Khi về quê, ông bà, người lớn có thể thấy các con không "vừa mắt", lại la mắng, phát xét... rất dễ tác động tiêu cực đến trẻ.
Có những tổn thương của trẻ, bản thân các phụ huynh không thể đo lường được bằng mắt, hay các con số, chỉ số như cân nặng, chiều cao mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, nỗi lòng của người mẹ, người chăm sóc...
Gửi con về quê, cẩn trọng sang chấn tâm lý
Trong buổi trao đổi mới đây về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến trẻ nhỏ, TS Phạm Phương Thảo - Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, BV Lê Văn Thịnh cảnh báo, ảnh hưởng từ dịch khiến nhiều trẻ mồ côi, ngoài ra có trẻ rơi vào tình trạng bị chia tách khi bố mẹ gửi về quê.
Những tác động này làm trẻ dễ bị suy sụp, có thể dẫn đến những sang chấn, hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Trẻ có thể bị rối loạn lo âu trong tương lai, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống về lâu dài.
TS Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ phải cả trong và sau đại dịch. Chuẩn bị khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần, các cơ chế ứng phó với khủng hoảng, cần có mạng lưới hợp tác của nhiều người như y khoa, tâm lý, giáo viên, gia đình...
TPHCM hướng dẫn đón trẻ trở về
Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Giao thông vận tải TPHCM, từ ngày 1/10, người dân có thể đăng ký đón con từ các tỉnh về lại thành phố.
Để đăng ký, người dân làm đơn đề nghị (mẫu đơn TẠI ĐÂY ) kèm theo bản chụp giấy tờ tùy thân và giấy tờ liên quan; giấy tờ chứng minh, sau đó gửi đến sở qua hộp thư điện tử: sgtvt@tphcm.gov.vn.
Trong đơn trình bày lý do, kế hoạch đi lại (hoàn cảnh, thời gian, phương tiện, số lượng người theo danh sách chi tiết...).
Sở sẽ xem xét giải quyết và thông báo kết quả qua email trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được đơn.