Đưa chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 vào SGK: Bộ Giáo dục cần triển khai nhanh hơn!

(Dân trí) - GS.TS Vũ Minh Giang: “Bộ Giáo dục cần triển khai nhanh hơn, kịp thời hơn, sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 vào sách giáo khoa để tôn trọng lịch sử, hướng tới giáo dục truyền thống và hướng tới tương lai tốt đẹp”.

Trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng nhưng còn thiếu vắng trong sách giáo khoa hiện hành, trong đó có cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 vào sách giáo khoa, trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Vũ Minh Giang – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Chúng ta phải nhìn cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 trong toàn bộ tiến trình lịch sử VN. Nói gì thì nói khi đạo quân nước ngoài tiến vào lãnh thổ của ta rồi làm tổn thất đến con người, đến tài sản, cơ sở vật chất nước ta thì đó là cuộc chiến tranh xâm lược.

Theo đó cần phải được coi nó như là 1 sự kiện lịch sử mà chúng ta không thể bỏ qua. Bởi lịch sử là khách quan, là cái chúng ta không nhắc nó vẫn tồn tại. Với ý nghĩa ấy, trong một thời gian khá dài, chúng ta vì lý do nhạy cảm, tế nhị đã không nhắc tới hoặc nhắc không đủ chỉ ở mức độ cần thiết về sự kiện lịch sử này”.

Đưa chiến tranh biên giới phía Bắc  1979 vào SGK: Bộ Giáo dục cần triển khai nhanh hơn! - 1

Ảnh: Mạnh Thường/Theo VNN

Theo GS, ngày nay chúng ta nhìn nhận sự kiện lịch sử nhạy cảm này như thế nào để đưa vào sách giáo khoa?

Chúng ta cần phải nói thêm rằng, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc có những tính chất nhạy cảm, nên không thể nhìn nhận nó một cách thông thường được.

Nhạy cảm muốn hay không muốn Việt Nam và Trung Quốc đã có mối quan hệ lịch sử hữu nghị, có sự tương trợ giúp đỡ nhau và đặc biệt Trung Quốc là nước láng giềng lớn.

Chúng ta cần xây dựng mối quan hệ hòa hiếu giữa nhân dân 2 nước, vì vậy những sự kiện lịch sử chúng ta cần đề cập tới thế nào đó để đảm bảo được yêu cầu: Tôn trọng sự thật khách quan, đúng bản chất. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lường trước nhiều vấn đề.

Hình ảnh quan hệ giữa 2 nước có những khúc quanh, có những sự kiện tạo ra vết hằn hay hố ngăn cách, đó thường là những cuộc chiến tranh. Giải quyết nó bằng cách lấp nó đi thì người ta cho rằng che dấu lịch sử là không đúng, đem khoét rộng nó ra để kích động là xuyên tạc lịch sử cũng không đúng mà hãy để cho nó đúng với những gì nó có nhưng vượt qua nó bằng cách bắc cầu qua hố ngăn cách.

Chúng ta làm như vậy để cho thế hệ trẻ hiểu rằng mình không bưng bít họ, thế hệ trẻ hiểu theo cách luôn luôn có hận thù mà phải hướng tới tương lai, giáo dục đấy là bài học xót xa, đấy là những bài học xương máu để chúng ta không lặp lại nữa.

Với ý nghĩa đó, tôi cho rằng, cần đặt đúng vị trí sự kiện cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 theo nghĩa: Tôn trọng sự thật lịch sử khách quan nhưng đáp ứng yêu cầu hướng tới tương lai. Làm sao tránh những điều đáng tiếc ấy trong tương lai.

Việc đưa sự kiện lịch sử quan trọng này vào sách giáo khoa có quá muộn không, thưa GS?

Bộ GD-ĐT phát ra tín hiệu trong quá trình biên soạn sách giáo khoa tới đây không chỉ đưa chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 mà cả sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa vào sách. Với tư cách là công dân tôi bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này.

Tôi biết chủ trương này không mới mà đó là nguyện vọng thiết tha của mọi tầng lớp nhân dân. Cách đây 2 năm, Thủ tướng đã chỉ đạo làm việc này và bây giờ đưa vào sách giáo khoa là quá muộn.

Tôi nghĩ, Bộ Giáo dục cần triển khai nhanh hơn, kịp thời hơn sự kiện này vào sách giáo khoa để tôn trọng lịch sử, hướng tới giáo dục truyền thống và hướng tới tương lai tốt đẹp.

Vậy theo giáo sư, Bộ GD-ĐT cần đưa nội dung sự kiện này vào sách như thế nào?

Tôi mong muốn, Bộ GD-ĐT nên có sự kết hợp chặt chẽ với chuyên gia lịch sử , Hội Khoa học lịch sử VN để xây dựng phương thức nội dung đưa vào sách giáo khoa cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu chúng ta mong muốn.

Lịch sử là đơn tuyến có tính lịch đãi từ cổ chí kim, nhưng nhận thức lịch sử có nhiều vòng. Xưa nay ta vẫn dạy theo hướng cắt các giai đoạn lịch sử ra. Sự kiện càng xa xưa thì dạy ở cấp thấp, lịch sử hôm nay gần thì dạy ở cấp cuối, trình độ cao. Tôi thấy chưa khoa học lắm. Ở các nước khác họ dạy theo cách đồng tâm là dạy hết lịch sử từ thời cổ cho tới bây giờ ở cấp thấp. Càng lên cấp cao thì dạy ở trình độ cao hơn.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Người viết sách phải làm thế nào để tường thuật khách quan sự kiện!

Trước đó, từng trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đỗ Thanh Bình trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Cuộc chiến bảo vệ biên giới đến nay đã đủ chín muồi để đưa vào SGK dạy cho học trò biết. Việc đưa vấn đề này vào sách là rất bình thường vì đó là sự thật lịch sử.

Người Trung Quốc có những chuyện không thật mà họ vẫn đưa vào SGK như vấn đề biển Đông, họ đưa vào bản đồ, vào quả địa cầu cho học sinh học. Huống gì đây là sự thật mà ta lại không đưa vào SGK. Ta không dựng nên chuyện, đó là sự thật.

Ta không thể quên sự kiện này được. Vậy tại sao ta không đưa cụ thể sự kiện này vào SGK để mọi người hiểu rõ hơn cuộc chiến tranh đó, giống như trước đây ta đã đưa thời phong kiến phương bắc vào sách để giáo dục cho thế hệ trẻ nếu không họ sẽ quên mất chúng ta chỉ có đánh Pháp, đánh Mỹ mà vấn đề bảo vệ biên giới, bảo vệ tổ quốc nhất là thời điểm hiện nay vấn đề biển đảo đang nhạy cảm, do vậy, cần phải đưa vào.

Tôi thấy sách giáo khoa lịch sử chúng ta hiện nay viết khiêm tốn về vấn đề này chỉ nêu sự kiện chính nhưng chưa mô tả mức độ tàn phá của chiến tranh đó. Vậy nên cần phải nêu rõ cuộc chiến đã tàn phá đất nước ta như thế nào? Hậu quả thế nào? Tại sao họ lại đưa quân sang đánh nước ta? Nhân dân ta dũng cảm chiến đấu thế nào? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và trả lời tại sao để học sinh hiểu bản chất của vấn đề. Người viết sách phải làm thế nào để tường thuật khách quan sự kiện và hấp dẫn người học.

Khi đưa vào SGK, chúng ta đưa từng mức độ khác nhau ở mỗi bậc học. Lớp 9 thì nội dung cấp độ này, lớp 12 thì cấp độ cao hơn, đưa kỹ hơn, sâu sắc hơn.

Hồng Hạnh (thực hiện)

Dòng sự kiện: Biên giới 1979

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm