Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: Những cái "vênh" so với thời đại

Kỳ họp Quốc hội tới đây, Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được thông qua để thay cho Luật Giáo dục ban hành năm 1998. Tuy nhiên, cách phân chia hệ thống giáo dục quốc dân như đề xuất của ban soạn thảo còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa theo kịp đòi hỏi của xã hội về một nền giáo dục hiện đại trong thời kỳ hội nhập.

Khó liên thông!

 

Đối với phần lớn quốc gia trên thế giới, hệ thống giáo dục quốc dân được phân chia các bậc trình độ: mầm non, tiểu học, trung học và đại học. Cách phân chia theo bậc, cấp giáo dục có một ưu việt rõ ràng là qua đó có thể biết được trình độ học vấn của người học; thuận lợi cho việc nâng cao trình độ cũng như cho việc học suốt đời của họ, thuận lợi cho việc đào tạo lại để họ chuyển đổi nghề nghiệp cũng như việc công nhận tương đương văn bằng giữa các quốc gia. Đây cũng là phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục ISCEED 1997 mà UNESCO đã khuyến cáo.

 

Mới đây nhất, vào tháng 1/2005, Thủ tướng đã quy định danh mục giáo dục đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân cũng dựa theo tiêu chí này. Tuy nhiên dự thảo luật giáo dục lại phân chia hệ thống giáo dục thành các lĩnh vực, sau đó mỗi lĩnh vực mới chia ra thành các trình độ. Ví dụ hệ thống giáo dục được chia thành 4 lĩnh vực bao gồm: giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục đại học. Trong đó giáo dục nghề nghiệp được chia thành trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Dạy nghề lại có 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Như vậy các trình độ này chỉ khép kín trong một lĩnh vực giáo dục, rất khó xác định tương đương về trình độ giữa hai văn bằng thuộc hai lĩnh vực khác nhau nên không thể liên thông được.

 

Thực tế đã chứng minh, trong thời gian qua, các bằng thuộc hệ thống nghề của một số chương trình đào tạo có giá trị quốc tế nhưng lại không được công nhận tương đương văn bằng ở Việt Nam (báo Thanh Niên đã từng phản ảnh) cũng do trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam chưa có cơ chế liên thông giữa hệ thống nghề và hệ thống trình độ.

 

Đào tạo nghề không có trình độ đại học?

 

Luật Giáo dục năm 1998 trong hệ thống giáo dục quốc dân đã xóa đi trình độ trung học

Hệ thống giáo dục quốc dân cần phân chia theo các tiêu chí: phương thức, bậc trình độ và lĩnh vực, trong đó phải lấy tiêu chí bậc trình độ là chính. Về phương thức: có giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Về bậc trình độ có mầm non, tiểu học, trung học và đại học. Về lĩnh vực có Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông (bao gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông); Giáo dục nghề nghiệp (bao gồm trung học chuyên nghiệp, trung học nghề, cao đẳng nghề, đại học công nghệ và dạy nghề ngắn hạn); Giáo dục đại học (bao gồm cao đẳng, đại học, sau đại học). Nhà nước chỉ cần quản lý theo bậc trình độ, không quản lý theo phương thức  hoặc theo lĩnh vực để bảo đảm cơ chế liên thông và sự tương đương về trình độ giữa cơ sở giáo dục và giữa các hệ thống giáo dục. (Theo khuyến cáo của UNESCO về phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục ISCED 1997)

 nghề và chỉ đưa ra khái niệm đào tạo nghề không hề gắn với một bậc giáo dục nào cả, nên đã gây khó khăn về mặt pháp lý cho việc học tiếp lên cho những ai được đào tạo ở hệ này, cũng như khó khăn cho việc công nhận tương đương văn bằng giữa các hệ thống giáo dục. Tại dự thảo luật sửa đổi lần này đã gắn 3 trình độ vào lĩnh vực dạy nghề bao gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Tuy nhiên việc phân chia như vậy chưa đủ, bởi trên thực tế việc đào tạo nghề còn có cả trình độ đại học.

 

Có một xu hướng rõ ràng ở phần lớn các nước là việc xóa đi quan điểm gắn giáo dục đại học với thuộc tính hàn lâm. Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, giáo dục kỹ thuật và nghề đang xâm nhập vào bậc giáo dục đại học mà không chỉ dừng ở bậc giáo dục trung học hoặc thấp hơn như trước đây. Do vậy trong giáo dục đại học ở nhiều nước đã hình thành nên hai hướng rõ nét: hướng hàn lâm thiên về lý thuyết và hướng công nghệ hoặc khoa học ứng dụng thiên về ứng dụng, thực hành, nhấn mạnh các kiến thức và kỹ năng hoạt động nghề nghiệp. Như vậy trong lĩnh vực dạy nghề không chỉ có 3 trình độ: dạy nghề ngắn hạn, trung học nghề, cao đẳng nghề mà còn phải có cả đại học công nghệ. Tuy nhiên dự thảo luật giáo dục sửa đổi chỉ có 3 trình độ trong lĩnh vực đào tạo nghề như đã nêu trên.

 

Thiết nghĩ, nền giáo dục của Việt Nam đã bị tụt hậu khá xa so với các nước nên việc sửa đổi luật giáo dục lần này, đặc biệt là đối với hệ thống giáo dục quốc dân cần được nhìn xa trông rộng để tìm hướng khắc phục những bất cập của luật giáo dục hiện hành.

Theo Vũ Thơ

Thanh Niên