Du học sinh Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ vì mang theo... áo chống đạn
(Dân trí) - Trường hợp một nam du học sinh Trung Quốc mang áo chống đạn bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ mới đây đã gây ra phản ứng trái chiều trên mạng xã hội trong bối cảnh Mỹ ghi nhận sự gia tăng của các vụ xả súng hàng loạt nhắm vào các trường học.
Theo Independent, trong lúc kiểm tra hành lý tại sân bay Detroit Metro (Michigan, Mỹ) ngày 27/8 vừa qua, một nam sinh Trung Quốc thông báo với lực lượng an ninh rằng trong vali hành lý của mình có áo giáp chống đạn. Ngay lập tức, lực lượng an ninh đưa nam sinh vào phòng an ninh và kiểm tra chi tiết về gói hành lý.
Sinh viên người Trung Quốc nói với lực lượng an ninh rằng, chiếc áo chống đạn này để sử dụng cho cá nhân mình và cậu không hề có ý định xấu nào.
Dù Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ cho phép nhập khẩu các loại áo chống đạn cá nhân dạng nhẹ, lực lượng chức năng đã hủy visa và yêu cầu nam sinh quay về Trung Quốc. Lý do từ chối nhập cảnh vẫn chưa được công bố.
Hiện chưa rõ liệu áo chống đạn có phải là yếu tố duy nhất khiến các quan chức từ chối nhập cảnh vào nam sinh Trung Quốc, người được cho là có giấy phép sử dụng súng ở Michigan. Nhưng vụ việc đã bị chỉ trích bởi những người dùng mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc.
Trang China Daily đưa tin cho hay, tình trạng bạo lực bằng súng đạn ở Mỹ đã khiến một số công dân Trung Quốc sống, học tập và làm việc ở nước này cân nhắc các phương pháp tự bảo vệ bản thân.
“ Người Mỹ có súng, nhưng chúng tôi không có áo giáp. Làm thế nào để chúng ta bảo vệ được mình?”,
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cũng từng ra thông cáo cảnh báo người dân về tình hình bạo lực liên quan súng tại Mỹ.
Vụ việc xảy ra sau cái chết của một sinh viên người Trung Quốc 19 tuổi theo chương trình trao đổi học tập tại Mỹ đã bị bắn và giết ở gần Đại học bang Arizona vào năm 2016.
Theo đó, cơ quan này khuyến cáo khách du lịch và du học sinh Trung Quốc cần cập nhật thông tin về an ninh công cộng, luật pháp và quy định về an ninh, nâng cao hiểu biết về các biện pháp an toàn cho bản thân khi đến Mỹ.
Lệ Thu