TPHCM:

Hàng ngàn học sinh bỏ suất vào lớp 10 công lập, bỏ cả trường top đầu

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Nhiều thí sinh từ chối cơ hội vào lớp 10 công lập để đi du học, theo học trường ngoài công lập hoặc chuyển hướng sang giáo dục thường xuyên.

Hàng ngàn học sinh bỏ suất vào lớp 10 công lập, bỏ cả trường top đầu - 1

Giáo viên Trường THPT Linh Trung (TPHCM) tư vấn môn học lựa chọn lớp 10 cho học sinh, phụ huynh (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thí sinh chủ động bỏ cơ hội vào học 

Cạnh tranh khốc liệt để dành một suất vào lớp 10 nhưng tới khi trúng tuyển, nhiều thí sinh lại không đến nhập học. Đó là thực trạng tại một số trường THPT công lập trên địa bàn TPHCM.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TPHCM, từ ngày 11/7 đến 17h ngày 1/8, học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập sẽ nộp hồ sơ nhập học tại các trường THPT. Sau thời gian này, thí sinh không nhập học sẽ bị xóa tên khỏi danh sách.

Qua gần nửa tháng nhận hồ sơ, tổng kết tuần qua, Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh) mới chỉ đạt trên 50% trong tổng số học sinh trúng tuyển đến hoàn tất thủ tục.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (TP Thủ Đức) được khoảng hơn 60% hồ sơ.

Tình trạng này cũng thường xuyên diễn ra hàng năm ở các trường vùng ven như: THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8), THPT Đa Phước (huyện Bình Chánh), THPT Năng khiếu Thể dục thể thao huyện Bình Chánh, THPT Long Trường (TP Thủ Đức)… 

Dù còn vài ngày để nhận hồ sơ nhưng các trường không hy vọng nhiều bởi thực tế này đã tồn tại nhiều năm qua mà chưa có nhiều giải pháp khả thi. 

Không tuyển đủ chỉ tiêu là một chuyện nhưng sau một học kỳ hoặc một năm học, nhiều em lại xin chuyển trường đi khiến cho các trường này khó khăn trong dạy và học.

Nguyên nhân bởi tâm lý của phụ huynh, học sinh khi đăng ký nguyện vọng ở các trường top dưới, trường xa chỉ để "chắc suất" vào công lập mà không phải mong muốn thực tế.

Khi trúng tuyển, lại thấy nhà quá xa hay có phương án khác yêu thích hơn nên chủ động từ bỏ cơ hội vào học. 

Trường trung tâm cũng "đợi" hồ sơ 

Việc tuyển thiếu chỉ tiêu không chỉ xảy ra tại các trường top dưới, vùng ven mà ngay cả trường trung tâm, trường nổi tiếng, điểm chuẩn cao vẫn "rớt" thí sinh.

Hàng ngàn học sinh bỏ suất vào lớp 10 công lập, bỏ cả trường top đầu - 2

Thí sinh bật khóc ngay trước giờ vào phòng thi môn đầu tiên của kỳ thi lớp 10 năm học 2023-2024 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Lãnh đạo một trường THPT trong top 15 cho hay trường này còn khoảng 5% thí sinh chưa đến làm thủ tục. Nhiều năm qua, dù chất lượng giáo dục xếp thứ hạng cao của thành phố nhưng khó đạt 100% học sinh theo học.

Vị này nhận định diện này là một số học sinh đi du học hoặc bậc THCS học ở các trường dân lập, trường quốc tế, nên dù trúng tuyển nhưng tiếp tục theo học bậc THPT ở trường cũ.

Trường nằm ở vị trí trung tâm nhưng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) vẫn đợi 18 thí sinh.

ThS Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường đã hoàn tất thủ tục cho 693/711 học sinh đến nhập học, đây là tỷ lệ cao so với những năm gần đây. 

Theo ông Đảo, một số học sinh có năng lực tốt nhưng đặt nguyện vọng không phù hợp dẫn đến trượt cả 3 nguyện vọng công lập, buộc tìm phương án khác. Đa phần, các em sẽ theo học trường dân lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng nghề, ít em có xu hướng nghỉ học luôn.

"Với những trường hợp điểm cao nhưng trượt cả 3 nguyện vọng công lập sẽ rất đáng tiếc. Trong khi nhiều trường THPT lại thiếu chỉ tiêu dẫn đến khó khăn trong công tác dạy và học, thiếu nguồn lực để phát triển nhà trường", ông Đảo nói.

Từ đó, ông Đảo đề xuất cần có những tính toán phù hợp cho thực trạng trên, trong đó, bàn luận tới việc hạ điểm chuẩn hoặc tuyển bổ sung.

"Đây là bài toán nghe có vẻ đơn giản nhưng cần phân tích, tính toán kỹ lưỡng. Việc phân tuyến, phân chỉ tiêu đã được tính toán kỹ để đảm bảo hài hòa giữa công lập, dân lập và dạy nghề. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần đặt lợi ích người học lên trên hết", ông Đảo bày tỏ.

Vị hiệu trưởng này nghiêng về phương án cho phép các trường THPT công lập còn thiếu chỉ tiêu được tuyển bổ sung thí sinh điểm cao.

Điều này đảm bảo học sinh có nhu cầu được vào công lập, nhà trường được "lợi" khi tuyển được người học có năng lực tốt, có thêm nguồn thu để phát triển dạy và học. Phương án hạ điểm chuẩn có thể gây rắc rối trong hệ thống.

Trong khi đó, một lãnh đạo trường học ở quận Tân Phú bày tỏ rằng các trường ở ngoại thành thiếu chỉ tiêu tỷ lệ nhập học thấp do học sinh đăng ký nguyện vọng chưa đúng.

"Việc hạ điểm hay tuyển bổ sung không phải là giải pháp căn cơ mà cần chú trọng tới phân luồng, định hướng học sinh xác định nguyện vọng khi đăng ký.

Hơn nữa, thành phố cần bố trí thêm các trường THPT để tránh nơi nhiều trường có điểm thấp, nơi ít trường lại điểm cao. Cuối cùng, trường thừa vẫn thừa nhưng học sinh vẫn thiếu chỗ học", vị này cho hay.

TPHCM nhiều năm không hạ điểm chuẩn hay tuyển bổ sung

Điểm chuẩn vào lớp 10 của TPHCM năm nay dao động trong mức từ 10,5 đến 25,5 điểm. Như vậy, khoảng cách giữa mốc cao nhất và thấp nhất lên tới 15 điểm. 

Kết quả tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM năm 2023 đạt 99% chỉ tiêu với số hơn 77.000 chỉ tiêu cần tuyển ở 108 trường THPT công lập. (chưa tính tỷ lệ nhập học).

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, với số chỉ tiêu còn thiếu, thành phố sẽ không tuyển bổ sung, không hạ điểm chuẩn, để đảm bảo thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Không đậu lớp 10 THPT công lập, các em học sinh còn rất nhiều hướng học khác như THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp, cao đẳng nghề với trên 50.000 chỉ tiêu. 

Nhiều phụ huynh thắc mắc khi thiếu trường công lập nhưng thành phố không tuyển bổ sung.

Tại Hà Nội, căn cứ tỷ lệ học sinh nhập học đợt 1, Sở GD&ĐT sẽ hạ điểm chuẩn và cho các trường tuyển bổ sung. Kỷ lục năm 2021 hạ tới 40 trường, có trường top đầu giảm tới 10 điểm. Năm 2023, 29 trường THPT công lập ở Hà Nội thông báo hạ 0,25-4 điểm chuẩn.