Dự báo điểm chuẩn xét tuyển khối A giảm nhẹ, khối B tăng
(Dân trí) - Với mức điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, một số chuyên gia nhận định khả năng điểm chuẩn xét tuyển khối A năm nay không tăng, thậm chí giảm nhẹ. Khối D dự đoán giữ nguyên, riêng khối B có thể tăng.
Điểm chuẩn khối A, A1 giảm
Theo GS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), với mức điểm tốt nghiệp THPT năm nay, dự báo ở một số ngành sẽ có biến động một chút về điểm xét tuyển.
Theo đó, dự báo điểm chuẩn xét tuyển khối khoa học tự nhiên sẽ không tăng. Thậm chí, tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu của các phương thức tuyển sinh khác có thể tăng lên nên điểm xét tuyển dự báo giảm từ 0,5 - 1 điểm.
"Về cơ bản, theo tôi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học năm nay không có sự biến động lớn so với năm ngoái và các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả để tuyển sinh", GS Đức nói.
Ông Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia luyện thi ở Hà Nội cho rằng, căn cứ trên phổ điểm thi ở vùng điểm từ 25 trở lên của năm nay, dự đoán điểm chuẩn khối A sẽ giảm nhiều nhất; khối A1 và C giảm nhẹ; khối D cơ bản giữ nguyên; riêng khối B khả năng tăng nhẹ.
Thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên dạy vật lý ở Hà Nội cho biết, dựa vào đồ thị so sánh phổ điểm khối A00, A01, D01, B00 năm 2023 (đường màu đỏ) so với năm 2022 (đường màu xanh), có thể thấy, phổ điểm Khối A00 giảm, khối A01 giảm nhẹ ở mức điểm trên 25 điểm, khối D01 tăng; khối B00 tăng.
Khối A00: Phổ điểm năm 2023 thấp hơn so với năm 2022. Điểm chuẩn các ngành năm 2022 ở vùng 22-27 có thể giảm 0,25-0,75 điểm.
Khối A01: Nhìn chung phổ điểm năm 2023 tương đương 2022. Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn trên 25 điểm, năm nay có thể giảm nhẹ 0,25-0,5 điểm.
Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn dưới 25 điểm, theo thầy Hà, năm nay có thể tăng nhẹ 0,25-0,5 điểm.
Khối D01: Phổ điểm năm 2023 cao hơn so với năm 2022. Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn trên 26 điểm, năm nay có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ.
Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn dưới 26 điểm, năm nay có thể tăng 0,25-0,75 điểm.
Khối B00: Phổ điểm năm 2023 cao hơn so với năm 2022.
Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn trên 26, năm nay có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ.
Nếu ngành năm 2022 có mức điểm chuẩn dưới 26 điểm, năm nay có thể tăng 0,25-0,75 điểm.
Yếu tố nào khiến điểm chuẩn biến động?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính cho rằng, điểm chuẩn năm nay khả năng sẽ tăng, ít nhất 0,5 điểm.
Thứ nhất, năm nay nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển từ các phương thức riêng để an toàn.
Thứ hai, năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không xét tuyển sớm, đề thi không khó nên khả năng điểm chuẩn theo điểm thi xét tuyển vào các trường đại học ít nhất giữ nguyên hoặc tăng khoảng 0,5 điểm, nhất là khối trường top đầu.
Một vấn đề mà chuyên gia này đưa ra, tỷ lệ ảo với nhóm hồ sơ xét tuyển sớm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định điểm chuẩn của các trường đại học, nhất là các trường từ dưới nhóm top 10.
Một số trường lớn làm lâu năm, dễ xác định được số phần trăm hồ sơ ảo còn những trường top dưới tỷ lệ ảo rất cao.
Theo thầy Đỗ Ngọc Hà, càng ngày các trường càng có nhiều phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức mỗi năm mỗi khác.
Việc dựa vào phổ điểm không thể có cái nhìn hoàn toàn chính xác về điểm chuẩn chung cho tất cả các trường mà phải đi sâu vào nghiên cứu riêng từng trường.
Cũng với quan điểm trên đây, ông Vũ Khắc Ngọc khẳng định, điểm chuẩn là câu chuyện riêng của từng trường, từng ngành. Các em có thể bám sát và tham khảo điểm chuẩn năm trước để áng chừng.
Theo phân tích của thầy giáo này, điểm chuẩn tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn do chế độ giảm điểm cộng ưu tiên, chỉ tiêu dành cho xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT ít hay nhiều.
Chẳng hạn trường đó dành rất ít chỉ tiêu cho việc xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn điểm chuẩn xét tuyển cho hình thức này sẽ tăng và ngược lại.
Chuyên gia này cũng lưu ý, từ năm 2023, thí sinh đạt 22,5 điểm trở lên khi xét tuyển đại học không được cộng tối đa điểm ưu tiên, những em đạt 30 điểm thậm chí không được cộng nên điểm chuẩn các ngành "hot" khả năng giảm nhẹ vì chính sách cộng điểm mới này.
Đặc biệt các ngành khối kỹ thuật lấy khối A và A1 khả năng giảm điểm chuẩn vào các ngành top đầu.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh trước thời điểm đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, ông Ngọc lưu ý, các em nên đặt nguyện vọng yêu thích và khát khao nhất lên trên.
Ngành nào mức điểm chuẩn và điểm thi an toàn thì các em đặt xuống dưới. Những em đã trúng tuyển sớm, các em nên đặt nguyện vọng này xuống dưới vì đã chắc chắn an toàn.
Biến động điểm chuẩn sẽ không giật cục, gây sốc mà ổn định nên các em có thể tham khảo điểm chuẩn năm ngoái để xét nguyện vọng sao cho phù hơp.
Các em không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng hoặc quá ít nguyện vọng để kiểm soát tốt nhất các rủi ro hoặc tránh tiếc nuối với ngành mình đã đỗ.