Dự án xuất khẩu bưởi da xanh Bến Tre giành giải nhất cuộc thi sinh viên
(Dân trí) - Tại vòng chung kết cuộc thi học thuật về kinh tế dành cho sinh viên, đội "The Flying Kite" đã giành vị trí Quán quân với dự án về hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bưởi da xanh Bến Tre sang Nhật Bản.
Cuộc thi "Economist Up - Hành trình Hội nhập 2023" được tổ chức bởi khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Tại vòng chung kết, ngày 27/5, đội thi với tên gọi "The Flying Kite" (Thả diều - PV) đã xuất sắc giành được ngôi vị cao nhất một cách thuyết phục với dự án "Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bưởi da xanh Bến Tre sang thị trường Nhật Bản", đồng thời đạt giải "Đội thi được yêu thích nhất".
Sau phần trình bày dự án đầy trôi chảy, đội "The Flying Kite" đã giành cho mình tấm vé để tiến vào vòng 2, vòng phản biện giữa hai đội thi đứng thứ hạng cao nhất. Trong phần trả lời câu hỏi đến từ phía ban giám khảo, 5 cô gái trẻ gây ấn tượng với lý lẽ sắc bén, cho thấy được sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phong thái vô cùng tự tin.
Theo các bạn sinh viên, bưởi da xanh tại Bến Tre có nguồn cung dồi dào, nhưng tình hình sản xuất còn phân tán, xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, Nhật Bản gần như không có khả năng tự sản xuất mặt hàng bưởi. Xét về nhu cầu thị trường, Nhật Bản là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu tiêu thụ bưởi lớn.
Khi nghiên cứu số liệu thị trường từ năm 2017-2021, đội thi nhận thấy thị trường bưởi tại Nhật Bản có xu hướng thu hẹp, nhu cầu bưởi lai chanh tại các nước Châu Á gia tăng. Áp lực do các đối thủ tạo ra cho việc xuất khẩu bưởi Việt Nam sang Nhật Bản chỉ ở mức trung bình.
Người Nhật Bản là đối tượng tương đối khắt khe, tuy nhiên, cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản đến từ các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc lại là đối tượng khách hàng tiềm năng.
Ngoài ra, bưởi da xanh có hương vị phù hợp với khẩu vị ưa ngọt của người Nhật Bản gần đây. Trong thực tế, quá trình đàm phán xuất khẩu bưởi da xanh của Việt Nam sang Nhật Bản cũng đang được triển khai. Trong dự án, nhóm lựa chọn chiến lược đánh vào các siêu thị, các chuỗi khách sạn và các hệ thống bán lẻ.
Khi trình bày dự án, các cô gái cũng nhấn việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước. Đối với sản phẩm bưởi da xanh, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nhau để thúc đẩy hoạt động kinh doanh bưởi sang Nhật Bản. Sau đó, thương hiệu chung sẽ được tận dụng cho mọi thành viên trong liên kết, có thể xuất khẩu bưởi da xanh sang Nhật Bản dễ dàng hơn.
Đồng thời, nhóm đề xuất, cơ quan quản lý có thể tạo website giữa doanh nghiệp và người nông dân để khai báo thông tin mua bán đầy đủ, hạn chế tình trạng đấu giá nông sản và tự động cập nhật hiển thị những thương vụ kết nối giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thêm vào đó, có thể đưa sản phẩm vào làm quà cho các đối tác, sản xuất các ấn phẩm giới thiệu câu chuyện hành trình của sản phẩm. Doanh nghiệp phát huy những yếu tố thích ngọt của người Nhật, đáp ứng nhu cầu ăn uống lành mạnh của người Nhật, quy trình xanh và trích lợi nhuận cho các chương trình thiện nguyện.
Đội thi cán đích với vị trí thứ hai chính là "Young Coco" (Dừa non - PV) khi chọn sản phẩm trái dừa cho dự án tham gia cuộc thi. Sản phẩm chính mà nhóm hướng đến chính là trái dừa tại Bến Tre và Trà Vinh. Nhóm đề xuất tăng cường xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách làm website có cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật Bản và tổ chức các khu hợp tác xã được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào.
Vị trí Quý quân thuộc về đội thi "The Diamond Fiber" với sản phẩm được lựa chọn cho dự án: "Xuất khẩu mặt hàng miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan sang thị trường Nhật Bản".
Giải thưởng "Đội thi có đề án tiềm năng" lần lượt thuộc về hai đội thi "Elotus" và " S Material" với các sản phẩm củ sen và ống hút cỏ bàng.
"Economist Up" là cuộc thi học thuật tiên phong trong lĩnh vực kinh tế dưới định hướng "Hội nhập kinh tế", được tổ chức bởi khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao, là một sân chơi giao lưu lành mạnh, chủ động học hỏi cũng như nâng cao trải nghiệm thực tế dành cho sinh viên.
Khi tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ tham gia tìm kiếm các sản phẩm của Việt Nam phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng thị trường nước ngoài; và tìm cách thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, mà cụ thể là thị trường Nhật Bản.
Các thí sinh tham gia cuộc thi sẽ phải trải qua 4 vòng thử thách bao gồm: vòng sơ khảo, vòng đánh giá chuyên môn, vòng bán kết và vòng chung kết. Sinh viên tham gia sẽ có cơ hội được trực tiếp khởi nghiệp từ chính những sản vật của quê hương mình qua những kiến thức trong quá trình học tập và những kỹ năng được trau dồi thông qua chuỗi hoạt động tập huấn, training từ các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước.