Dự án giáo dục hàng trăm tỷ đồng đang phơi mưa nắng

(Dân trí) - Một dự án giáo dục tầm cỡ, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Công trình khi đưa vào hoạt động sẽ là một trong những trường đầu tiên theo mô hình mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, công trình hàng trăm tỷ đang phơi mưa, phơi nắng vì ngân hàng dừng giải ngân.

Ngân hàng đâm đơn kiện doanh nghiệp

Vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VDB Thanh Hóa) và Công ty TNHH Tây Đô (Cty Tây Đô) đã qua hai phiên xét xử của TAND các cấp tại Thanh Hóa.

Dự án trường Tiểu học và Trung học dân lập Thanh Hoa đạt chuẩn quốc tế do Cty Tây Đô làm chủ đầu tư trên diện tích 40.387m2, trên đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa. Trường được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tổng đầu tư giai đoạn I là 175 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng (NH) là 74,5 tỷ, vốn tự có của chủ đầu tư là 101 tỷ, thời hạn vay vốn là 96 tháng, thời gian ân hạn là 24 tháng. Thời điểm thực hiện hợp đồng tín dụng (HĐTD) số 12 về việc vay vốn NH được Cty Tây Đô và phía VDB Thanh Hóa ký kết ngày 18/7/2008.

Dự án trường Tiểu học và Trung học dân lập Thanh Hoa (TP Thanh Hóa).
Dự án trường Tiểu học và Trung học dân lập Thanh Hoa (TP Thanh Hóa).

Đến năm 2009, Cty Tây Đô đã tăng mức đầu tư dự án lên 206 tỷ đồng và được VDB Thanh Hóa đồng ý cho vay 144 tỷ đồng thông qua HĐTD số 130, ngày 26/12/2009 với thời hạn vay 81 tháng, thời gian ân hạn 24 tháng.

Tuy nhiên, khi dự án đang được triển khai và sắp đến thời gian đi vào hoạt động thì phía NH bất ngờ dừng giải ngân số tiền 144 tỷ. Lý do mà VDB Thanh Hóa đưa ra là Cty chậm trả nợ gốc và lãi, ngoài ra Cty Tây Đô không có văn bản đề nghị giải ngân. Còn phía Cty Tây Đô khẳng định, căn cứ theo HĐTD vay vốn và các điều khoản kèm theo thì họ đã nghiêm túc trả 7,1 tỷ đồng tiền lãi và sẽ trả gốc cho NH đúng quy định.

Công trình đã hoàn thành đến hơn 70% khối lượng nhưng phải dừng vì ngân hàng không giải ngân.
Công trình đã hoàn thành đến hơn 70% khối lượng nhưng phải dừng vì ngân hàng không giải ngân.

Việc dừng giải ngân đã khiến DN không thể triển khai đầu tư dự án, nguồn vốn đầu tư nằm bất động nhiều năm liền, còn phía VDB Thanh Hóa đã khởi kiện Cty Tây Đô ra tòa và buộc phía Cty này phải hoàn trả số tiền vay là hơn 77,4 tỷ đồng và hơn trên 31 tỷ đồng tiền lãi suất.

Không đồng ý với quan điểm của NH, Cty Tây Đô đã có đơn phản tố gửi TAND TP Thanh Hóa yêu cầu phía VDB Thanh Hóa phải bồi thường số tiền hàng chục tỷ đồng với lý do là hợp đồng số 12 và 130 đều hướng tới một mục đích là xây dựng trường Thanh Hoa đi vào hoạt động. Khi dòng tiền đầu tư vào dự án đang vận hành để đi đến đích thì bị NH vô cớ dừng giải ngân, nên dòng tiền bị chặn lại, cả khối tài sản trị giá gần 140 tỷ đồng (tương đương 70% khối lượng công trình) là tài sản đã được phía Cty Tây Đô và VDB Thanh Hóa thừa nhận là có thật trong tổng mức đầu tư dự án trường học của Cty Tây Đô bị dừng.

Cty Tây Đô cho rằng, VDB Thanh Hóa dừng giải ngân là vi phạm khoản 2, điều 5 của HĐTD mà hai bên đã ký kết. Điều đó khiến cả khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của Cty đã đầu tư nằm bất động nhiều năm liền mà DN phải đi vay lãi bên ngoài để trang trải hiện có nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào.

Về lý do NH cho rằng Cty Tây Đô chưa trả gốc và lãi, đại diện Cty Tây Đô lý giải, NH dừng giải ngân trước thời điểm Cty phải trả gốc (còn 8 tháng từ thời điểm dừng giải ngân mới đến hạn trả gốc của Cty), còn lãi suất Cty đã trả đầy đủ và thậm chí còn trả lãi đến ngày 30/2/2010, sau thời gian NH dừng giải ngân, nên không có lý do gì để dừng giải ngân. Hơn nữa, nếu căn cứ theo quy định thì trong trường hợp đơn vị vay vốn vi phạm về việc trả lãi thì NH có quyền áp dụng hình thức xử phạt vi phạm bằng 150% theo quy định của luật.

Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Thanh Hóa tuyên VDB Thanh Hóa đã vi phạm hợp đồng cho vay tín dụng không giải ngân cho Cty Tây Đô theo đúng hợp đồng đã ký trước đó, dẫn đến công trình bị đình trệ cho đến nay chưa đi vào hoạt động, gây tổn thất về kinh tế đối với dự án của Cty Tây Đô. HĐXX đã buộc Cty Tây Đô phải trả cho phía NH trên 109 tỉ đồng tiền gốc và lãi. 

Mặt khác, tại bản án sơ thẩm, TAND TP Thanh Hóa cũng đã tuyên VDB Thanh Hóa vi phạm Khoản 2, Điều 5 của HĐTD số 130 ngày 26/12/2009 và buộc phải bồi thường cho Cty Tây Đô 26,3 tỷ đồng.

Hàng trăm tỷ đồng phơi mưa, phơi nắng

Mới đây, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa phúc thẩm. Phía bị đơn là Cty Tây Đô vẫn giữa nguyên quan điểm kháng cáo. Tại tòa, ông Bùi Văn Hùng, Giám đốc Cty Tây Đô cho rằng quan điểm của VDB Thanh Hóa nêu trong đơn là thiếu khách quan và không có cơ sở. Bởi, trong cả 2 HĐTD mà VDB Thanh Hóa ký với Cty Tây Đô không có bất cứ điều khoản nào quy định về thời hạn hoàn thành dự án đầu tư, đưa vào sử dụng.

Về phía VDB, ông Phương Ngọc Hà, Giám đốc VDB Thanh Hóa cho rằng: “Cty đã báo cáo nguyên nhân dự án thi công chậm tiến độ và chưa thể đưa vào sử dụng đúng thời gian phê duyệt (quý III năm 2010) là trách nhiệm của chủ đầu tư”.

Tuy nhiên, luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía Cty Tây Đô đã cho biết, khối lượng thi công đạt hơn 139 tỉ đồng đã được nguyên đơn và bị đơn thừa nhận trong phiên tòa sơ thẩm. Việc đại diện VDB nêu lý do Cty Tây Đô không đủ khối lượng đề dừng giải ngân là không có căn cứ.

Mặc dù phía Cty Tây Đô đã đưa ra được những lập luận có căn cứ bảo vệ quyền lợi cho mình bác bỏ những cáo buộc từ phía VDB, đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa đã gần như bác hoàn toàn bản án sơ thẩm. Đại diện VKS cho rằng kháng cáo của nguyên đơn là có cơ sở để chấp nhận, kháng cáo của bị đơn là chưa phù hợp. Việc yêu cầu VDB bồi thường cho Cty Tây Đô trên 26,3 tỉ đồng trong bản án sơ thẩm, đại diện VKS cho rằng không đúng vì nguyên đơn không có lỗi.

Cũng theo vị đại diện VKS thì trong phiên xử sơ thẩm, HĐXX đã áp dụng điều luật, bộ luật dân sự trong vụ việc này là không đúng vì đây là bản án thương mại. Kết thúc phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên buộc Cty Tây Đô phải trả cho VDB số tiền trên 109 tỷ đồng (77,44 tỷ đồng tiền gốc và 31,757 tỷ đồng tiền lãi). Tòa án không chấp nhận các yêu cầu phản tố của Cty Tây Đô đòi VDB phải bồi thường cho phía mình là 43 tỷ đồng. 

Một ngôi trường với hàng trăm tỷ đã được đầu tư chưa phát huy giá trị vì thiếu vốn.
Một ngôi trường với hàng trăm tỷ đã được đầu tư chưa phát huy giá trị vì thiếu vốn.

Nhiều hạng mục công trình thiếu tiền đầu tư phải bỏ hoang.
Nhiều hạng mục công trình thiếu tiền đầu tư phải bỏ hoang.

Theo ông Hùng thì việc phiên tòa sơ thẩm buộc Cty phải hoàn trả hơn 109 tỷ đồng tiền gốc, lãi của dự án là sai. Bởi, trong quá trình khởi kiện cũng như xét xử, phía VDB không hề yêu cầu tòa tuyên bố chấm dứt hợp đồng hay đình chỉ thực hiện hợp đồng. Do đó, hợp đồng tín dụng giữa VDB và Cty Tây Đô đương nhiên vẫn còn hiệu lực, và NH buộc phải tiếp tục giải ngân.

Duy Tuyên - Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm