"Đốt" hàng chục tỷ đồng vì… hồ sơ ảo

Hôm nay, các sở GD-ĐT bắt đầu tổng hợp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Theo ghi nhận ban đầu tại Hà Nội và TPHCM, trung bình mỗi thí sinh nộp 2-3 hồ sơ, thậm chí có thí sinh lập kỷ lục với 11 bộ. Chỉ riêng tại Hà Nội, số tiền lãng phí do hồ sơ ảo đã lên tới 1,5 tỷ đồng.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh phải nộp tiền đăng ký dự thi (ĐKDT) 40.000 đồng/hồ sơ. Nếu Sở GD-ĐT và trường không thu phong bì và tem để vận chuyển hồ sơ tuyển sinh thì ngoài khoản lệ phí đăng ký dự thi nói trên, thí sinh còn phải nộp 3.500 đồng/hồ sơ (đối với các tỉnh đồng bằng) và 4.500 đồng/hồ sơ (đối với các tỉnh trung du, miền núi). Như vậy, tổng chi phí của một hồ sơ dự thi khoảng 45.000 đồng.

 

Mỗi mùa thi, thí sinh cả nước "đốt" gần 20 tỷ đồng

 

Thực tế, ngay từ khi đăng ký dự thi, phụ huynh, thí sinh biết việc nộp nhiều hồ sơ là lãng phí. Tuy nhiên, họ sẵn sàng mất tiền để có thêm cơ hội lựa chọn trường. Từng nhiều năm làm công tác tiếp nhận hồ sơ tại Sở GD-ĐT Hà Nội, bà Mai Thị Nghị cho biết: "Hiếm phụ huynh, thí sinh nào đến đây chỉ nộp một bộ hồ sơ. Năm nay, có phụ huynh mạnh tay đóng gần 500.000 đồng lệ phí để đăng ký cho con dự thi vào 11 trường".

 

Theo bà Tạ Song Hà, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, vài năm gần đây, trung bình mỗi thí sinh Hà Nội nộp 2 bộ hồ sơ đăng ký dự thi. Năm nay, Hà Nội có khoảng 35.000 thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Như vậy, số tiền lãng phí của các thí sinh Hà Nội lên tới 1,5 tỷ đồng.

 

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh 2005, có khoảng 1,4 triệu hồ sơ ĐKDT vào 98 đại học, học viện. Nhưng thực tế, chỉ có hơn 935.000 thí sinh dự thi. Như vậy, có hơn 450.000 hồ sơ ảo, số tiền lãng phí gần 20 tỷ đồng. Với thực tế nộp hồ sơ năm nay, tình trạng lãng phí này sẽ lại tái diễn.

Các ĐH, CĐ đứng trước nguy cơ lỗ nặng

 

Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều ĐH ở Hà Nội đã phải đôn đáo lo tìm điểm thi, vì nếu đợi sát ngày sẽ không thể thuê được phòng. Vào thời điểm này, các trường chưa hình dung nổi có bao nhiêu thí sinh ĐKDT và có bao nhiêu thí sinh đã đăng ký nhưng không đến. Mặc dù ai cũng biết, không phải 100% thí sinh đăng ký đều đến dự thi, nhưng không ai dám "liều lĩnh" chỉ chuẩn bị đón tiếp 70% hay 80% số này.

 

Theo Bộ GD-ĐT, số hồ sơ ĐKDT ảo đã tăng đều đặn trong vài năm gần đây. Kỳ tuyển sinh 2005, có 935.283 thí sinh dự thi tại 98 đại học, học viện, đạt tỷ lệ gần 75% so với số hồ sơ đăng ký. Tỷ lệ thí sinh dự thi thực tế của năm 2004 là 78%. 

 

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số ĐH ở Hà Nội cho biết, họ chỉ được hưởng một phần trong khoản 40.000 đồng lệ phí ĐKDT của thí sinh. Nguồn thu mà các trường trông đợi là khoản lệ phí thi 20.000 đồng/thí sinh (nộp trực tiếp vào ngày 3 và 8/7). Với những thí sinh ảo, họ sẽ không đến để nộp khoản tiền 20.000 đồng này.

 

Theo lãnh đạo ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, mỗi phòng thi có 2 giám thị, chi phí dành cho mỗi giám thị là 200.000 đồng/đợt thi. Như vậy, riêng khoản chi cho giám thị, mỗi phòng thi tốn 400.000 đồng, chưa kể tiền thuê phòng và các chi phí an ninh. Căn cứ vào đóng góp hiện nay, nếu phòng thi nào chỉ có 2/3 thí sinh đến thi cầm chắc là lỗ.

 

"Một phòng thi dự kiến phục vụ cho 25-30 thí sinh, nay chỉ có chục em đến dự thi. Trường vẫn phải chuẩn bị 2 giám thị, quạt, điện nước, tiền thuê phòng như phục vụ 30 em, như vậy làm sao không lỗ. Năm ngoái, chúng tôi đi qua những phòng thi vắng hoe, thấy thật xót xa", vị lãnh đạo này cho biết.

 

Mặc dù đã hạn chế tối đa chi phí tổ chức, nhưng mùa tuyển sinh 2005, ĐH Thủy Lợi vẫn lỗ khoảng 150 triệu đồng, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội lỗ 200 triệu đồng, Học viện Tài chính "mất" gần 300 triệu đồng. Với những trường phải tự cân đối thu chi, mùa tuyển sinh thực sự là mùa kinh hoàng.

 

Thi "3 chung" phải chấp nhận sống chung với hồ sơ ảo

 

Một thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ thừa nhận, với cách thi "3 chung" (chung đề, chung ngày thi và sử dụng kết quả chung để xét tuyển), sẽ không thể hạn chế được lượng thí sinh ảo. Thí sinh chỉ được thi một trường nên họ chấp nhận nộp nhiều hồ sơ. Đến gần ngày thi, những thí sinh này tham khảo tỷ lệ "chọi" (lượng hồ sơ dự thi so với chỉ tiêu tuyển sinh), rồi mới quyết định chọn một trường ứng thí.

 

Từng nhiều năm làm công tác tuyển sinh, Hiệu phó ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội Bùi Duy Cam cho rằng, các biện pháp giảm hồ sơ ảo như khống chế số hồ sơ đăng ký hoặc tăng lệ phí ĐKDT đều không khả thi. Theo ông Cam, để giảm hồ sơ ảo, các trường nên tuyên truyền và giới thiệu về ngành nghề đào tạo cho các em tìm hiểu kỹ từ khi học phổ thông. Hiện nay, nhiều thí sinh thiếu thông tin, thậm chí đăng ký rồi còn không biết ngành nghề đó đào tạo gì.

 

Theo Bộ GD-ĐT, dự kiến năm 2009, sẽ chỉ có một kỳ thi nhằm hai mục đích: Vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Khi đó, sẽ không có một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ riêng và sự lãng phí hồ sơ ảo mới có thể giải quyết tận gốc.

 

Theo Việt Anh

Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm