Động thổ Trường Đại học Việt - Nhật trị giá 365 triệu USD
(Dân trí) - Ngày 20/12, tại Hoà Lạc – Thạch Thất – Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ động thổ xây dựng Trường Đại học Việt Nhật, trường đại học thành viên thứ 7 thuộc ĐHQGHN.
Tới dự lễ động thổ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Tô Huy Rứa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam… Về phía Nhật Bản có Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt, Ngài Takebe Tsutomu; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN, ngài Fukada Hiroshi.
Ngày 21/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Trường ĐH Việt Nhật, chính thức trở thành trường đại học thành viên thứ 7 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường được thành lập dựa trên ý tưởng và mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Nhật Bản từ nhiều năm qua.
Việc thành lập Trường Đại học Việt Nhật với cơ sở vật chất hiện đại, có sự tham gia phối hợp của các trường đại học hàng đầu Nhật Bản và trên thế giới sẽ là cơ hội để Đại học Quốc gia Hà Nội hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và khoa học liên ngành; gia tăng các chỉ số quốc tế hoá và nâng cao xếp hạng quốc tế.
Trường ĐH Việt Nhật sẽ trở thành động lực hỗ trợ, thúc đẩy sự liên thông, liên kết và phát triển của các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên khác của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự hiện diện của Trường ĐH Việt Nhật tại Hoà Lạc sẽ kích hoạt lan toả, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tới Khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Trong lĩnh vực đào tạo, Trường ĐH Việt Nhật sẽ tập trung vào các ngành công nghệ kỹ thuật cao như Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu mới, Cơ khí và tự động hóa... và các khoa học liên ngành như Biến đổi khí hậu, Phát triển bền vững... Đây là những ngành và chuyên ngành được tổ chức đào tạo kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm trên nền tảng trang thiết bị và hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại. Đồng thời, Trường sẽ chú trọng phát triển các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với lợi thế và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trong nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Việt Nhật sẽ tập trung nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, có tính tích hợp cao, hướng tới các sản phẩm hoàn chỉnh, qua đó làm tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp. Trường cũng sẽ tập trung nghiên cứu các lĩnh vực khoa học liên ngành như biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai... góp phần tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Việt Nam. Các nghiên cứu được triển khai theo mô hình trung tâm nghiên cứu phối thuộc, các dự án nghiên cứu được thực hiện theo đặt hàng của các doanh nghiệp, chính phủ, địa phương và các tổ chức quốc tế. Đây là cơ sở để xây dựng một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc, góp phần tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như phát triển mạnh các doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
Trường được tổ chức theo mô hình đại học tiên tiến của Nhật Bản với ngôn ngữ chính là tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt, có sự hỗ trợ và tham gia trực tiếp của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân và người học Nhật Bản tại Việt Nam.
Dự kiến, năm 2016 Trường ĐH Việt Nhật sẽ tuyển sinh các chương trình đào tạo thạc sỹ tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao như công nghệ nano, công nghệ môi trường, công nghệ và kỹ thuật hạ tầng; các lĩnh vực khoa học liên ngành như biến đổi khí hậu, năng lượng mới, khoa học vũ trụ; các lĩnh vực khoa học kinh tế - xã hội Việt Nam có nhu cầu cao như chính sách công hướng tới phát triển bền vững, quản trị kinh doanh theo phong cách Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Lễ động thổ xây dựng Trường ĐH Việt Nhật hôm nay không chỉ là sự kiện rất quan trọng đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, mà còn là sự kiện đầy ý nghĩa đối với phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam và quan hệ hợp tác “Đối tác chiến lược sâu rộng” hết sức tốt đẹp giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản”.
Theo Phó Thủ tướng, Trường Đại học Việt Nhật được thành lập với mục tiêu xây dựng một Trường đại học tiên tiến, chất lượng cao, hội tụ những tiến bộ trong giáo dục đại học quốc tế cùng những thế mạnh, những giá trị riêng có của giáo dục, của văn hóa Việt Nam và Nhật Bản để không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác giữa hai nước mà còn vươn tới trở thành một trung tâm đào tạo quy mô, có uy tín trong khu vực, của khu vực.
Phó Thủ tướng đề nghị: ”Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tích cực, chủ động, trách nhiệm tiến hành các công việc theo quy định; đề nghị UBND TP. Hà Nội cũng như các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ để Dự án được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, nhất là trong việc đưa dự án vào kế hoạch hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong năm tài khoá gần nhất”.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho biết ĐHQGHN cam kết sẽ tiếp tục tích cực, chủ động làm việc với các Bộ ngành, các đối tác Nhật Bản và triển khai thực hiện Dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng, xứng đáng là biểu tượng của mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tại lễ khởi công, ngài FUKADA – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị của ĐHQGHN về việc xây dựng các chương trình đào tạo cũng như tiến hành tuyển chọn giảng viên. Bên cạnh đó, để thu hút được vốn đầu tư của doanh nghiệp, ĐHQGHN cũng đã nỗ lực chủ động trong việc tổ chức hội thảo nhằm thu hút sự quan tâm của giới doanh nghiệp.
Ông nói, với tư cách là Đại sứ, tôi hy vọng rằng mọi sự nỗ lực không ngừng của cả hai bên Nhật Bản và Việt Nam sẽ có được những kết quả tốt đẹp và tôi cũng hy vọng rằng Trường Đại học Việt Nhật sẽ là chiếc cầu nối mới của hai Chính phủ trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt nam.
Theo kế hoạch, Trường Đại học Việt Nhật sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2020 với số vốn đầu tư khoảng 365 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản là 200 triệu USD, vốn tài trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản là 100 triệu USD, 65 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Hồng Hạnh