Dọn bom mìn nuôi con ăn học

Từ tiền bán phế liệu, nhiều người đã nuôi con ăn học thành tài. Nhưng, toàn tỉnh Quảng Trị có tới 7.000 người tàn phế do bom mìn.

Xã Hải Thái (Gio Linh, Quảng Trị) được hình thành trên vùng đất nguyên là chiến trường xưa ác liệt. Bom mìn ở xã này nhiều đến nỗi có mặt mọi nơi trong cuộc sống của người dân. Ở dưới nền nhà, trước sân trường, ngoài sân vận động, ngoài đường đi, trên đồng ruộng... Có lần, một người dân Hải Thái đang nấu cơm thì bất ngờ từ trong bếp phát ra một tiếng nổ rung chuyển cả căn nhà. 48 mảnh đạn găm vào xương thịt của người phụ nữ đang ngồi bên bếp. Tìm hiểu mới biết dưới nền bếp có một quả đạn. Khi đun củi cháy quá nóng, đạn phát nổ.

 

Nghề nguy hiểm nhất

 

Đối mặt với cái chết, muốn tồn tại người dân Hải Thái sinh ra một cái nghề nổi tiếng nguy hiểm: nghề dọn bom mìn. Trong 905 hộ dân của xã Hải Thái hầu như nhà nào cũng có người theo nghề này.

 

Trở lại khu dân cư kinh tế mới Hải Thái, chúng tôi ghi nhận sự đổi thay mạnh mẽ. Mấy năm trước dọc đoạn đường này san sát đạn bom. Nay dân làng đã dọn dẹp như gần hết mọi thứ. Đến nỗi khi quay lại thăm chiến trường xưa nhiều cựu binh Mỹ hết sức ngạc nhiên trước sự “liều lĩnh” của người dân Hải Thái vì họ đã sống chung với bom đạn. “Không liều thì lấy tiền đâu ra để trang trải cuộc sống. Hàng ngàn người dân Hải Thái chúng tôi ai cũng sống bằng nghề dọn bom mìn”, một nông dân trả lời với người cựu binh Mỹ. Để được như hôm nay, nhiều người dân xã Hải Thái phải đổi lấy cả mạng sống của mình.

 

Những ngày dọn dẹp đất đai này, tai nạn luôn chực chờ người dân xã Hải Thái. Ông Đoàn Thìn, trưởng thôn 3B, con trai của ông Đoàn Thỏn (đã mất trong một lần dọn bom mìn), kể lại: Bố tôi lúc ấy là người già nhất cùng bà con dọn dẹp đất đai để tăng gia sản xuất. Cả xóm dàn hàng ngang cuốc đất. Bất ngờ một tiếng nổ long trời vang lên, khói bay mịt mù. Cả làng chạy đến nhìn thấy 5 người trúng bom chết tại chỗ, 3 người khác bị thương.

 

Tại xã Hải Thái còn rất nhiều người dân bị chết đau thương như vậy. Anh Lê Quang Thạnh, phụ trách công tác thương binh - xã hội xã Hải Thái, cho biết: “Toàn xã có hơn 100 người chết và 32 người bị thương trong quá trình dọn dẹp bom mìn xây dựng cuộc sống...”

 

Còn gần 190.000 ha có bom mìn chưa được dọn dẹp

 

Cái chết luôn cận kề nhưng không vì thế mà người dân xã Hải Thái sợ sệt, nhụt chí. Họ vẫn miệt mài dọn dẹp đạn bom xưa để kiếm tiền nuôi con ăn học nên người, xây dựng lại quê hương. Những học sinh của xã cũng một buổi đi học, buổi còn lại cũng tham gia dọn dẹp bom mìn kiếm tiền giúp gia đình. Đa số các em đi học bằng đồng tiền kiếm được từ công việc dọn bom mìn.

 

“Dọn bom mìn bằng cách nào?” - tôi hỏi Nguyễn Thắng, ở thôn 1B, cựu học sinh THPT Cồn Tiên, nay là “sinh viên kinh tế ”, Thắng cho biết: “Thông thường dụng cụ dọn bom mìn chỉ cần cuốc, xẻng và máy dò tín hiệu. Khi phát hiện có bom mìn và phế liệu ở dưới lòng đất là tập trung đào bới để thu lượm sản phẩm”. Mẹ của Thắng cũng vì đi dọn mìn nuôi Thắng ăn học đã thiệt mạng trong một lần gặp phải quả đạn M79.

 

Tôi gặp bà Trần Thị Con ở thôn 2B có đến 9 đứa con đều lớn lên bằng tiền thu được từ dọn dẹp bom mìn. Trong đó, có người con út Nguyễn Dư Thái học xuất sắc ngay từ ở trường làng. Thái thi trúng tuyển vào trường chuyên phổ thông - đại học Khoa học Huế. Rồi vào đại học, Dư Thái học giỏi nhất khóa đó với bằng tốt nghiệp xuất sắc Khoa Toán Đại học Khoa học Huế, nay Thái đang đi nước ngoài làm luận án tiến sĩ.

 

Có rất nhiều người đi dọn bom mìn do không may nên bị què quặt, tàn phế. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có đến 7.000 người bị tàn phế do bom mìn.

 

Trong một lần đến thăm nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị, tỉ phú người Mỹ Freeman đã tài trợ 5 triệu USD giúp tỉnh này thực hiện chương trình nhân đạo hợp tác rà phá, tìm kiếm phế liệu chiến tranh còn sót lại, trong đó có địa bàn xã Hải Thái. Trong hơn 200.000 ha đất có bom mìn chiến tranh còn sót lại đến hôm nay chỉ mới có hơn 1.000 ha được dọn dẹp bom mìn, phế liệu chiến tranh để tổ chức tái định cư cho người dân.

 

Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm