Đôi cánh nào nâng ước mơ em?

(Dân trí) - Về thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước ngôi nhà của chị em Nguyễn Thị Trúc Mị, học sinh lớp 8 trường THCS Nghĩa An. Nhà tranh vách lá, lợp ngói đơn sơ, ngõ là hàng rào thép gai quàng lại tạm bợ.

Bốn năm trước, cha các em đã nằm lại giữa biển khơi trong một lần theo tàu đi đánh cá và gặp nạn ở vùng biển Vũng Tàu. Hai năm sau, người mẹ cũng bỏ đi biệt không thấy về. Bốn chị em Tiên, Thanh Thuỳ, Trúc Mị, Trúc Lệ bỗng chốc trở nên côi cút.

 

Nguyễn Thị Tiên lớn nhất, năm ấy vẫn chưa tròn 18 tuổi. Bà con chòm xóm thương tình người lon gạo người ít thức ăn cho mấy chị em đắp đổi qua ngày. Láng giềng của các em kể lại: “Mùa mưa bão, gió vào nhà thông thốc. Mưa, mấy chị em cứ ôm nhau khóc vì lạnh và sợ. Có đợt bão, gió lớn thổi bay mái nhà. Tụi tui mới tìm cách lợp mái ngói. Tội nghiệp, tụi nhỏ mê học lắm mà đứa nào học cũng giỏi”.

 

Dân chài nghèo, chỉ có tấm lòng là quý giá. Tiền học, tiền trường, tiền sách vở bút viết… của mấy chị em đều trông vào đồng lương hưu ít ỏi, mỗi tháng đôi ba trăm ngàn của bà nội. Bà kêu về ở với bà nhưng bốn chị em vẫn muốn giữ và sống trong ngôi nhà mà cha để lại.

 

Tài sản đáng giá nhất là chồng giấy khen học sinh khá, giỏi mà cuối năm học nào cả bốn chị em đều mang về và cất giữ. Chúng tôi ghé nhà, chỉ có Trúc Mị và Trúc Lệ. Hỏi thăm Mị mới biết: “Chị Tiên học xong lớp 12, không có tiền vào Đại học, chị vô Sài Gòn làm giày da. Ban ngày làm, buổi tối chị còn học thêm Anh văn, vi tính, tằn tiện được đồng nào, chị đều gửi về cho tụi em.

 

Chị Thuỳ bữa nay xuống trường, chị sắp vào lớp 12, hết năm này chắc cũng như chị Tiên, không theo học Đại học được. Trúc Lệ học lớp 4, mới đem về giấy khen học sinh giỏi và giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ”.

 

Còn Mị, “sắp vào lớp 8 rồi, Mị có ước mơ sau này lớn lên làm gì không?” Mị cười hiền, mắt Mị thoáng long lanh: “Ước mơ của em lớn lắm. Em muốn sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người, có tiền phụ giúp gia đình”.

 

“Bác sĩ có lấy tiền người nghèo không?”, chúng tôi buộc miệng hỏi. Mị trả lời chẳng đắn đo: “Dạ không, chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền”. Mắt Mị chợt buồn: “Người nghèo đâu có tiền, như chị em em vậy thôi. Ước mơ nhưng em không dám nghĩ sau này em vào được Đại học…” Chúng tôi lặng người, nhìn chiếc giường ọp ẹp, chiếc bàn chữ nhật đơn sơ với mấy cái ghế con, không nén được xúc động.

 

Trên con đường về, ngang qua dòng song với những con thuyền nằm lặng yên nơi bến bãi, ngang qua ngôi trường làng cũ kỹ, hình ảnh chị em Trúc Mị cứ vương vít, đeo đuổi mãi trong lòng mỗi người. Giá mà có thể chắp cho em đôi cánh để ước mơ em được bay cao, bay xa hơn nữa.

 

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm