Độc giả đề xuất bỏ truyện Tấm Cám khỏi SGK

(Dân trí) - “Theo tôi nghĩ, truyện Tấm Cám này nên loại luôn khỏi chương trình SGK vì trong truyện có nhiều yếu tố gây sốc. Đặc biệt là sự trả thù của Tấm luôn tàn ác hơn cả Cám và chứa nhiều chi tiết có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách học sinh”.

Đề xuất trên của độc giả ở địa chỉ email:  mina_hcm@zing.vn cũng là ý kiến chung của nhiều độc giả gửi về Dân trí nêu quan điểm quanh việc sửa đoạn kết truyện cổ tích Tấm Cám

 

Trong số hàng trăm ý kiến của độc giả bình luận về việc sửa đoạn kết truyện Tấm Cám, một số độc giả cho rằng không nên sửa vì như vậy là “thay đổi những giá trị mà cha ông đã để lại (email: nguyen150479@yahoo.com), “đã là truyện cổ tích thì nó là tác phẩm dân gian, không nên sửa” (vanhung, email: _bn_qv@yahoo.com), “đã là văn học dân gian thì làm sao mà có thể sửa tùy tiện như thế được” (Đinh Trọng Nhân, email:  nhandt91@gmail.com)... 

Đoạn cuối truyện cổ tích Tấm Cám trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 đã được sửa như sau: Khi Cám hỏi: “Chị làm thế nào mà đẹp thế?”, Tấm hỏi lại: “Có muốn đẹp không để chị giúp?”, sau đó “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”.

Trong khi đó, các bản Tấm Cám trước đây có phần kết với nội dung sau khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi dì ghẻ ăn.

Đa số độc giả đồng tình với việc thay đổi đoạn kết truyện Tấm Cám:

 

“Tôi đồng ý nên sửa đoạn cuối câu chuyện. Nhân vật Tấm vừa đẹp, vừa hiền dịu nên không thể có cách trả thù kinh khủng như vậy. (Ngoc, email:  tranminhngoc.dn@gmail.com)

     

“Mình ủng hộ sách giao khoa sửa phần kết của truyện Tấm Cám. Cái kết nên nhẹ nhàng và sâu sắc, chứ không nên kết thúc là hành động trả thù dã man của cốt truyên cũ”. - Van luan 49lt, email:  vanluan2711@gmail.com 

 

“Tôi thấy sửa kết thúc như vậy là đúng vì nếu để nguyên văn như vậy thì người ác nhất trong truyện này là Tấm chứ không phải mẹ con mụ dì ghẻ”. - Ngo Hung, email:  pqhacker@yahoo.com 

 

“Tôi nghĩ nên sửa như vậy là đúng vì từ nhỏ tôi thấy đoạn kết rùng rợn quá. Hiền như cô Tấm mà trả thù dã man, độc ác như vậy là không hay tý nào!”. - Trần Quang, email:  tranquangqb@yahoo.com.vn 

 

Tuy đồng tình với việc sửa đoạn kết truyện Tấm Cám theo hướng giảm “độ ác” của cô Tấm, nhiều độc giả đề xuất nên bỏ hẳn truyện cổ tích này khỏi chương trình sách giáo khoa vì với đoạn kết mới, thì việc làm của cô Tấm vẫn còn ác, truyện vẫn còn bạo lực:

 

“Theo ý kiến cá nhân của tôi, không nên đưa truyện Tấm Cám vào nội dung chương trình giảng dạy. Thứ nhất, hiện có rất nhiều truyện dân gian khác có ý nghĩa giáo dục nhân cách con người, chứ không chỉ có riêng truyện Tấm Cám. Thứ hai: Nội dung truyện còn nhiều tranh cãi, nhất là về tính nhân văn, nhân đạo của người Việt Nam thể hiện trong truyện. Nếu có thể chỉ đưa vào sách tham khảo cho các em thôi”. - Luong Nam, email:  huunam79@yahoo.com

 

“Từ bé, tôi cũng rất yêu thích truyện Tấm Cám. Tuy nhiên , cá nhân tôi thấy không nên đưa chuyện Tấm Cám vào chương trình học vì câu chuyện này quá bạo lực. Ai cũng biết hình tượng cô Tấm là khát vọng sống, nhưng việc cô Tấm trả thù mẹ con nhà Cám là quá dã man. Các con sẽ nghĩ sao khi hành động trả thù của Tấm lại bạo lực như vậy. Mà trong kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam thì còn có bao nhiêu câu chuyện kết thúc có hậu, kẻ ác cuối cùng vẫn biết ăn năn hối cải và trở thành người tốt”. - Hồ Thị Hạnh, email:  hanhchi@yahoo.com 

 

“Cái kết của câu chuyện quá ác độc, thiết nghĩ nên thay Tấm Cám bằng một câu chuyện khác có cái kết nhẹ nhàng hơn”. - Thanh Luong, email:  newlife_crazylove2010@yahoo.com 

   

“Theo tôi nên loại bỏ truyện này ra khỏi sách giáo khoa. Với nội dung như vậy, không thể nói cô Tấm ở hiền”. - Email:  nguoidan@yahoo.com 

 

“Truyện Tấm Cám không nên đưa vào sách giáo khoa để giáo dục học sinh. Mặc dù nói Tấm là một con người ban đầu là hiền lành nhưng về bản chất tại cuối câu truyện thì cũng không khác gì Cám, về một khía cạnh khác có thể xem Cám không ác bằng Tấm, chỉ vì chưa có cơ hội mà thôi, cho đến lúc có được cơ hội thì cách hành xử của Tấm còn nguy hiểm hơn nhiều so với Cám. Nên việc sửa hay không sửa lại đoạn cuối truyện là không cần thiết”. - Ngọc, email:  baconmeo20@yahoo.com 

 

“Theo tôi nên bỏ truyện này. Có thiếu gì truyện cổ tích hay đâu?”. - Hakinh, email:  kinh.ctdvp@gmail.com   

 

“Truyện cổ tích Việt Nam có thiếu gì truyện mang tính giáo dục ở hiền gặp lành, ở ác  phải trả giá do tham lam vô độ hoặc kẻ ác tự hại nhau như truyện Cây khế ngọt… Do vậy trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 không nên có truyện cổ tích Tấm Cám mà là thay bằng truyện khác mang tính giáo dục cao hơn”. - Bui Ta Huan, email:  buihuan105@yahoo.com.vn   

 

“Thay vì sửa truyện để mang tính nhân văn hơn, liệu ta có thể đổi truyện Tấm Cám bằng truyện khác được không? Kho tàng văn học dân gian có rất nhiều truyện cơ mà”. - Đỗ Huệ, email:  huedo82@gmail.com   

 

“Theo tôi, không nên đưa truyện Tấm Cám vào chương trình giáo dục, vì nội dung của nó có nhiều chi tiết "phản giáo dục" (như hành động giết người của Tấm). Hành động đó vừa vô đạo đức, vừa vi phạm pháp luật. Không thể trả thù người khác một cách hèn hạ như thế. Theo luật pháp bây giờ, tội đó có thể bị tử hình. Dù sửa hay không sửa thì Tấm cũng phạm tội giết người, thậm chí man rợ”. - Email:  lienlocan@gmail.com 

 

“Nếu cứ chỉnh sửa thế này thì Tấm Cám không còn gì là Tấm Cám nữa. Theo tôi nếu các nhà giáo dục thấy nội dung không phù hợp thì nên đưa truyện khác vào chương trình để thay thế truyện Tấm Cám”. - Email:  thactruc@yahoo.com 

 

“Theo tôi nghĩ, truyện Tấm Cám này nên loại luôn khỏi chương trình SGK vì trong truyện có nhiều yếu tố gây sốc. Đặc biệt là sự trả thù của Tấm luôn tàn ác hơn cả Cám và chứa nhiều chi tiết có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách học sinh. Đặc biệt là cuối truyện. Truyện này chỉ nên cho vào dạng truyện cổ tích dân gian đọc cho biết chứ không nên đem vào SGK như thế”. - Email:  mina_hcm@zing.vn 

 

PV (tổng hợp)