Vĩnh Long:

Độc đáo trường nổi trên sông

(Dân trí) - Ngôi trường độc đáo chỉ gồm 1 lớp học được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại trên tàu vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng ở Vĩnh Long. Trường học này có thể di động nhằm phục vụ cho nhiều học sinh ở vùng sông nước Cửu Long.

Đây là trường học nổi đầu tiên của Việt Nam do Ngân hàng HSBC Việt Nam phối hợp với Quỹ Dariu Việt Nam (tổ chức phi chính phủ của Thụy Sĩ) vừa tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng ở Vĩnh Long. Tổng vốn đầu tư để có được ngôi trường nổi khoảng 1,2 tỷ đồng, gồm 36 máy laptop, máy lạnh, hệ thống bàn, ghế và chiếc tàu gỗ.

Trường học nổi nằm ở bến sông ngay cổng trường THCS Hồ Đức Thắng.
Trường học nổi nằm ở bến sông ngay cổng trường THCS Hồ Đức Thắng.

Những em học sinh ở Trường THCS Hồ Đức Thắng (Thanh Bình, Vũng Liêm) sẽ đầu tiên thừa hưởng từ dự án này. Sau trường học nổi đầu tiên này dự kiến sẽ có 10 trường học nổi tương tự sẽ được triển khai tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất phù hợp với hệ thống kênh rạch chằng chịt.

Hiện tại, trường nổi đang đậu trước cổng Trường THCS Hồ Đức Thắng khiến nhiều học sinh ở đây tò mò, thích thú. Em Nguyễn Thị Thúy Vi, học sinh lớp 7/1 Trường THCS Hồ Đức Thắng cho biết: “Trước đây em cũng học Tin học ở trường nhưng chỉ toàn là máy tính để bàn cũ. Từ khi có trường học trên tàu em mấy bạn trong lớp đăng ký vô học được mấy ngày được tiếp xúc với máy tính xách tay hiện đại lại kết nối mạng nên học rất thích”.

Học sinh rất thích thú với trang thiết bị hiện đại ở trường học nổi.
 
Học sinh rất thích thú với trang thiết bị hiện đại ở trường học nổi.
Học sinh rất thích thú với trang thiết bị hiện đại ở trường học nổi.

Vừa khai giảng, Trường THCS Hồ Đức Thắng đã mở được 8 lớp với mỗi lớp 30 em học sinh theo học chiếm gần 50% tổng số học sinh trong trường.

Thầy Nguyễn Văn Sỹ - Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Đức Thắng cho biết: “Dự án này được triển khai ở vùng sâu, vùng xa rất hiệu quả vì bổ trợ kiến thức giúp học sinh tiếp cận được trang thiết bị hiện đại. Ngôi trường trên tàu có thể di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác rất phù hợp với miền sông nước”.

Học sinh rất thích thú với trang thiết bị hiện đại ở trường học nổi.
Ngoài trường học nổi di động còn có trường học trên container di động giúp ích rất nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện tại, những chiếc xe container đang phát huy hiệu quả rất tốt đến với các trường vùng nông thôn có thể di chuyển bằng đường bộ. Với 2 loại hình trường học di động này có thể len lỏi khắp các vùng nông thôn ở khu vực miền Tây, giúp các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với trang thiết bị hiện đại.

Ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng bộ phận dự án cho biết: “Trường học nổi trên tàu sẽ lưu lại trên địa bàn xã Thanh Bình 6 tháng  với 2 khóa học tin học sau đó sẽ đến xã Quới Thiện (Vũng Liêm) thêm 6 tháng nữa rồi đến địa bàn tỉnh Tiền Giang và các tỉnh khác trong khu vực”. Theo ông Tuấn Anh, toàn bộ kinh phí hoạt động từ điện, trang thiết bị giảng dạy, thuê giáo viên đều do dự án tài trợ để giúp trang bị kiến thức tin học căn bản cho các học sinh vùng sâu, vùng xa.

Minh Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm