Đồng Tháp:
Độc đáo thầy giáo trẻ sáng tạo tranh thư pháp trên lá sen sấy khô
(Dân trí) - Thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long (33 tuổi, ngụ xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đam mê nghệ thuật thư pháp từ lúc còn học cấp 2 trường làng. Đến nay, thầy Long đã sáng tạo ra sản phẩm tranh thư pháp trên lá sen sấy khô, rất độc đáo.
Thầy giáo Long cho biết, năm học lớp 7, anh được ông nội cho xem bài báo nói về nghệ thuật viết chữ thư pháp, từ đó truyền cảm hứng đam mê thư pháp đã khơi dậy trong lòng.
Ngồi trên ghế nhà trường đã luyện thư pháp
Để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật thư pháp, Long đi “học lóm” ở bạn bè, đi chỗ này, chỗ kia thấy những người viết chữ thư pháp đều ghé lại xem, sau đó về nhà tập luyện theo. Ban đầu, Long viết thư pháp bằng cây cọ vẽ tranh của học sinh, khi gom góp đủ tiền mới mua được cây bút viết thư pháp chuyên nghiệp để tập luyện. Từ lúc bắt đầu luyện viết chữ đến khi học lớp 12, Long mới tự tin cho ra dòng sản phẩm tranh thư pháp của riêng mình.
Thời sinh viên, sau những giờ học ở giảng đường, Long hay tìm chỗ ngồi trên vỉa hè trước cổng trường để biểu diễn thư pháp bán cho sinh viên. “Thời sinh viên năm 2006, mới tập tành viết trên chất liệu giấy khổ A3, tôi làm ra những tấm liễn nho nhỏ, bán cho các bạn sinh viên, giá chỉ có 5.000 đồng/tờ. Từ đó giúp bản thân có động lực để cố gắng hoàn thiện và tập luyện nhiều hơn để sau này phát triển dòng tranh thư pháp phù hợp với thị hiếu của khách hàng”, Long kể lại kỷ niệm.
Đến năm 2008, Long phát triển mạnh ở lĩnh vực thư pháp thành cơ sở tranh để sản xuất và bán ra thị trường. Để có được một bức thư pháp đẹp, có hồn, thu hút được nhiều người thưởng thức giá trị nghệ thuật, Long phải trải qua nhiều quá trình khổ luyện thật công phu.
Long chia sẻ: “Khi viết chữ thư pháp, trước nhất đòi hỏi cái tâm phải tịnh và tất cả mọi thứ xung quanh mình phải gạt bỏ qua hết, chỉ duy nhất là phải tập trung để viết làm sao cho nó đẹp và có hồn nhất”.
“Ông đồ” cho chữ thư pháp trong ngày Xuân Kỷ Hợi 2019
Sau khi tốt nghiệp đại học, Long đến dạy học ở Trường Tiểu học Hòa Bình B của huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Bên cạnh nghề rõ đầu trẻ, thầy giáo Long vẫn theo đuổi niềm đam mê và mở cơ sở tranh thư pháp tại nhà. Trong thời gian hành nghề và tích cực quảng bá sản phẩm, tranh thư pháp của Long được đóng khuôn thành phẩm với nhiều kích cỡ bắt mắt nên được nhiều khách hàng ưa chuộng tìm đến xem, trải nghiệm và đặt mua.
Viết thư pháp trên lá sen
Thầy Phi Long đã nghiên cứu và viết chữ thư pháp thành công trên chất liệu lá sen sấy khô và được nhiều khách hàng đánh giá cao, bởi tính sáng tạo, độc đáo và mới lạ.
Thầy Phi Long chia sẻ về cơ duyên mình viết thư pháp trên lá sen sấy khô: “Tôi đã biết về lá sen sấy khô từ Công ty Khởi Minh Thành Công ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nên liên kết lấy nguồn nguyên liệu về để thực hiện mảng thư pháp lên thành các sản phẩm tranh thư pháp. Tranh lá sen có chất liệu từ 100% lá sen đều đã qua công nghệ xử lý sấy hiện đại”.
Theo thầy Phi Long, tranh lá sen khi dán lên để viết chữ thư pháp thì công đoạn viết rất là khó, bởi lá sen có gân nên khi viết phải đòi hỏi một kỹ thuật nhất định và tạo hình nội dung thì phải định hình trước. Chất liệu mực viết chữ cũng phải nghiên cứu khác với chất liệu trên giấy làm sao cho không bị phai và phải nổi lên trên lá sen cho nó đẹp hơn.
Nghệ thuật viết thư pháp trên lá sen sấy khô thật sự ấn tượng của thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long
“Quan trọng là làm sao thổi hồn thư pháp vào lá sen để trở thành tác phẩm nghệ thuật được nhiều người đón nhận và hài lòng. Khi khách hàng mua dòng tranh thư pháp thì được bảo hành trong thời gian 3 năm”, Long chia sẻ.
Mỗi tháng, cơ sở sản xuất tranh thư pháp Phi Long cho ra thị trường từ 30-40 khung tranh thư pháp các loại với giá từ 250.000 đồng/khung tranh trở lên. Sau khi trừ tất cả chi phí và tiền công, thầy Phi Long có thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng.
Mới 33 tuổi đời nhưng thầy giáo Long đã có ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm tranh thư pháp trên lá sen khô rất đáng khâm phục. Tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 4 năm 2018 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại TP HCM, Dự án “Tranh thư pháp trên lá sen khô” của Long lọt vào vòng bán kết và đạt giải ba cuộc thi cấp tỉnh Đồng Tháp.
“Ông đồ” Trịnh Phi Long triển lãm thư pháp giúp học sinh nghèo
Anh Nguyễn Chí Khanh, Phó Bí thư Huyện đoàn Tam Nông (Đồng Tháp), nhận xét: “Dự án khởi nghiệp từ sản phẩm “Tranh thư pháp trên lá sen”của thầy giáo Long không chỉ tạo việc làm và có nguồn thu nhập đáng kể cho những thanh niên nông thôn mà còn tận dụng những lá sen đặc trưng của vùng đất Sen hồng Đồng Tháp. Việc thầy giáo Long sáng tạo ra dòng sản phẩm tranh thư pháp trên lá sen khô thật độc đáo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mang bản sắc văn hóa dân tộc của khách hàng”.
Hiện, thầy giáo Long đang có kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với các tour du lịch lữ hành của các công ty và khu du lịch như Vườn Quốc gia Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt,… ở tỉnh Đồng Tháp đến cơ sở của Long để tham quan, trải nghiệm và viết thư pháp. Đồng thời, thầy giáo Long có hướng liên kết với các điểm du lịch homestay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và những khu du lịch ngoài tỉnh Đồng Tháp để ký gửi những sản phẩm giới thiệu tới khách du lịch để du khách mua về làm quà tặng bạn bè, người thân hoặc treo trong nhà làm kỷ niệm.
Vào đầu năm học mới, Trịnh Phi Long tổ chức triển làm tranh thư pháp với chủ đề “Nét bút yêu thương - Trái tim chia sẻ” bày bán tác phẩm nghệ thuật thư pháp của mình. Những tác phẩm bán được, Phong gây quỹ từ thiện giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở chính ngôi trường mình đang dạy. “Tôi thấy học sinh ở huyện Tam Nông còn nhiều trường hợp có hoàn khó khăn nên có ý tưởng triễn làm tranh thư pháp để góp một số ít kinh phí hỗ trợ các em tiếp bước đến trường”, Long bộc bạch.
Hòa Bình